
Nhiệt độ
Nhiệt độ
Xin chào, User name
Tài khoản của tôi Hoạt động bình luận Tin đã lưu Tin đã xem Tin đã bình luận Đăng xuấtNăm nay, khi miền Bắc Mexico phải hứng chịu một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, các nhà máy bia nằm rải rác trong những vùng đất khô cằn vẫn sử dụng một lượng nước lớn và cho ra những loại bia được cả nước yêu thích như Corona và Tecate, bài đăng trên New York Times ngày 13/11 cho hay.
Tại nhà máy Heineken bằng gạch tráng lệ ở thành phố Monterrey, đường ống không bao giờ ngừng chảy, ngay cả khi nhiều cuộc ẩu đả nổ ra tại các điểm chờ xe chở nước của chính phủ, hay khi ký sinh trùng lây lan ở những đứa trẻ không được tắm thường xuyên.
Chứng kiến khu vực mình sinh sống cạn nước trong nhiều ngày, hồi tháng 7, Blanca Guzmán quyết định tham gia một nhóm biểu tình chặn lối vào văn phòng của Heineken.
“Các vòi nước chẳng rỉ ra giọt nào. Thế nhưng, các nhà máy bia lại vẫn sản xuất liên tục,” Guzmán nói với tờ New York Times.
Lời hứa của chính phủ
Khi hạn hán khắp thế giới trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, các nhà sản xuất bia và những ngành tiêu thụ nhiều nước khác đã rơi vào trung tâm của cuộc chiến khí hậu ở Mexico, khi các nhà hoạt động xã hội dẫn đầu phong trào đòi lại nước từ các tập đoàn đã được nhà nước cấp phép.
Ngay cả lời hứa về việc làm và phát triển kinh tế cũng đang trở nên mỏng manh khi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt dẫn đến sự chênh lệch về tiếp cận nước giữa khu vực tư nhân và các hộ gia đình ngày càng rõ rệt, khiến uy tín của một số thương hiệu lớn nhất thế giới giảm sút.
Các nhà sản xuất bia đã trở thành mục tiêu chính của các nhà hoạt động xã hội, do những công ty này đặt nhà máy ở miền Bắc, nơi thường chịu hạn hán.
Heineken, Anheuser-Busch InBev và Constellation Brands đều vận hành các nhà máy lớn ở các bang phía Bắc để tận dụng khoảng cách địa lý gần với Mỹ, nơi bia nhập khẩu từ Mexico đang được ưa chuộng nhất. Chỉ tính năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của các nhà sản xuất bia Mexico đã vượt qua 5 tỷ đô la Mỹ, đưa Mexico trở thành nước xuất khẩu bia hàng đầu thế giới, New York Times trích số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, vào tháng 7, tám trong số 32 bang của Mexico đã trải qua đợt hạn hán từ trung bình đến cực đoan, khiến hơn một nửa trong số các khu vực hành chính của nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, theo Ủy ban Nước Quốc gia Mexico.
Để giải quyết vấn đề này, phát biểu vào tháng 8, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết ông sẽ yêu cầu dừng việc sản xuất bia ở miền Bắc và chuyển các nhà máy đến miền Nam, nơi có dồi dào nước hơn.
“Điều này không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ việc sản xuất bia, mà chỉ là ngừng sản xuất ở miền Bắc”, New York Times trích lời ông López Obrador nói trong một cuộc họp báo.
Ông López Obrador vẫn chưa thực hiện tuyên bố nói trên, và những người trong ngành cho biết, việc sản xuất bia ở miền Bắc đến nay không hề bị ảnh hưởng bởi phát ngôn đó. Nhưng quan điểm của Tổng thống phản ánh một thách thức lớn đối với ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la và sử dụng lượng nước khổng lồ này, ở thời điểm tác động của biến đổi khí hậu đang được cảm nhận sâu sắc nhất.
Tranh cãi về quyền sử dụng nước
Ở Mexico, để sản xuất 1 lít bia cần khoảng 2,5 lít nước. Các công ty bia ở đây đã mua quyền tiếp cận nước từ chính phủ liên bang với thời hạn có thể lên đến hàng thập kỷ.
Theo thống đốc Samuel García, giấy phép sử dụng nước của Heineken ở bang Nuevo León, nơi có thành phố Monterrey, lên tới khoảng 6 triệu m3 mỗi năm. Nhà máy này lấy nước từ các tầng chứa nước tách biệt với nguồn nước của thành phố, vốn chủ yếu dựa vào ba con đập.
Đó là lý do chính giúp công ty tránh chịu chung số phận với Monterrey mùa hè này, khi lượng mưa thấp kỷ lục làm cạn kiệt nguồn cấp nước cho các đập, theo giáo sư Salvador Corrales của Đại học El Colef ở Monterrey, người nghiên cứu về việc Heineken sử dụng nước tại địa phương.
Khi cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, các nhà chức trách bắt đầu công khai gây áp lực cho các công ty tư nhân nắm nhiều quyền sử dụng nước để họ nhượng lại nước cho thành phố.
Ông García cũng nói với New York Times, Heineken chỉ sử dụng khoảng 2/3 lượng nước được phép và được yêu cầu giao lại lượng nước dư thừa cho bang. Heineken đã đồng ý chuyển nhượng tạm thời 600.000 m3, đồng thời vận chuyển từ các giếng một lượng nước bằng khoảng 20% lượng tiêu thụ của nhà máy.
Công ty này cũng bố trí năm xe nước sạch mỗi tuần để phân phối cho các cộng đồng địa phương và quyên góp số tiền trị giá 1 triệu đô la cho thành phố, New York Times dẫn thông tin từ Heineken.
Một số công ty khác cũng đồng ý chia sẻ một phần nước dự trữ của họ, trong đó có công ty thép khổng lồ Ternium, một trong những doanh nghiệp có nhiều quyền lợi về nước nhất và là đơn vị đóng chai chủ yếu của Coca-Cola.
Theo Ủy ban Quốc gia về nguồn nước Mexico, ngành công nghiệp bia tiêu thụ gần 5% lượng nước của đất nước này, một phần nhỏ nhưng đáng kể đối với một quốc gia từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng khan hiếm nước.
Các nhà hoạt động vì quyền sử dụng nước cho rằng, khi chính phủ liên bang cấp phép sử dụng nước cho các công ty, họ đã không cân nhắc đầy đủ về vấn đề môi trường địa phương và ảnh hưởng của việc sản xuất đối với tiếp cận nước của các hộ gia đình.
“Việc cấp phép sử dụng nước dựa trên tiêu chí thị trường đã tạo ra những vấn đề này”, Iván Martínez Zazueta, nghiên cứu sinh tiến sĩ địa lý, người đã phản đối việc mở rộng ngành bia ở thành phố biên giới Mexicali, cho biết. Martínez đã kêu gọi cải thiện cách đánh giá tác động trước khi cấp phép sử dụng nước.
Theo Hiệp hội Bia Mexico, ngành này giải quyết hàng trăm nghìn nhu cầu việc làm. Các thực hành bền vững được các nhà sản xuất bia Mexico áp dụng trong những năm gần đây đã giúp họ sử dụng ít nước hơn mức trung bình quốc tế.
Nhưng khi các nhà máy bia duy trì sản lượng cao vào mùa hè năm nay bất chấp hạn hán, những nỗ lực đó không còn được đánh giá cao. Nhất là khi nhiều cửa hàng đã bán hết nước nhưng vẫn còn đầy bia và soda.
Theo một báo cáo gần đây của Hiệp hội nói trên, các nhà sản xuất đã tăng sản lượng của họ lên gần 5% so với năm ngoái trong 8 tháng đầu năm 2022.
Những người ủng hộ các nhà máy bia ngay lập tức phản pháo rằng việc nhắm vào lượng nước tiêu thụ của ngành là vô lý. Theo Ủy ban Quốc gia về nguồn nước Mexico, ngành nông nghiệp của nước này sử dụng khoảng 76% nguồn cung nước trong nước, so với 0,02% của ngành công nghiệp bia, theo ông José Luis Luege, cựu giám đốc Ủy ban Quốc gia về nguồn nước Mexico.
“Một trong những tuyên bố mà Tổng thống đưa ra hoàn toàn không có cơ sở, nhưng lại gây ra thiệt hại thực sự cho nền kinh tế,” ông nói, ám chỉ lời hứa chấm dứt sản xuất bia ở miền Bắc của ông López Obrador.
Cách chính phủ cầm quyền thực hiện cam kết đó đang là dấu hỏi lớn. Mặc dù cơ quan cấp nước liên bang có thể chấm dứt các thỏa thuận hiện tại với các công ty bia, hành động này rất có thể sẽ vướng vấn đề pháp lý. Giới phân tích dự đoán, những tuyên bố này có thể mang nghĩa là trong tương lai, chính phủ sẽ từ chối ký thỏa thuận với các nhà sản xuất bia ở miền Bắc.
Một phát ngôn viên của Ủy ban Quốc gia về nguồn nước Mexico không đưa ra bình luận về điều này.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền không còn gay gắt về vấn đề sử dụng nước của ngành bia.
Tháng trước, quan chức phụ trách cấp quyền sử dụng nước của Ủy ban Quốc gia về nguồn nước Mexico đã bị sa thải. Được biết, đây là một nhà hoạt động về luật nước lâu năm, được cho là đang trì hoãn quá trình cấp phép. Cơ quan này cho biết động thái này nhằm “đẩy nhanh” nỗ lực giảm lượng hồ sơ tồn đọng.
Dù vậy, ông López Obrador đã cho thấy, ông có khả năng hành động quyết liệt để kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất bia ở miền Bắc.
Vào năm 2020, khi Constellation Brands tiến hành xây dựng nhà máy bia ở Mexicali, ông López Obrador đột ngột kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý, trong bối cảnh người dân phản ứng dữ dội về lượng nước khổng lồ mà nhà máy này có thể sẽ tiêu thụ.
Động thái trên nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình kéo dài nhiều năm của các nhà hoạt động vì quyền sử dụng nước, những người cho rằng nhà máy Corona sẽ chiếm dụng quá nhiều nguồn nước, vốn đã hạn chế của khu vực.
Những người bỏ phiếu cuối cùng đã đặt dấu chấm hết cho dự án. Kể từ đó, Constellation Brands đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở bang Veracruz, miền Nam Mexico.
Nếu các công ty bia khác cũng buộc phải chuyển về miền Nam, việc sản xuất có thể sẽ bị ảnh hưởng. Các nhà phân tích cho rằng miền Nam Mexico chưa được trang bị đầy đủ để tiếp nhận ngành công nghiệp đang phát triển này.
Raúl Rodríguez, cựu giám đốc điều hành của hãng bia Modelo, nói với New York Times: “Miền Nam Mexico không có cơ sở hạ tầng như miền Bắc”, bởi tuyến giao thông đường sắt thiếu và lực lượng lao động cũng mỏng hơn. Ông Rodríguez hiện đang đứng đầu Hội đồng Cố vấn về Nước, tổ chức đóng vai trò cầu nối giữa chính phủ và các nhà sản xuất bia.
Ở Monterrey, những cơn mưa tháng 9 đang bổ sung nguồn nước cho thành phố, giúp nơi đây dần trở lại trạng thái bình thường. Cuối tuần qua, các bữa tiệc truyền thống tại đập Rodrigo Gómez bên ngoài thành phố đã quay trở lại, nhưng vẫn còn đó những cảnh báo về mùa khô sắp đến.
Một chiến dịch của chính phủ công bố trên đài phát thanh cảnh báo người dân rằng nếu muốn sử dụng nước mãi mãi, họ nên giảm và tái sử dụng nước, đồng thời không tắm quá ba phút.
Chiều 23/4/2025, Lãnh đạo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Văn phòng Kinh tế & Thương mại Israel tại Việt Nam. Tại cuộc họp, phía Israel bày tỏ mong muốn tìm hiểu thị trường và kết nối với các doanh nghiệp cấp thoát nước của Việt Nam.
Trung tuần tháng 3/2025, đoàn công tác Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã có chuyến công tác và tham dự Triển lãm Công nghệ xử lý nước tại Hàn Quốc (Water Korea 2025).
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, dòng hải lưu mạnh nhất thế giới có thể suy giảm tới 20% vào năm 2050 nếu lượng khí thải tiếp tục ở mức cao, làm gia tăng tốc độ tan băng ở Nam Cực và mực nước biển dâng.
Theo CNN, đảo quốc Nauru ở Thái Bình Dương đã quyết định khởi xướng sáng kiến "hộ chiếu vàng" với mục đích gây quỹ tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Liên Hợp Quốc công bố 2025 là Năm quốc tế bảo tồn sông băng, kèm theo tuyên bố Ngày nước thế giới năm nay có chủ đề Bảo tồn các dòng sông băng. Đây là dịp nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò của sông băng, tuyết và băng đối với khí hậu và chu trình thủy văn, cũng như tác động kinh tế, xã hội, môi trường.
Theo thống kê, tổng công suất các nhà máy cấp nước ở Việt Nam đạt 13,2 triệu m3/ngđ, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch 94%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch 15,5%. Với nhu cầu xử lý nước ngày càng tăng, dư địa đầu tư vào thị trường ngành Nước của Việt Nam còn lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Sau một thập kỷ xây dựng, dự án "siêu cống" Thames Tideway của London cuối cùng đã hoàn thành. Hệ thống cống ngầm quy mô lớn này, với chi phí đầu tư đạt 5 tỷ bảng Anh (tương đương 6,3 tỷ USD), hứa hẹn sẽ cách mạng hóa hệ thống xử lý chất thải của thành phố.
Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội nước Hungary vừa có buổi gặp gỡ, bàn bạc kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.
Được sự giới thiệu của Đại sứ quán Bỉ, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã có buổi làm việc với doanh nghiệp ngành Nước đến từ Bỉ nhằm kết nối và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước.