Nhiệt độ
Nỗ lực khôi phục Ngũ Đại Hồ kéo dài nửa thế kỷ của Mỹ và Canada
Mỹ và Canada đã thực thi một thỏa thuận trong 50 năm qua để làm sạch Ngũ Đại Hồ, chuỗi hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Bên cạnh một số thành công, vẫn còn nhiều việc dang dở.
Ngũ Đại Hồ, hay 'The Great Lakes', gồm năm hồ nước ngọt ở Bắc Mỹ, có tổng diện tích gần 250.000 km2 và chứa hơn 20% lượng nước ngọt trên bề mặt Trái đất, theo Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA). Nước sạch cấp cho 40 triệu người Mỹ và Canada phụ thuộc vào hệ thống này.
Ngũ Đại Hồ hỗ trợ nền kinh tế biển trị giá hàng tỷ đô la. Các vùng đất quanh hệ thống hồ này cung cấp nhiều nguyên liệu thô như gỗ, than đá, sắt, giúp cho khu vực Trung Tây Hoa Kỳ vươn lên trở thành một trung tâm công nghiệp, theo một bài viết đăng trên trang theconversation.com hồi tháng 5/2022.
Tuy có vai trò vô cùng quan trọng, những hồ này đã bị suy thoái trong hơn một thế kỷ khi công nghiệp và công cuộc phát triển được đẩy mạnh ở khu vực lân cận.
Vào những năm 1960, các sông như Cuyahoga, Buffalo và Chicago bị ô nhiễm đến mức bắt lửa.
Năm 1965, tạp chí Maclean’s của Canada đã gọi Hồ Erie, hồ nhỏ nhất và nông nhất trong Ngũ Đại Hồ, là “một nghĩa địa hôi thối phủ đầy nhớt khó có thể cứu vãn”. Hồ Ontario cũng tiệm cận mức độ đó.
Năm 1972, Mỹ và Canada đã ký Thỏa thuận Chất lượng Nước Ngũ Đại Hồ, một hiệp ước mang tính bước ngoặt nhằm làm sạch các hồ này.
PGS. Daniel Macfarlane, khoa Môi trường và Phát triển bền vững (Đại học Western Michigan, Mỹ) coi thỏa thuận trên là một bước ngoặt trong công cuộc bảo vệ môi trường và là một mô hình quốc tế về quản lý ô nhiễm xuyên biên giới. Ông Macfarlane đã viết bốn cuốn sách về hợp tác quản lý Mỹ - Canada ở vùng nước chung.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên trang web nói trên, ông cho rằng người dân Mỹ và Canada thỏa hiệp quá sớm với những thành công ban đầu của thỏa thuận.
Giải pháp bắt đầu từ Phosphat
Một bước tiến quan trọng trong việc Canada - Hoa Kỳ chung tay quản lý Ngũ Đại Hồ diễn ra vào năm 1909 khi Hiệp ước Ranh giới Vùng nước được ký kết. Dựa vào Hiệp ước này, Thỏa thuận Chất lượng Nước Ngũ Đại Hồ được xây dựng thông qua việc phát triển một khung hợp tác, cho phép hai nước cùng nhau khôi phục và bảo vệ các vùng nước giáp ranh này.
Tuy nhiên, vì chỉ là một thỏa thuận hành pháp chứ không phải là một hiệp ước chính thức giữa các chính phủ, không có cơ chế pháp lý cho việc thực thi thỏa thuận nói trên.
Thay vào đó, thỏa thuận này dựa trên cam kết của Hoa Kỳ và Canada. Một cơ quan được thành lập theo Hiệp ước Ranh giới Vùng nước, có tên gọi Ủy ban Phối hợp Quốc tế (IJC), đã thực hiện thỏa thuận và theo dõi tiến độ hoàn thành mục tiêu của Thỏa thuận.
Thỏa thuận đặt ra các mục tiêu chung trong việc kiểm soát nhiều loại chất ô nhiễm ở Hồ Erie, Hồ Ontario và thượng nguồn sông St. Lawrence, cũng chính là những đoạn ô nhiễm nhất trên hệ thống Ngũ Đại Hồ.
Một trong những mục tiêu chính là giảm ô nhiễm chất dinh dưỡng, đặc biệt là phốt phát từ chất tẩy rửa và nước thải. Những hóa chất này tạo ra những đám tảo khổng lồ, hút cạn oxy trong nước khi chết và phân hủy.
Tương tự như các luật ô nhiễm nước quốc gia được ban hành vào thời điểm đó, những nỗ lực này tập trung vào các nguồn điểm – những chất ô nhiễm thải ra từ các điểm kín, dễ phát hiện, chẳng hạn như ống xả hoặc giếng.
Kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Cả hai chính phủ đều đầu tư vào các cơ sở xử lý nước thải mới và thuyết phục các nhà sản xuất giảm lượng phốt phát có trong chất tẩy rửa và xà phòng. Nhưng khi nồng độ phốt phát trong hồ giảm, các nhà khoa học sớm phát hiện ra những vấn đề khác.
Ô nhiễm chất độc
Vào năm 1973, các nhà khoa học đã công bố một phát hiện gây chấn động: cá ở Hồ Ontario có chứa mirex, một loại thuốc trừ sâu organochloride cực độc được sử dụng chủ yếu để diệt kiến ở Đông Nam Hoa Kỳ.
Một nghiên cứu đã cho thấy, nhà máy của công ty Hóa chất Hooker ở Thác Niagra, bang New York đã thải mirex ra môi trường.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đến mức, bang New York đã cấm tiêu thụ các loại cá phổ biến như cá hồi coho và cá hồi hồ ở Hồ Ontario từ năm 1976 đến năm 1978, đồng thời dừng mọi hoạt động câu cá thể thao và thương mại tại hồ.
Để đối phó với tình trạng này, Hoa Kỳ và Canada đã cập nhật Thỏa thuận Chất lượng Nước Ngũ Đại Hồ vào năm 1978 nhằm áp dụng cho cả năm hồ và tập trung vào hóa chất cũng như các chất độc hại.
Phiên bản này có thể là thỏa thuận quốc tế đầu tiên chính thức áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái để kiểm soát ô nhiễm, tức xem xét cả mối tương quan giữa nước, không khí và đất.
Năm 1987, hai nước đã xác định các điểm nóng nhất về mức độ độc hại xung quanh các hồ và thông qua các kế hoạch cải tạo. Tuy nhiên, như các nhà nghiên cứu về quy định môi trường Bắc Mỹ nhận định, cả hai quốc gia thường cho phép các ngành công nghiệp tự thực hiện việc kiểm soát.
Kể từ những năm 1990, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra các chất độc hại gây ô nhiễm bao gồm PCB, DDT và chlordane ở trong và xung quanh Ngũ Đại Hồ, cùng với chì, đồng, asen và những chất khác.
Một số hóa chất kể trên liên tục được tìm thấy vì chúng tồn tại dai dẳng và không phân hủy trong một thời gian dài. Một số chất khác đã bị cấm nhưng vẫn được rửa trôi từ trầm tích và các điểm ô nhiễm. Vẫn có những chất khác đến từ nhiều nguồn điểm và nguồn không điểm khác nhau, trong đó có nhiều khu công nghiệp tập trung ven bờ.
Nhiều khu vực nguy hiểm đã được cải tạo dần dần. Tuy nhiên, ô nhiễm chất độc ở Ngũ Đại Hồ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng mà hầu như người dân không hề biết đến, vì những chất này không phải lúc nào cũng khiến cho nước đổi màu hoặc bốc mùi.
Chính quyền vẫn giữ nguyên nhiều khuyến cáo về cá trên toàn khu vực do ô nhiễm hóa chất. Các ngành công nghiệp liên tục đưa các hóa chất mới ra thị trường, trong khi các quy định tụt hậu rất xa.
Nguồn không điểm
Một thách thức lớn khác là ô nhiễm nguồn không điểm, tức xả thải từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như dòng chảy từ các cánh đồng nông trại.
Nồng độ nitơ trong các hồ đã tăng lên đáng kể do sản xuất nông nghiệp. Tương tự như phốt phát, nitơ là một chất dinh dưỡng gây ra sự nở hoa lớn của tảo trong nước ngọt.
Nitơ là một trong những thành phần chính của phân bón, cũng được tìm thấy trong chất thải của con người và động vật. Nước thải từ các thành phố, cùng các dòng chất thải nông nghiệp mang theo một lượng lớn nitơ vào chuỗi hồ.
Do đó, hiện tượng tảo nở hoa đã tái xuất hiện ở Hồ Erie. Vào năm 2014, lượng chất độc hại này đã buộc các quan chức Toledo, Ohio phải dừng cấp nước cho nửa triệu người.
Một cách để giải quyết ô nhiễm nguồn không điểm là đặt ra một giới hạn chung cho việc thải chất ô nhiễm vào các vùng nước địa phương rồi có biện pháp hạ lượng thải xuống mức đó.
Những giải pháp này được gọi là Tổng tải lượng thải tối đa và đã được áp dụng hoặc đang được xây dựng cho nhiều khu vực của lưu vực Ngũ Đại Hồ, trong đó có phía tây Hồ Erie.
Tuy nhiên, để có thể hạn chế phát thải chất ô nhiễm, chiến lược này phụ thuộc vào các tiểu bang, cùng tinh thần tự nguyện của người nông dân.
Một số người dân ở vùng Trung Tây nước Mỹ ủng hộ chiến lược tiếp cận theo khu vực như cách làm với Vịnh Chesapeake. Tại đây, các bang yêu cầu chính phủ đưa ra một Tổng tải lượng thải tối đa quốc gia đối với các chất ô nhiễm chính, áp dụng cho toàn bộ lưu vực vịnh.
Vào năm 2019, các cử tri Toledo đã thông qua Tuyên ngôn về quyền của Hồ Erie, cho phép công dân khởi kiện khi Hồ Erie bị ô nhiễm. Tuy nhiên, Tuyên ngôn này đã bị những người nông dân của Hợp tác xã Drewes Farms phản đối tại tòa. Kết quả, tòa tuyên bố Tuyên ngôn này vi hiến.
Nhiệt độ tăng và lũ lụt
Biến đổi khí hậu hiện đang khiến cho các nỗ lực làm sạch Ngũ Đại Hồ trở nên khó khăn hơn.
Nhiệt độ nước tăng lên có thể ảnh hưởng đến nồng độ oxy, chu trình dinh dưỡng và mạng lưới thức ăn trong hồ, có khả năng khiến cho nhiều vấn đề trầm trọng hơn, thậm chí trở thành những thách thức lớn.
Lũ lụt do biến đổi khí hậu đe dọa gây ô nhiễm các nguồn cung cấp nước sạch xung quanh Ngũ Đại Hồ. Mực nước cao kỷ lục đang gây xói mòn bờ biển và phá hủy cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nhiều vấn đề mới đang xuất hiện, trong đó có ô nhiễm vi nhựa và các “hóa chất vĩnh cửu” như PFAS và PFOA.
Sẽ là một thách thức đối với Hoa Kỳ và Canada để đạt được những bước tiến mới trong vấn đề phức tạp này.
Những công việc chính bao gồm ưu tiên và tài trợ cho việc làm sạch những khu vực nhiễm độc, tìm cách ngăn dòng chảy nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng thoát nước thải và nước mưa mới.
Nếu hai quốc gia quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm như đã từng làm vào những năm 1970, Thỏa thuận Chất lượng Nước Ngũ Đại Hồ sẽ là một khung hành động hiệu quả.
Lịch sử Hội Cấp thoát nước Việt Nam
Nhìn lại 3 năm tổ chức Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week
Hội nghị Ban Chấp hành Chi hội Cấp Thoát nước miền Bắc lần thứ II thành công tốt đẹp
Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp thông qua chất lượng hệ thống thông tin kế toán
SAWACO: Nhân rộng uống nước tại vòi
Đọc thêm
Nhìn lại 3 năm tổ chức Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week
Tuần lễ ngành Nước Việt Nam 2024 là năm thứ 3 được Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) chủ trì tổ chức. Qua thời gian, sự kiện ngày càng chứng minh được vị trí, khẳng định uy tín của thương hiệu Vietnam Water Week và xứng đáng là sự kiện tâm điểm của ngành Nước Việt Nam hàng năm.
Việt Nam - Hàn Quốc: Hợp tác nâng cao năng lực ngành Nước
Đây là nội dung chính được thảo luận trong cuộc gặp mặt giữa Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) với Hội Công trình Nước và Nước thải Hàn Quốc (Hội nước Hàn Quốc) và Tổng Công ty Tài nguyên Nước Hàn Quốc (K-Water) vào sáng 28/11 vừa qua.
SAWACO: Chuyển mình cùng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
Với mục tiêu triển khai chương trình “Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giai đoạn 2022 - 2026”, SAWACO và các đơn vị cấp nước thành viên đã mạnh dạn ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ, giao lưu hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm cấp nước an toàn, phát triển khách hàng và giảm thất thoát nước trên địa bàn TPHCM.
Vietnam Water Week 2024 khép lại với nhiều khoảnh khắc đáng nhớ
Sau ba ngày diễn ra, sự kiện Vietnam Water Week (VWW) 2024 đã chính thức khép lại với nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Cũng trong buổi lễ bế mạc, lãnh đạo VWSA cũng bày tỏ niềm vui khi sự kiện VWW năm nay được báo chí, truyền thông và các tổ chức quốc tế đánh giá cao
Nhiều công nghệ kỹ thuật mới được giới thiệu tại Vietnam Water Week 2024
Chiều 7/11, các doanh nghiệp ngành Nước đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có phần giới thiệu, trình bày về các công nghệ thiết bị tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Luật Cấp Thoát nước được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện thời
Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP quy định về Cấp Thoát nước đã tồn tại gần hai thập kỷ. Do đó, dự thảo Luật Cấp Thoát nước sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025 với mong muốn tháo gỡ những khó khăn hiện thời.
HueWACO và Cục nước Đài Bắc (TWD) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường kết nối và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong các lĩnh vực thuộc ngành Nước, chiều ngày 06/11 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận Hợp tác (MOU) giữa Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) và Cục nước Đài Bắc (TWD), giai đoạn 2024 – 2027.
Hơn 1.000 đại biểu tham dự Lễ khai mạc sự kiện Vietnam Water Week 2024
Sáng 6/11, Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2024 đã chính thức khai mạc trong thể tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia. Sự kiện do Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) chủ trì tổ chức thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế.
Chế độ ăn nhanh của người Mỹ đang làm quá tải nguồn nước ngầm
Chế độ ăn nhanh với nhiều thịt gà, pho mát đang dần trở nên phổ biến hơn trên toàn nước Mỹ. Điều này tạo ra sự thay đổi lớn đối với nền nông nghiệp xứ cờ hoa và tạo ra sức ép lớn cho nguồn nước ngầm quý giá trong cả nước.