Nhiệt độ
Cần sáng tạo, đồng bộ trong xử lý ngập sau mưa lớn ở Hà Nội
Hà Nội ngập lụt nặng, giao thông tê liệt sau trận mưa lịch sử cuối tháng 5/2022 đã xới lại vấn đề thoát nước ở đô thị, đòi hỏi các giải pháp sáng tạo và đồng bộ.
Chiều ngày 29/5, trận mưa rào ở Hà Nội diễn ra từ khoảng 14 giờ đến 16 giờ với lượng mưa từ 70 đến hơn 170 mm, gần bằng trận mưa lịch sử năm 2008, đã khiến nhiều tuyến đường của Thủ đô chìm trong biển nước, giao thông hỗn loạn.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lập tức huy động nhân lực và máy móc, triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý, theo bản báo cáo của công ty gửi UBND thành phố Hà Nội mà Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam có được.
Đồng thời, công ty mở cửa xả các hồ và vận hành hết công suất nhiều trạm bơm ở vùng ven để hạ mức nước trên hệ thống, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước. Do đó, chỉ hai giờ sau khi mưa tạnh, hầu hết các điểm úng ngập đã rút hết nước.
Tuy nhiên, tình trạng ngập úng cục bộ ở Hà Nội vẫn luôn là một vấn đề nan giải khi có mưa lớn. Trong một cuộc phỏng vấn với Báo Điện tử Chính phủ, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, đã lý giải hiện tượng “phố biến thành sông” ở Thủ đô.
Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng trận mưa hôm 29/5/2022 ở Hà Nội có lượng nước quá lớn, vượt khả năng quy hoạch chống đỡ. Quy hoạch thoát nước giai đoạn 2 từ 2010–2020 ở Hà Nội dựa trên lượng mưa tối đa trong 2 ngày là 310 mm, bình quân 2 giờ đạt khoảng 100 mm. Trong khi đó, trong 2 ngày 29 đến 30/5, chỉ trong 2 giờ đồng hồ, lượng mưa ở Cầu Giấy ghi nhận tới 180 mm.
Thứ hai, hệ thống cống ngầm Hà Nội đã có từ thời Pháp thuộc. Tuy đã phát triển gần gấp đôi, từ 74 km lên gần 140 km, nhưng hệ thống này vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như việc thu gom nước mặt và nước thải lẫn lộn dễ xảy ra ách tắc, việc duy tu bảo dưỡng.
Yếu tố thứ ba mà ông Đào Ngọc Nghiêm đề cập là Hà Nội thiếu diện tích hồ điều tiết mặt nước. Để điều hòa nguồn nước mặt chảy, theo tính toán khoa học và kinh nghiệm nước ngoài, các đô thị cần có 5-6% diện tích tự nhiên là diện tích mặt nước, song con số này ở Thủ đô là hơn 6.000 ha, tức khoảng 2% diện tích tự nhiên.
Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều hồ nước đã bị san lấp hoặc bị thu hẹp.
Một yếu tố nữa là các kênh thoát nước trong các khu dân cư như sông Lừ, Kim Ngưu, Tô Lịch, Nhuệ, v.v. cần được chú trọng bảo đảm dòng chảy. Ngoài ra, cần có hồ lớn ở cuối mỗi lưu vực thoát nước để hỗ trợ điều tiết.
Cuối cùng, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, dự báo công suất các trạm bơm cuối nguồn như trạm bơm ở Liên Mạc, Yên Sở, v.v. còn nhỏ trong khi lưu lượng nước chảy mạnh.
Đòi hỏi giải pháp lâu dài, đồng bộ
Trước đó, để chuẩn bị cho SEA Games 31 và phòng chống ngập lụt ở Thủ đô, ngày 11/3/2022, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập mùa mưa năm 2022.
Cụ thể, công ty có kế hoạch cập nhật nhanh thông tin cảnh báo về mưa bão để có phương án ứng phó kịp thời, ban hành những quy định cụ thể trong công tác ứng trực, xây dựng kịch bản tiêu thoát nước cho 11 trọng điểm úng ngập.
Đồng thời, công ty cũng tăng cường duy tu, bảo dưỡng đồng bộ hệ thống thoát nước, kiểm soát mực nước đệm trên hệ thống, lên phương án vận hành cụm công trình đầu mối, các cửa điều tiết và các trạm bơm tiêu thoát nước trên hệ thống.
Công ty cũng tổ chức ứng trực, giải quyết các tình huống xảy ra khi có mưa lớn.
Về phía chuyên gia, theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, có một giải pháp cần làm ngay là đầu tư để chống úng ngập cục bộ bằng các trang thiết bị hiện đại, bằng lực lượng cơ động như lực lượng phòng cháy chữa cháy, báo Điện tử Chính phủ đưa tin.
Còn về lâu dài, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, các đô thị không nên phát triển kiểu “xôi đỗ”, nghĩa là chỉ chú trọng vào các khu đô thị mà bỏ quên hệ thống kỹ thuật bên ngoài.
Đồng thời, Nhà nước cần cho phép bố trí nguồn lực đối ứng để phát triển hạ tầng kỹ thuật bên ngoài thì mới có thể giải quyết vấn đề úng ngập.
Ngoài ra, cần phải điều chỉnh lại quy hoạch mới, bổ sung các kênh mương thoát nước, khơi thông dòng chảy, đặc biệt tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn và công tác bảo dưỡng để chống ách tắc cục bộ.
Bên cạnh đó, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra, Hà Nội cần lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào quy hoạch 2021-2030 sắp tới và xem xét điều chỉnh ngân sách xây dựng trạm úng ngập cục bộ gắn kết các hệ thống thoát nước.
(TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm)
Ngày 30/5, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đưa ra một số đề xuất chống ngập lụt. Trong quá trình đô thị phát triển, cần thiết kế cơ sở hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt có thể thoát nước tự nhiên.
Trong trường hợp thời tiết cực đoan, có thể học tập Nhật Bản bố trí những đường ngầm ở dưới, gọi là hầm chứa lớn, vừa giữ nước để khi hạn hán thì tưới cây, trong thời điểm mưa ngập thì thành nơi chứa nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề xuất biến trường học, sân vận động, cánh đồng lúa thành những nơi chứa nước trong trường hợp những khu vực xung yếu có khả năng ngập. Giao thông cũng có thể coi là một hệ thống các thùng chứa nước rất lớn.
Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, các vấn đề xoay quanh hệ thống thoát nước không thể giải quyết trong nay mai và cần nhìn nhận vào tất cả các yếu tố, thay vì chỉ nhìn vào các phần vụn vặt. Đồng thời, cần có sự thống nhất và giải quyết đồng bộ từ các cơ quan quản lý.
• Bài Hoàng Ngân
Lịch sử Hội Cấp thoát nước Việt Nam
Nhìn lại 3 năm tổ chức Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week
Hội nghị Ban Chấp hành Chi hội Cấp Thoát nước miền Bắc lần thứ II thành công tốt đẹp
Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp thông qua chất lượng hệ thống thông tin kế toán
SAWACO: Nhân rộng uống nước tại vòi
Đọc thêm
Mạnh dạn trao quyền cho nữ giới trong ngành Cấp Thoát nước
Cấp Thoát nước là ngành kỹ thuật đặc thù, độc hại, nặng nhọc với số đông lãnh đạo và lao động là nam giới. Song thực tế làm việc chứng minh, phụ nữ dù là “phái yếu” nhưng vẫn đảm đương tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.
Luật Cấp Thoát nước được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện thời
Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP quy định về Cấp Thoát nước đã tồn tại gần hai thập kỷ. Do đó, dự thảo Luật Cấp Thoát nước sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025 với mong muốn tháo gỡ những khó khăn hiện thời.
Luật Cấp Thoát nước - Chủ đề quan trọng tại sự kiện Vietnam Water Week 2024
Các quy định của lĩnh vực Cấp Thoát nước (CTN) hiện vẫn đang bị chi phối bởi các luật liên quan, chưa có quy chế hay luật chuyên ngành. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện Luật Cấp, Thoát nước là nhiệm vụ cấp thiết. Đây cũng là chủ đề quan trọng được bàn luận trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Water Week 2024 (VWW 2024).
Bộ Xây dựng: Lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước
Ngày 16/8/2024, tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì.
VWSA tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cấp Thoát nước
Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) vừa chủ trì tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp ý kiến Dự thảo luật Cấp Thoát nước (lần 02). Tại đây, các chuyên gia đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn đọng và cần được giải quyết trong dự thảo Luật.
Đề xuất cụ thể về Quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước trong dự thảo Luật
Đây là nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Cấp Thoát nước (lần 02) do Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) chủ trì tổ chức.
Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ 1/7: Bước tiến mới trong bảo vệ tài nguyên nước
Ngày 1/7/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước khi Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 chính thức có hiệu lực.
Trình Chính phủ dự án Luật Cấp Thoát nước vào tháng 1 năm 2025
Luật Cấp Thoát nước do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo có thời hạn trình Chính phủ vào tháng 1 năm 2025, thời hạn trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là tháng 2 năm 2025.
Hà Nội xây bể điều tiết ngầm chống ngập lụt
Để khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ, Hà Nội triển khai dự án xây bể ngầm chống ngập lụt tại một số khu vực trên địa bàn Thủ Đô. Dự án do UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất và được UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương.