Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn

Phương thức khai thác nước ngầm của người Chăm

28/04/2022 11:41

Miền Trung không được thiên nhiên ưu đãi. Khí hậu nóng khô, địa hình dốc từ Tây sang Đông khiến các sông đều ngắn và cạn nước vào mùa khô, nên để tồn tại được, cư dân Chăm Pa xưa kia đã buộc phải biết làm thủy lợi, tìm nguồn nước ngầm.

Về thủy lợi, đến nay ở miền Trung có hai đập nước quan trọng là Nha Trinh nằm trên sông Cái Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, và Đồng Cam tại sông Ba, tỉnh Phú Yên. Đập Nha Trinh (tương truyền là công trình do vua Chăm Pa Po Klaong Garai xây dựng từ thế kỷ XIII) từng bị coi là lạc hậu, nhưng đập mới xây bằng kỹ thuật hiện đại đã bục vỡ chỉ sau một mùa mưa lũ nên cuối cùng phải sử dụng lại đập nước cũ có tu bổ thêm.

Đập Đồng Cam do các kỹ sư Pháp xây dựng, nhưng trong diễn văn khánh thành đập này vào ngày 7/9/1932, của Toàn quyền Đông Dương Pièrre Pasquier có viết: “Nous reprenions, avec une technique scientifique, la conception des Chams, ces merveilleux agriculteurs, qui surent, avec ingéniosité et par des moyens qui forcent notre admiration, conduire et discipliner l’eau”.

(Tạm dịch: Chúng ta đã tiếp thu, bằng một kỹ thuật mang tính khoa học, quan niệm của người Chăm, những người nông dân tuyệt vời và là những người biết cách, với sự khéo léo và bằng những phương tiện khiến chúng ta phải ngưỡng mộ, dẫn dắt và thuần hóa nước.)

Phương thức khai thác nước ngầm của người Chăm - Ảnh 1.

Giếng Bà tại Hảo Sơn, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn đề cập đến kiến thức của người Chăm về nước ngầm. Giữa những cồn cát cao như núi, ngay sát mép biển, trên các đảo ven bờ xung quanh là nước mặn… họ vẫn tìm được mạch nước ngầm. Tại đảo Phú Quý (Bình Thuận), khảo cổ học từng phát hiện 10 giếng Chăm cổ. Trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện cũng còn hàng chục giếng cổ. Nổi tiếng nhất trong số đó là giếng có tên Xó La (không có nghĩa trong tiếng Việt). Từng là nguồn cung cấp nước ngọt cho một nửa dân cư của đảo, giếng có tâm chỉ cách mép nước biển 22 m, nhưng nước chưa bao giờ bị nhiễm mặn.

Người Chăm còn có tài tìm mạch nước ngầm vô cùng chính xác: Tại góc Đông Bắc thành cổ Thuận Châu ở làng Vệ Nghĩa, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị hiện còn một giếng Chăm cổ, nước luôn đầy, rất trong, rất ngọt. Do ‘quá tải dân số’, người dân phải đào thêm một giếng nữa cách cách giếng cổ chỉ khoảng 1,5 m, nhưng nước chua phèn không dùng được.

Lòng các giếng Chăm cổ không quá sâu, thường 2,5-3 m kể từ mặt đất (không tính các lớp xây xếp trên mặt đất) đã tới mặt nước. Điều này cho thấy nước ngầm ở đó rất dồi dào, và đây cũng chính là đặc điểm của giếng Chăm cổ: không bao giờ cạn nước. Mạch nước ngầm mạnh đến mức, ngay sau khi lũ ngập rút đi đã có thể lấy nước sử dụng bình thường.

Người Chăm xưa kia sử dụng những nguồn mạch nước ngọt lành ấy không chỉ để tồn tại, mà còn phát triển nông nghiệp ở ngay vùng khô hạn cát nhiều hơn đất.

Trước đây, một số học giả Pháp đã quan tâm nghiên cứu các công trình xếp đá để khai thác nước ngầm ở Quảng Trị song còn ‘băn khoăn’ về chủ nhân của các công trình này. Từ những năm 90 của thế kỷ 20 cho đến gần đây, theo sự dẫn dắt của GS Trần Quốc Vượng từ các cuộc điền dã trên địa bàn của vương quốc Chăm Pa xưa, các nhà khảo cổ học trong nước đã phát hiện và nghiên cứu rất nhiều di tích giếng cổ ở các tỉnh từ Bình Thuận ra đến Quảng Bình. Hầu hết giới nghiên cứu đều đồng thuận đó là các giếng Chăm cổ, cho dù người Việt sau này đã tu sửa, nhiều nhất ở phần thành miệng giếng.

TS. Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng Khảo cổ học Lịch sử Viện Khảo cổ học, người từng tốt nghiệp đại học với đề tài giếng Chăm cổ, rồi đeo đuổi đến cuối đời, cho rằng các giếng trong Đại Nội Huế và một số lăng vua Nguyễn cũng có nguồn gốc Chăm Pa. Ở Hà Tĩnh, ông cũng đã khảo sát và phát hiện được hàng chục giếng cổ ‘à la Champa’ (theo kiểu Chăm Pa) tại xã Hồng Lộc và Mai Phụ, huyện Lộc Hà; xã Cẩm Huy (huyện Cẩm Xuyên); xã Kỳ Trinh, Kỳ Châu, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh). Ở xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện nhiều giếng cổ mang dấu ấn văn hoá Chăm Pa. Trong đề tài nghiên cứu cấp bộ ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, TS. Nguyễn Tiến Đông còn nhắc đến những giếng cổ ở xã Bá Hộ (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); ở nhiều xã thuộc Thạch Thất, Đan Phượng, Phúc Thọ (Hà Nội)... Ngoài những điểm tương đồng về kỹ thuật làm giếng, thì điều cần lưu ý là: Đây từng có các sách-sở (nơi các vua phong kiến an trú tù binh, thợ thủ công Chăm Pa; nhiều địa danh ở Hà Nội còn lưu vết như Ngã Tư Sở, Yên Sở…

Đi sâu nghiên cứu, TS. Nguyễn Tiến Đông đã phân chia giếng Chăm cổ thành ba loại: giếng Đóng, giếng Mở và giếng Nửa Mở.

1- Giếng Đóng: Là loại phổ biến nhất, suốt dọc miền Trung ngày nay (Chăm Pa xưa) ở đâu cũng thấy xuất hiện loại giếng này. Về hình thức giống như giếng khơi ở Bắc bộ: Nước ngầm được trữ lại trong khuôn giếng bằng vật liệu khác. 

Nhiều nơi ở miền Trung vẫn gọi các giếng này là giếng Hời (cách dân gian xưa gọi người Chăm). Khảo cổ học đã xác định: Thành giếng đa phần xếp bằng gạch Chăm cổ, tương tự gạch xây các đền, tháp Chăm Pa. Kỹ thuật xếp không hoàn toàn thống nhất; nhưng thường là cứ 2-3 lớp gạch xếp nằm theo chiều ngang thành giếng thì có 2-3 lớp gạch xếp dọc, vuông góc với lớp bên dưới, cắm sâu vào bờ đất. Có nhiều giếng thành được xếp đá (đá phiến thạch, nham thạch/đá núi lửa, đá bazan phong hóa/đá ong ...) Nhiều giếng dùng cả gạch và đá (đá dưới-gạch trên và ngược lại). Đã có ý kiến cho rằng các vật liệu gạch đá này đều có độ xốp nhất định, hình thành bộ lọc, giúp nước giếng trong/ngọt hơn.

Phương thức khai thác nước ngầm của người Chăm - Ảnh 2.

Giếng dưới vuông, trên tròn

Về hình dáng, giếng thường có hình vuông, mỗi cạnh từ 1,15-1,50 m. Giếng hình tròn thường có đường kính từ 1,6-1,8 m. 

Cũng có những giếng trên tròn, dưới vuông; nhưng đặc biệt bao giờ phần đáy giếng cũng có khung bằng gỗ cao chừng 30-40 cm. Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận hiện đang lưu giữ một bộ khung gỗ này. Về chất liệu, khung/khuôn/cũi gỗ này có thể là Lim, Xuân/Sao, Trai, Cóc (tiếng Chăm là Gandak)

TS. Nguyễn Tiến Đông lý giải: “…Người ta làm cũi gỗ hình vuông theo kích thước đã định cho cái giếng sắp đào, đặt nó ở trên mặt đất và đào theo đúng khuôn đã định hình đó, giếng sâu đến đâu cái khung/cũi đó sẽ tụt dần theo, cứ như vậy giếng sẽ không bao giờ bị lệch hay xoắn vỏ đỗ, đảm bảo hình dạng chuẩn, không bị sụt lở do bị méo. Trong quá trình ấy, người thợ liên tục đào giật cấp từ mép khung/cũi gỗ vào thành giếng, tạo một khoảng cách đủ để đặt gạch hoặc đá xếp làm thành giếng. Mặt trên của khung gỗ giúp cân bằng mặt phẳng gạch đá xếp. Kết thúc việc đào - xây/xếp gạch hoặc đá của thành giếng, khung/cũi gỗ đó được để nguyên dưới đáy giếng…”

2- Giếng Mở: thực ra bao gồm cả hệ thống các công trình khai thác nước ngầm gồm nhiều thành phần, cấu trúc phức tạp, liên hoàn, đa hình dạng, đa chức năng, nằm ven các triền đồi đất đỏ bazan hoặc ven các triền đồi cát vùng đồng bằng và ven biển. Hệ thống này mang tính chất “dẫn thủy nhập điền” có vai trò thủy lợi cao trong sản xuất nông nghiệp.

Phương thức khai thác nước ngầm của người Chăm - Ảnh 3.

Giếng Khai tại Thuỷ Tú, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, Quảng Trị

Dù xếp đá quây quanh (một cách rất ước lệ) thì Giếng Mở không giữ/trữ nước lại (sử dụng buộc phải múc lên), mà tự tràn tự chảy theo các cao độ khác nhau. Các học giả Pháp gọi là puits/giếng, bassin/bể-vũng: Ngay ở chỗ tìm được mạch ngầm (vách núi hay chân các động cát) nước để dùng để dâng cúng Thần linh/ăn uống. Khu vực tiếp theo, thấp hơn là chỗ tắm giặt và các sinh hoạt khác của con người. Nước còn được tích lại ở cấp thấp nhất, cho trâu bò uống, tắm … trước khi chảy vào mương máng dẫn ra đồng ruộng. Từ giếng sang các bể/vũng nhiều khi dùng máng đá dẫn dòng. Để dẫn nước từ các giếng này ra ruộng lúa trong toàn khu vực, có khi thông qua một con hói chạy dọc phía ngoài và các tuyến kênh nội đồng dẫn vào từng chân ruộng; có khi lại đổ thẳng vào bàu chứa trước khi dẫn ra ruộng.

Các hệ thống kiểu này phổ biến nhất ở vùng Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ tỉnh Quảng Trị. Các học giả Pháp từng quan tâm nghiên cứu các thủy hệ này. Sau đó trên địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận… các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng phát hiện và nghiên cứu các giếng Mở tương tự.

Phương thức khai thác nước ngầm của người Chăm - Ảnh 4.

Giếng Đào tại An Nha, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị

Ở cuối xóm Vườn (An Phú, Tuy An, Phú Yên) đã tìm thấy một hệ thống 30 giếng có thành xếp bằng đá bazan xanh. GS. Trần Quốc Vượng nhận định: “Việc phát hiện hệ thống giếng xếp đá - dân gian Phú Yên gọi là giếng Lạng - ở xã An Phú, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên chứng tỏ sự tồn tại của một thủy hệ xếp đá (hydraulic system) đa chức năng. Đó là để làm nông nghiệp tưới tiêu (thủy lợi); để lấy nước sinh hoạt: nước ăn, nước tắm, nước giặt, nước cho trâu bò uống; để lấy nước thiêng cúng dường (cúng thần ở miếu, đình, chùa...). Nó cũng chứng tỏ sự tồn tại của một nền nông nghiệp đã rất phát triển và nối với nền hải thương quốc tế từ đầu Công nguyên và đặc biệt ở thời đại Đại thương mại (Grand commerce) ở các thế kỷ 16, 17, 18”.

Ở làng Chăm Thành Tín (Phước Hải, Ninh Phước, Ninh Thuận) hiện vẫn còn hệ thống giếng cổ có từ thời lập làng. Hai giếng cách nhau khoảng 10-15 m. Giếng phía Đông gọi là Pingung kamei (giếng Cái) hay Pingung angaok (giếng Trên). Giếng phía Tây gọi là Pingung linkei (giếng Đực) hay Pingung yok (giếng Dưới). Giếng sâu khoảng 2 m, mỗi bề rộng 1,5 m, ba mặt Tây, Nam, Đông đóng giàn bằng gỗ hình vuông cao hơn mặt đất khoảng 50-70 cm, phía Bắc để trống tiện cho việc lấy nước và là cửa nước tràn. Người ta cũng chia ba khu vực: lấy nước ăn uống, tắm giặt, cho trâu bò uống và cấp nước tưới cho khoảng 10 ha lúa của đồng Giếng (Dja Pingung).

  3- Giếng Nửa Mở: Còn gọi là giếng Bộng, có nguồn nước cấp thường từ những mạch ngầm ở chân cồn cát hoặc đồng ruộng. Người ta lấy một tấm đá lớn khoét lỗ, hoặc một thân cây cổ thụ khoét rỗng ruột để giữ nước. Tảng đá hoặc thân cây khoét rỗng được úp lên chỗ mạch nước, cố định chắc chắn, nước chảy dâng lên tự nhiên quanh năm và thoát ra từ lỗ đã khoét, cho người sử dụng hoặc chảy thoải mái ra đồng ruộng. Loại giếng này thường nằm xa khu dân cư một khoảng cách vừa phải.

Riêng ở Quảng Trị, loại giếng này vừa mang hình ảnh của loại giếng Đóng, vừa bảo lưu kỹ thuật xếp đá theo nguyên tắc tự chảy của loại hình giếng Mở. Những giếng này được làm ở ngay chân đồi đất đỏ hay đồi cát bằng cách đào sâu xuống đất - nơi có mạch nước ngầm - rồi thả những “bi giếng” bằng đá khối bazan, đường kính chỉ khoảng 0,5 m chồng lên nhau làm thành giếng. Nước ngầm dâng cao sẽ tràn qua miệng giếng. Có nơi, ở vòng “bi giếng” trên cùng (nổi trên mặt đất), người ta đục một lỗ lưng chừng, tạo hình vòi cho nước thoát ra, chảy theo đường rãnh trên nền giếng vào các đường mương bằng đá xếp đến hồ chứa trước khi được điều tiết ra đồng ruộng.

Phương thức khai thác nước ngầm của người Chăm - Ảnh 5.

Giếng Pheo làng Tân văn, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị

Giếng, theo hiểu biết chung, là nơi đào sâu vào lòng đất để lấy và trữ nước ngầm. Còn ao chỉ là nơi trữ nước mưa, nước mặt. Các giếng làng ở Bắc bộ thực chất là ao bởi kích thước rộng đến cả chục mét, và xét về chất nước, đó là nước đọng, không phải nước ngầm.

Không phủ nhận thực tế là ở miền Bắc vẫn tồn tại giếng khơi. Tuy nhiên, đó không phải là nguồn cấp nước chính và phổ biến như các giếng Chăm cổ ở miền Trung.

Do điều kiện khí hậu và tự nhiên, ở miền Trung không thể “Lạy Giời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lầy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm” như ở miền Bắc. Người dân Chăm Pa từ ngàn đời trước đã rất tinh thông trong việc lấy nước ngầm.

Một điều khác biệt nữa là hệ thống giếng Chăm cổ không chỉ cung cấp đủ nước sinh hoạt, sản xuất mà còn xuất khẩu cho các thương thuyền. Đó chính là một lý do quan trọng để các hải đồ, thương đồ từ thế kỷ 16-17-18, thời đại Đại Thương mại (Grand Commerce) vẫn ghi vùng biển miền Trung là “Biển Chăm Pa”.

Tác giả:
Lê Đức Thọ - Nguyễn Hồng Kiên
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thành phố chống chịu lũ lụt: Việt Nam góp tiếng nói tại Tuần lễ Nước Singapore 2025

Thành phố chống chịu lũ lụt: Việt Nam góp tiếng nói tại Tuần lễ Nước Singapore 2025

Với chủ đề “Thành phố chống chịu lũ lụt: Thích ứng với biến đổi khí hậu”, Tuần lễ Nước Singapore (SIWW) 2025 đã diễn ra từ ngày 23 đến 25/6/2025. Đại diện Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Hạ Thanh Hằng tham dự sự kiện.

Quốc tế 25/06/2025
Tổng Bí thư: Báo chí phải không ngừng tự đổi mới để phát triển tương xứng với tầm vóc thời đại

Tổng Bí thư: Báo chí phải không ngừng tự đổi mới để phát triển tương xứng với tầm vóc thời đại

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, báo chí phải không ngừng tự đổi mới để phát triển tương xứng với tầm vóc thời đại, với sự phát triển của đất nước, thực sự trở thành nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phục vụ sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên hành trình dựng xây và phát triển đất nước.

Văn hóa nước 22/06/2025
Lãnh đạo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam chúc mừng Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam nhân dịp 21/6

Lãnh đạo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam chúc mừng Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam nhân dịp 21/6

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), sáng ngày 19/6, lãnh đạo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã gặp mặt chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam.

Thư cảm ơn của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong

Thư cảm ơn của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong

Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (19/5/1960 - 19/5/2025) đã diễn ra long trọng và thành công tốt đẹp. Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam xin gửi tới các độc giả trên cả nước Thư cảm ơn của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.

Doanh nghiệp 20/06/2025
Tổng kết và trao giải cuộc thi "Vẽ nước - Vẽ tương lai xanh" năm 2025

Tổng kết và trao giải cuộc thi "Vẽ nước - Vẽ tương lai xanh" năm 2025

Ngày 14/6/2025, gần 500 học sinh và phụ huynh tham gia buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi vẽ tranh "Vẽ nước - Vẽ tương lai xanh" năm 2025 tại Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP.Thủ Đức).

Văn hóa nước 17/06/2025
CLB Lãnh đạo Nữ ngành Nước Việt Nam tổ chức Phiên họp lần 2 năm 2025

CLB Lãnh đạo Nữ ngành Nước Việt Nam tổ chức Phiên họp lần 2 năm 2025

Từ ngày 16 đến 17/6/2025, CLB Lãnh đạo nữ ngành Nước Việt Nam đã tổ chức Phiên họp lần 2 năm 2025 tại Công ty CP Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (BWACO).

Văn hóa nước 17/06/2025
Diễn đàn và Triển lãm ngành Cấp Thoát nước Indonesia 2025: Hướng tới tương lai bền vững

Diễn đàn và Triển lãm ngành Cấp Thoát nước Indonesia 2025: Hướng tới tương lai bền vững

Với hai trụ cột "đổi mới" và "sáng tạo", Diễn đàn và Triển lãm ngành Cấp Thoát nước Indonesia 2025 là sự kiện trọng tâm của ngành nước Indonesia trong bối cảnh đô thị hóa. Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường - đại diện Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) tham dự sự kiện.

Quốc tế 12/06/2025
Bộ Xây dựng tiếp tục bảo trợ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2025

Bộ Xây dựng tiếp tục bảo trợ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2025

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời số 4260/BXD-KCHT về việc tổ chức sự kiện Tuần lễ ngành nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2025. Theo đó, Bộ Xây dựng đồng ý bảo trợ sự kiện Tuần lễ ngành nước Việt Nam với chủ đề “Ngành nước Việt Nam trong kỷ nguyên mới: Thách thức và cơ hội”.

Văn hóa nước 30/05/2025
Nhựa Tiền Phong khánh thành Cầu nối yêu thương số 117: Cầu Chà Lắn

Nhựa Tiền Phong khánh thành Cầu nối yêu thương số 117: Cầu Chà Lắn

Hòa chung với không khí rộn ràng từ những sự kiện trọng đại của đất nước trong tháng 5 lịch sử, tại nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc, nằm tại vị trí tiếp giáp biên giới Việt - Lào, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã tổ chức Lễ khánh thành Cầu nối yêu thương 117 - cầu Chà Lắn.

Văn hóa nước 29/05/2025
Top