Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn

Quản lý chất thải rắn vùng ven đô: Thực trạng và giải pháp

25/06/2020 00:00

Quản lý chất thải rắn (CTR) là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Quản lý chất thải rắn (CTR) là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trong thời gian vừa qua quản lý  CTR tại các đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều đô thị lớn tỷ lệ thu gom vận chuyển đưa tới nơi xử lý đạt rất cao từ 95-100%  tuy nhiên tại nhiều vùng nông thôn, mặc dù đã được các cấp Chính quyền, đoàn thể quan tâm đầu tư xây dựng nhưng công tác quản lý CTR còn nhiều bất cập, tỷ lệ thu gom cũng chỉ đạt 40-50%, mô hình thu gom, vận chuyển CTR nông thôn hoạt động chưa hiệu quả. Vấn đề quản lý CTR sinh hoạt nông thôn đặc biệt tại các vùng ven đô các thành phố lớn đang là vấn đề nóng hiện nay.

Đặc điểm vùng ven đô các thành phố lớn, về mặt địa lý đó là khu vực cận kề với thành phố nhưng nó không tồn tại độc lập mà nằm trong miền liên thông nông thôn – ven đô – đô thị. Vùng ven đô là không gian giao diện nằm giữa đô thị và nông thôn, nên vừa mang  tính chất đô thị vừa mang tính chất nông thôn. Vùng ven đô theo quan niệm truyền thống là khu vực hẹp nằm xung quanh đô thị lõi trung tâm, nhưng theo quan niệm mới là vùng rộng lớn bao trùm nhiều địa bàn nằm xung quanh đô thị lõi trung tâm đô thị lớn. Đô thị hóa vùng ven đô là quá trình tất yếu mở rộng đô thị lõi trung tâm đến khu vực nông thôn.

Trong những năm qua tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh mẽ, việc mở rộng các đô thị lớn đã và đang thôn tính các vùng liền kề đô thị đồng thời làm thay đổi bộ mặt các làng ven đô, phá vỡ cấu trúc làng xóm cũ, biến nhiều làng, xóm ven đô trở thành khu ở đô thị, tổ chức không gian nửa đô thị, nửa nông thôn, chiều rộng và kết cấu mặt đường của đường làng, ngõ, xóm có nhiều thay đổi, kiến trúc, kiểu dáng nhà ở thay đổi mang dánh dấp đô thị nhiều hơn, ao, hồ và nhiều không gian trống được san lấp để xây dựng công trình, cơn sốt đất đai liên tục diễn ra.

CTR LÀ KẺ THÙ CỦA ĐÔ THỊ HÓA

Chất thải rắn là kẻ thù của đô thị hóa, là nguyên nhân gây ô nhiễm đất và nước. Chất thải rắn đô thị ngày càng diễn biến phức tạp, công tác quản lý chưa hiệu quả,CTR phát sinh từ các nguồn:Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, y tế, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt đô thị đang ngày càng tăng nhanh về chủng loại, số lượng và tính độc hại. Cơn lốc đô thị hóa khiến các vùng ven đô mật độ dân cư tăng nhanh, tốc độ xây dựng lớn làm cho hệ thống hạ tầng như đường giao thông, cấp, thoát nước… quá tải, nguồn nước bị ô nhiễm, ùn tắc giao thông, nguồn sống bị đe dọa. Nhiều khu vực, vùng ven đô khi nhập vào nội thành vẫn còn trắng về hạ tầng kỹ thuật.

Hầu hết các làng xóm của Việt Nam nói chung, đặc biệt các làng ven đô trước đây không có bãi rác mà chỉ có nghĩa trang, có nghĩa là phần lớn rác thải được tái sinh và tái sử dụng ngay trong từng hộ gia đình. Trong quá trình mở rộng và đô thị hóa, rác thải đủ thành phần đang tăng dần, từ nội địa đưa ra, từ ngay chính bản thân khu vực này, mặc dù trên thực tế nhiều làng ven đô đã hình thành các dịch vụ mang tính đô thị như thu gom rác thải, vận chuyển đổ vào nơi quy định, nhưng khối lượng quá lớn, tỷ lệ thu gom thấp, tồn đọng nhiều. Ngoài ra người dân vẫn còn tập quán xả rác bừa bãi mà ở đây không chỉ là thói quen tùy tiện, ý thức cố hữu, chưa chuyển đổi kịp thời sang lối sống đô thị… mà còn là những bất hợp lý trong việc thu gom rác thải và quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền địa phương.

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, chương trình xây dựng nông thôn mới đã cókết quả nhất định, nhiều làng xóm nông thôn có nhiều thay đổi, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, đời sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên khách quan nhìn nhận công tác quản lý CTR sinh hoạt vẫn còn là một vấn đề nan giải.

 H1: Rác thải được tập kết bừa bãi

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CTR VÙNG VEN ĐÔ

Lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở Việt Nam: hiện nay khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó CTR sinh hoạt đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và CTR sinh hoạt nông thôn - khoảng 32.000 tấn/ngày.

Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đô thị: đã tăng từ 78% năm 2008 lên 86-86,5% năm 2019 . Dịch vụ thu gom đã được mở rộng tới các đô thị loại V. Một số đô thị đặc biệt, đô thị loại I như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng có tỷ lệ thu gom khu vực nội thành đạt 100%. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40-55%. Tỷ lệ thu gom tại các vùng ven đô đạt tỷ lệ cao hơn, khoảng 60-80%.

Tỷ lệ tái chế CTR sinh hoạt: hiện vẫn còn thấp, khoảng 8-12% CTR sinh hoạt đô thị và 3,24% đối với CTR sinh hoạt vùng nông thôn . Một số công nghệ tái chế chất thải như chế biến phân vi sinh, viên nhiên liệu hay đốt thu hồi năng lượng, đốt phát điện cũng đã được triển khai. Việc chế biến, thu hồi năng lượng, phát điện từ chất thải mới chỉ bước đầu được triển khai mặc dù tiềm năng rất lớn.

Xử lý và công nghệ xử lý: Hiện nay, phương pháp chính trong xử lý CTR vẫn là chôn lấp; ước tính 70-75% CTR sinh hoạt đang được xử lý theo phương pháp này. Bên cạnh đó, xử lý CTR bằng hình thức đốt cũng được thực hiện ở nhiều nơi với 02 dạng chủ yếu là lò đốt rác hóa lỏng và công nghệ đốt chất thải thu hồi năng lượng.Vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý CTR tối ưu vẫn đang là bài toán thách thức đối với các nhà quản lý và các nhà khoa học trong khi hiện chưa có mô hình công nghệ xử lý CTR sinh hoạt hoàn thiện đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường . Các công nghệ xử lý CTR của Việt Nam chưa thực sự hiện đại và hầu hết có quy mô nhỏ. Hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu hầu như không phù hợp với thực tế CTR tại Việt Nam do chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của CTR sinh hoạt thấp, độ ẩm không khí cao… Còn các công nghệ xử lý CTR chế tạo trong nước lại chưa đồng bộ và hoàn thiện nên chưa thể phổ biến và nhân rộng.


Mô hình tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý CTR vùng ven đô: (1) Mô hình thu gom tự quản do dân tự tổ chức: Đây là hình thức phổ biến ở các vùng nông thôn, do người dân tự thỏa thuận và cử người thu gom cho 1 xóm hoặc 1 cụm dân cư. (2) Mô hình thu gom do xã, thôn tổ chức được sự quan tâm của chính quyền địa phương như hỗ trợ về phương tiện thu gom, nhiều địa phương đã qui hoạch được điểm tập kết, bãi chôn lấp rác. (3) Mô hình hợp tác xã (HTX) dịch vụ VSMT đây là mô hình được coi là hoạt động khá hiệu quả ở nông thôn. (4) Mô hình công ty Môi trường đô thị (MTĐT): Một số vùng ven đô, các công ty Môi trường đô thị đã mở rộng dịch vụ thu gom rác thải cho các các xã lân cận. Công ty có thể làm dịch vụ trọn gói từ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải hoặc chỉ vận vận chuyển và xử lý. Kinh phí hoạt động của công ty từ nguồn thu phí của dân và ngân sách của thành phố. Hiện chỉ có một số rất ít các xã ven các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đang thực hiện theo mô hình này.

QUAN ĐIỂM VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ CTR VÙNG VEN ĐÔ

Quan điểm

Quan điểm và mục tiêu quản lý CTR vùng ven đô tuân thủ theo quan điểm quản lý đã được quy định tại QĐ số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm2025 tầm nhìn đến 2050 đó là: 

Về quan điểm quản lý: (1) Quản lý tổng hợp chất thải rắn là quản lý toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng, bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước; (2)Chất thải rắn phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng và đất nước.

Về mục tiêu quản lý đến 2025: Về chất thải rắn sinh hoạt nông thôn nói chung và ven đô nói riêng cần đạt: (1) 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ; (2) 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường;

Giải pháp về phân loại, thu gom và xử lý CTR sinh hoạt

Phân loại, thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt (CTRSH): 
- CTRSH phát sinh từ hộ gia đình do các hộ tự phân loại và mang đến các điểm gom rác của khu dân cư theo quy định.
- CTRSH phát sinh từ nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, cơ quan, trường học… được phân loại thu gom và vận chuyển đến trạm trung chuyển theo quy định…

Xử lý CTR sinh hoạt: Do sự đa dạng của CTR tại các khu dân cư ven đô cả về số lượng, chủng loại cũng như thành phần CTR với tỷ lệ CTR hữu cơ khá cao nên các giải pháp xử lý CTR hướng tới giảm thiểu, tái chế và tải sử dụng CTR theo từng điều kiện cụ thể của địa phương. Các giải pháp có thể là: (1) Xử lý ngay tại hộ gia đình; (2) Xử lý tại điểm tập kết CTR sinh hoạt tại các thôn, xã hoặc tại các trạm trung chuyển; (3) Xử lý tập trung tại các khu xử lý theo quy hoạch và (4) Xử lý phân tán..

Giải pháp về cơ chế, chính sách: 

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho công tác thu gom, vận chuyển, đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các cơ sở xử lý chất thải phù hợp với điều kiện phát triển của vùng ven đô có liên kết với đô thị và các khu dân cư nông thôn liền kề.
- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; tăng dần nguồn thu từ giá dịch vụ vệ sinh; Rà soát sửa đổi bổ sung và ban hành định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Giải pháp về công nghệ:

Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để xử lý, tái chế chất thải rắn.

Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về xử lý, tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp với vùng ven đô để nhân rộng.

Giải pháp về tổ chức, quản lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng:

Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trong đó có quản lý CTR vùng ven đô thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo hướng giao cho cơ quan quản lý xây dựng và phát triển đô thị quản lý.

Rà soát, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải.

Xây dựng một chương trình truyền thông nhằm tuyên truyền giáo dục người dân có lối sống văn minh đô thị, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, tự giác giữ gìn vệ sinh đô thị, tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường là thiết thực bảo vệ chính môi trường sống của mình và của cộng đồng.

KẾT LUẬN

Quản lý chất thải rắn ven đô đang là vấn đề cấp thiết và cấp bách trong công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.Quản lý chất thải rắn vùng ven đô chỉ có được thành công cần phải có một giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, huy động nhiều nguồn lực của xã hội tham gia, vai trò và trách nhiệm của các Bộ, ngành đặc biệt của chính quyền các địa phương và vai trò quan trọng không thể thiếu đó là sự tham gia của cộng đồng dân cư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Bảo vệ môi trường 2014
2. Chính phủ, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về Quản lý chất thải và phế liệu.
3. Thủ tướng Chính phủ (2018), QĐ số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018: Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến 2050.
4. Lê Cường (2015), Mô hình và Giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt khu ven đô đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, Luận án Tiến sĩ.
5. Nguyễn Hồng Tiến (2015), Quy hoạch& Hạ tầng kỹ thuật, Nhà xuất bản Hồng Đức – ISBN 978 604 86 6147 2.
 
PGS.TS NGUYỄN HỒNG TIẾN
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Bộ Xây dựng: Lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước

Bộ Xây dựng: Lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước

Ngày 16/8/2024, tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì.

Chính sách 18/08/2024
VWSA tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cấp Thoát nước

VWSA tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Cấp Thoát nước

Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) vừa chủ trì tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp ý kiến Dự thảo luật Cấp Thoát nước (lần 02). Tại đây, các chuyên gia đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn đọng và cần được giải quyết trong dự thảo Luật.

Diễn đàn 11/07/2024
Đề xuất cụ thể về Quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước trong dự thảo Luật

Đề xuất cụ thể về Quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước trong dự thảo Luật

Đây là nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Cấp Thoát nước (lần 02) do Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) chủ trì tổ chức.

Chính sách 10/07/2024
Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ 1/7: Bước tiến mới trong bảo vệ tài nguyên nước

Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ 1/7: Bước tiến mới trong bảo vệ tài nguyên nước

Ngày 1/7/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước khi Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 chính thức có hiệu lực.

Trình Chính phủ dự án Luật Cấp Thoát nước vào tháng 1 năm 2025

Trình Chính phủ dự án Luật Cấp Thoát nước vào tháng 1 năm 2025

Luật Cấp Thoát nước do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo có thời hạn trình Chính phủ vào tháng 1 năm 2025, thời hạn trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là tháng 2 năm 2025.

Chính sách 28/06/2024
Hà Nội xây bể điều tiết ngầm chống ngập lụt

Hà Nội xây bể điều tiết ngầm chống ngập lụt

Để khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ, Hà Nội triển khai dự án xây bể ngầm chống ngập lụt tại một số khu vực trên địa bàn Thủ Đô. Dự án do UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất và được UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương.

Sớm hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực thoát nước

Sớm hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực thoát nước

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay 04/6/2024, các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chất thải.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đã đến lúc chúng ta cần có tuyên ngôn về nước

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đã đến lúc chúng ta cần có tuyên ngôn về nước

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần có tuyên ngôn với bà con nông dân ĐBSCL và cả nước rằng: Chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước, nước sẽ ngày càng khan hiếm hơn.

Tiếp cận phương pháp đổi mới đánh giá và quản lý nước ngầm tại Việt Nam

Tiếp cận phương pháp đổi mới đánh giá và quản lý nước ngầm tại Việt Nam

Bài viết trình bày việc tiếp cận phương pháp đổi mới đánh giá và quản lý nguồn nước ngầm tại Việt Nam nhằm nâng cao độ chính xác và hợp lý trong tính toán, đánh giá; tối ưu cơ chế vận hành, khai thác nước ngầm; đồng thời thiết lập hiệu quả các chính sách quản lý có liên quan đảm bảo sử dụng nước ngầm bền vững.

Top