Nhiệt độ
Cấp nước sinh hoạt ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn tỉnh Cà Mau: Khó khăn, thách thức và giải pháp
Cấp nước sinh hoạt ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn là một trong những vấn đề được tỉnh Cà Mau rất coi trọng. Bài viết dưới đây xin dẫn lại các ý kiến tham luận của Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau tại Hội thảo “Giải pháp cấp nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”, tháng 12/2020 được tổ chức bởi Bộ Xây dựng và Hội Cấp thoát nước Việt Nam.
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21 và Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn, lốc xoáy diễn ra thường xuyên, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp. Trong đó Cà Mau là tỉnh duy nhất trong vùng và cả nước có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254km, có địa hình thấp và bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt với tổng chiều dài trên 8.000km, có 87 cửa sông thông ra biển.
Diện tích tự nhiên của tỉnh là 5.221,19 km², dân số năm 2019 là 1.194.476 người, mật độ dân số trung bình 232 người/km². Phần lớn diện tích của tỉnh thuộc dạng đất ngập nước ven biển, có nhiều cửa sông, cửa biển và dân cư sống rải rác dễ bị ảnh hưởng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nên công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt, phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn, tốn kém.
Tuy nhiên, việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng bất thường, gây nhiều thiệt hại về tài sản; tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng; đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khoẻ và đời sống nhân dân trên toàn địa bàn của tỉnh Cà Mau.
Một trong những ảnh hưởng cấp thiết đến đời sống của người dân là vấn đề cấp nước sạch sinh hoạt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, khó lường.
Người dân đến lấy nước ngọt tại điểm cấp nước sạch miễn phí. Ảnh: HT
Khái quát về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Cà Mau
Hạn hán ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng trong những năm gần đây xuất hiện sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm trước đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp, hạ tầng giao thông thủy lợi và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Một số số liệu cụ thể của mùa khô năm 2020:
- Mực nước trên các hệ thống kênh, mương vùng ngọt hóa thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời sụt giảm nhanh; hiện nay các trục kênh cấp I mực nước chỉ còn từ 0,1 - 0,4m, cá biệt một số kênh trục đã khô cạn trong khi các kênh cấp II, cấp III đã khô cạn từ trước. Khu vực rừng tràm U Minh Hạ được khép kín trữ nước phục vụ phòng cháy chữa cháy từ rất sớm và được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng mực nước kênh cũng chỉ còn từ 0,7 - 1,5m, thấp hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 1,5m.
- Mưa hầu như không xuất hiện từ tháng 12/2019 đến tháng 4/2020. Ở các địa phương, nền nhiệt thường xuyên duy trì ở mức cao làm cho độ mặn nước sông tăng kỷ lục (cao hơn cả cùng kỳ năm 2016, trong đó cao nhất trên sông Gành Hào tại thành phố Cà Mau ở mức 34,5‰, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 2,0‰; tại thị trấn Sông Đốc trên sông Ông Đốc là 42,2‰, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 3,3‰; mực nước trên hệ thống kênh mương vùng ngọt hóa thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời bị sụt giảm nhanh chóng dẫn đến khô cạn, gây thiệt hại lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản; tình trạng sạt lở, sụt lún đất diễn ra nhiều nơi, đặc biệt là các tuyến đường giao thông nông thôn (147 tuyến với chiều dài sụt lún khoảng 24.700m) và đê biển Tây (240m).
- Tổng diện tích lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn là 16.803 ha, trong đó lúa – tôm 16.555 ha và lúa đông xuân 248 ha; rau màu thiệt hại 340ha.
Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến cấp nước sinh hoạt cho người dân
Nguồn nước cấp cho sinh hoạt ở tỉnh Cà Mau sử dụng 100% từ nguồn nước ngầm. Trong đó, khu vực nông thôn, ngoài nguồn nước ngầm cung cấp từ các công trình cấp nước tập trung, và các giếng khoan tự đầu tư, người dân còn sử dụng nguồn nước mưa và nguồn nước trữ trong các ao đìa để cấp cho sinh hoạt. Tuy nhiên, khi mùa khô đến, nguồn nước mặt cạn kiệt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, dẫn đến mực nước và chất lượng nước ngầm giảm sút, nước mặt cạn kiệt.
Theo số liệu thống kê, số hộ dân nông thôn hiện tại của tỉnh Cà Mau khoảng 226.000 hộ; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch hợp vệ sinh là 91,31%, tương đương 206.000 hộ. Có 20.851 hộ dân cư nông thôn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, chia thành 04 nhóm: Nhóm (I) ở gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được nước nước nối mạng (6.184 hộ); nhóm (II) dân cư sống phân tán (4.193 hộ); nhóm (III) đã có hệ thống cấp nước nối mạng, nhưng bị xuống cấp (6.384 hộ); nhóm (IV) khu dân cư tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước (4.090 hộ).
Những khó khăn, thách thức:
- Khai thác nước ngầm cấp cho sinh hoạt: Nhu cầu khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng cao, trung bình khoảng trên 150.000m³/ngày đêm, dự báo đến năm 2020 tăng lên khoảng 230.000m³/ngày đêm. Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm đã phải đối diện với nhiều vấn đề như sụt lún, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn tài nguyên nước ngầm. Theo đánh giá sơ bộ trong kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Na Uy thực hiện cho thấy sự sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau trong vòng 15 năm ở nhiều nơi có thể từ 30cm đến 70cm, bình quân khoảng 1,9cm - 2,8cm/năm. Dự báo nếu tiếp tục gia tăng khai thác nước ngầm thì trong vòng 25 năm tới dự báo sụt lún sẽ lên đến 90cm; điều đó sẽ làm cho địa hình tỉnh Cà Mau ngày càng thấp xuống; cùng với nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì tỷ lệ diện tích bị ngập của tỉnh Cà Mau càng lớn hơn.
- Tình trạng ô nhiễm nguồn nước: Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, do tỉnh Cà Mau được bao quanh bởi biển Đông và biển Tây nên tạo thành nhiều vùng giáp nước, điều này làm hạn chế sự lưu thông dòng chảy, nước từ nội đồng không thể thoát ra ngoài làm ô nhiễm nguồn nước mặt. Tình trạng người dân tự khoan giếng để khai thác nước ngầm diễn ra tự phát, chính quyền địa phương không kiểm soát được việc trám lấp các giếng khoan hư hỏng, không còn sử dụng dẫn đến nguồn nước mặt bị ô nhiễm, xâm nhập mặn chảy thẩm thấu vào các tầng nước ngầm, gây ô nhiễm nghiêm trọng các tầng nước ngầm.
Các giải pháp đã triển khai để khắc phục khó khăn, thách thức
Giải pháp chung
- Ổn định, phát triển nguồn nước cấp: Các đơn vị cấp nước (Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn,…) tiếp tục đầu tư tăng sản lượng nguồn nước, mở rộng mạng lưới đường ống và giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch, đảm bảo cung cấp nguồn nước ổn định, liên tục, đạt chất lượng phục vụ nhu cầu người dân.
- Phòng chống xâm nhập mặn: Ngành nông nghiệp phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện điều tiết nước đối với vùng ngọt hóa và vùng phụ cận, nhằm ngăn mặn, giữ ngọt; đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh mương theo phân cấp nhằm mở rộng mặt cắt, khơi thông dòng chảy nhằm tăng lượng tích trữ nước vùng ngọt và làm chậm quá trình tăng độ mặn tại các vùng mặn; hướng dẫn các địa phương các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sạch sinh hoạt.
- Công tác thông tin, truyền thông: Các cấp, ngành có liên quan tăng cường khuyến cáo người dân sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm; chủ động dự trữ nước mưa; hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại khu vực đã có công trình cấp nước tập trung; xử lý trám lấp giếng khoan hư hỏng, không sử dụng để tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Giải pháp cụ thể
- Triển khai các giải pháp phù hợp dựa trên sự phân nhóm dân cư nông thôn gặp khó khăn về nước sinh hoạt (mục 3):
Đối với nhóm (I): Tiến hành mở rộng, kéo dài tuyến ống công trình cấp nước và các giếng khoan hiện có, công suất giếng khoan có thể khai thác thêm. Đối với các khu, tuyến dân cư bức xúc, thực hiện lắp đường ống đi nổi trên mặt đất, đồng thời lắp các vòi nước công cộng, mỗi vòi cách nhau 500m để người dân lấy nước sử dụng ngay, sau đó từng bước hoàn thiện lại toàn bộ công trình, đảm bảo công trình ổn định lâu dài. Tổ chức lắp đặt đường ống cấp nước cố định đối với các cụm, tuyến dân cư có số lượng tương dối đông với mật độ hợp lý, có hiệu quả (khoảng 270km/6.148 hộ); huy động lực lượng, vận động nhân dân tham gia triển khai đồng loạt các công trình; thời gian thực hiện mỗi công trình từ 05 đến 30 ngày.
Đối với nhóm (II): Nhóm này là khu vực dân cư sống phân tán, thưa thớt, cần hỗ trợ dụng cụ trữ nước. Tỉnh đã hỗ trợ 2.732 hộ, mỗi hộ 01 bồn nhựa trữ nước loại 1,0m³ và 04 can nhựa loại 20 lít (đây là các đối tượng có đời sống khó khăn, hhộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc) để vận chuyển và dự trữ nước sinh hoạt (bằng xe 02 bánh do hệ thống kênh mương đã khô cạn). Về lâu dài, tỉnh sẽ tổ chức thí điểm và giới thiệu, vận động thực hiện mô hình dự trữ nước mưa để sữ dụng trong những tháng mùa khô theo mô hình tương tự ao nuôi tôm công nghiệp.
Đối với nhóm (III): Do hệ thống cấp nước nối mạng bị xuống cấp, nhu cầu sử dụng phát sinh cao trong mùa khô nên không đủ nước cung cấp khi người dân sử dụng đồng loạt. Để nâng cấp, cải tạo, đấu nối hòa mạng các hệ thống này đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho người dân cần phải có thời gian dài và nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện. Vì vậy, trong thời gian này sử dụng phương án cấp nước luân phiên (cấp cho tuyến này thì tạm ngắt các tuyến kia và ngược lại) để đảm bảo cho người dân có nước sử dụng. Dự kiến giải pháp lâu dài đối với nhóm này là nâng cấp, cải tạo, đấu nối hòa mạng 11 công trình cấp nước tập trung với tổng kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.
Đối với nhóm (IV): Đây là nhóm khu dân cư tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước. Trước mắt tổ chức khoan 06 giếng tập trung với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng để người dân lấy nước cấp cho sinh hoạt. Sau đó từng bước xây dựng các hạng mục còn lại như: Nhà trạm, hệ thống xử lý nước, thiết bị bơm, mạng đường ống phân phối…
- Tổ chức kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa chứa nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đầu tư bồn nhựa loại 10m³, túi nhựa dẻo 10-30m³ đặt tại địa điểm tập trung (UBND xã, nhà văn hóa…) để cung cấp nước cho người dân ở khu vực chưa có công trình cấp nước tập trung.
- Huy động các xe bồn, tàu bồn lưu động chở nước ngọt cho các hộ dân sống phân tán ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo.
Kiến nghị
Để tiếp tục quản lý cấp nước sinh hoạt cho người dân có hiệu quả trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp. Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau xin bày tỏ kiến nghị đối với tỉnh Cà Mau trong thời gian tới những vấn đề như sau:
1) Xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước; rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về cấp nước. Trong đó, điều chỉnh các nghị định, thông tư hiện hành về cấp nước sạch sinh hoạt đô thị; kiến nghị xây dựng nghị định về cấp nước sinh hoạt nông thôn.
2) Tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc tham gia Dự án cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (sử dụng nguồn vốn vay WB).
3) Kiến nghị Hội Cấp thoát nước Việt Nam; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng hỗ trợ Cà Mau tìm kiếm Nhà đầu tư xây dựng Nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp.
4) Hỗ trợ địa phương về kinh phí, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xử lý nguồn nước mưa, nước mặt cho tỉnh để thực hiện các dự án về đầu tư các hồ chứa, công trình xử lý nước để cung cấp nguồn nước ổn định cho sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ngọt hóa, tiến đến mở rộng mạng lưới cấp nước qua xử lý cho các vùng phụ cận, góp phần giảm thiểu việc khai thác nguồn nước ngầm.
5) Tăng cường hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện các chương trình, dự án về biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân (đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo).
6) Các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm tăng khả năng kết nối dịch vụ cấp nước sạch cho người dân.
> Nguồn: Bài tham luận của Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau
Hội thảo “Giải pháp cấp nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”, tháng 12/2020
Lịch sử Hội Cấp thoát nước Việt Nam
Đọc thêm
Mạnh dạn trao quyền cho nữ giới trong ngành Cấp Thoát nước
Cấp Thoát nước là ngành kỹ thuật đặc thù, độc hại, nặng nhọc với số đông lãnh đạo và lao động là nam giới. Song thực tế làm việc chứng minh, phụ nữ dù là “phái yếu” nhưng vẫn đảm đương tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.
Luật Cấp Thoát nước được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện thời
Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP quy định về Cấp Thoát nước đã tồn tại gần hai thập kỷ. Do đó, dự thảo Luật Cấp Thoát nước sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025 với mong muốn tháo gỡ những khó khăn hiện thời.
Luật Cấp Thoát nước - Chủ đề quan trọng tại sự kiện Vietnam Water Week 2024
Các quy định của lĩnh vực Cấp Thoát nước (CTN) hiện vẫn đang bị chi phối bởi các luật liên quan, chưa có quy chế hay luật chuyên ngành. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện Luật Cấp, Thoát nước là nhiệm vụ cấp thiết. Đây cũng là chủ đề quan trọng được bàn luận trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Water Week 2024 (VWW 2024).
Bộ Xây dựng: Lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước
Ngày 16/8/2024, tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì.
VWSA tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cấp Thoát nước
Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) vừa chủ trì tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp ý kiến Dự thảo luật Cấp Thoát nước (lần 02). Tại đây, các chuyên gia đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn đọng và cần được giải quyết trong dự thảo Luật.
Đề xuất cụ thể về Quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước trong dự thảo Luật
Đây là nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Cấp Thoát nước (lần 02) do Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) chủ trì tổ chức.
Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ 1/7: Bước tiến mới trong bảo vệ tài nguyên nước
Ngày 1/7/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước khi Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 chính thức có hiệu lực.
Trình Chính phủ dự án Luật Cấp Thoát nước vào tháng 1 năm 2025
Luật Cấp Thoát nước do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo có thời hạn trình Chính phủ vào tháng 1 năm 2025, thời hạn trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là tháng 2 năm 2025.
Hà Nội xây bể điều tiết ngầm chống ngập lụt
Để khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ, Hà Nội triển khai dự án xây bể ngầm chống ngập lụt tại một số khu vực trên địa bàn Thủ Đô. Dự án do UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất và được UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương.