Công việc này được triển khai dựa trên điều kiện thời tiết thuận lợi, như xuất hiện mưa cục bộ hoặc trời nhiều mây, âm u. Khi trên bầu trời xuất hiện các đám mây vũ tích, lực lượng chức năng sẽ phun một lượng hóa chất để tạo xúc tác, từ đó tăng lượng mưa, kéo dài thời gian mưa, nhằm đạt tới hiệu quả hạ nhiệt độ và phòng chống hạn hán.
Nhờ có sự can thiệp này, lượng mưa bình quân của Chiết Giang trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 17 giờ ngày 17/7 đạt 2,6 mm, nhiều thành phố đạt lượng mưa lớn từ 2,6 mm đến 12,9 mm, nhiệt độ nhiều khu vực đã giảm xuống còn 24 đến 27 độ C.
Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc thông tin, từ giữa tháng 6 đến nay, nhiều khu vực trong nước xuất hiện nắng nóng kéo dài, phạm vi rộng, ảnh hưởng cực đoan tới hơn 900 triệu người.
Đặc biệt là từ đầu tháng 7, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng mạnh tới khu vực phía nam với trung tâm là các địa phương Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải, Tứ Xuyên và Trùng Khánh, nhiệt độ liên tục vượt ngưỡng 40 độ C, phá vỡ kỷ lục về nắng nóng ở khu vực này.
Ngoài Chiết Giang, một số địa phương khác như Quý Châu, Thiểm Tây cũng đã tận dụng điều kiện thời tiết có lợi để can thiệp tạo mưa nhân tạo, nhằm giảm nhiệt độ ngoài trời và ứng phó tình trạng hạn hán do nắng nóng kéo dài.