Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn

Phụ nữ vùng hạn - những “bông hoa” nở trên đất cằn

07/11/2022 13:48

Cứ ba lần một tuần, những người phụ nữ huyện Rushinga, phía Bắc Zimbabwe, phải đi bộ 15-20 cây số để lấy nước, một xa xỉ phẩm ở đất nước nằm trong lục địa Nam Phi.

Trên đường đi, nhiều người bị tấn công. Ngoài ra, còn có nỗi lo về vệ sinh cá nhân và an ninh lương thực khi phụ nữ phải đảm nhiệm việc lấy nước và tiếp phẩm cho gia đình, bản tin của Awimnews viết đầu tháng 4/2022.

Khi biến đổi khí hậu tác động tới mọi người, mức độ ảnh hưởng lại không giống nhau. “Phụ nữ chịu nhiều tổn thương hơn nam giới từ tác động của biến đổi khí hậu”, trong đó có hạn hán, một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 6/2022 nhận định.

Phụ nữ trên khắp thế giới ngày nay mất tổng cộng 200 triệu giờ, tương đương với 22.800 năm, chỉ để lấy nước, theo ước tính của Water.Org, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực tiếp cận nước và vệ sinh.

Đó là chưa kể hàng triệu người phải dành không ít thời gian đi tìm nguồn nước, khi hạn hán ngày càng trở nên khắc nghiệt.  

Phụ nữ vùng hạn - những “bông hoa” nở trên đất cằn - Ảnh 1.

Biến đổi khí hậu ở Zimbabwe sẽ khiến nhiệt độ trung bình tăng khoảng 3°C trong thế kỷ này, trong khi lượng mưa hàng năm thay đổi liên tục và có thể giảm từ 5% đến 18%, đặc biệt là ở phía Nam, tổ chức chính trị Konrad Adenauer Stiftung (KAS) viết trong một cuốn sách dành cho các nhà hoạch định chính sách và giới làm luật.

Ngoài ra, chất lượng nước ở cả thành thị và nông thôn đều giảm do áp lực dân số, biến đổi khí hậu, sử dụng các dòng chảy và đất ngập nước, cũng như ô nhiễm từ nông nghiệp, công nghiệp và khai thác mỏ, theo KAS.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh phụ nữ chính là động lực mang lại thay đổi, bởi khi được tiếp cận bình đằng với các cơ hội ra quyết sách, các quyết định của họ bền vững hơn, như tăng tỷ lệ đến trường cho trẻ em, tăng cường an ninh lương thực, giảm ô nhiễm từ phương tiện giao thông và giảm nhu cầu sử dụng năng lượng.

Những người phụ nữ ở Rushinga đã quyết tâm xử lý những vấn đề đã kéo dài nhiều năm ở địa phương.

“Chúng tôi cùng bàn bạc và quyết định nạo vét phù sa đã bồi đắp hàng thập kỷ để tăng khả năng trữ nước của các dòng sông. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây đập để giữ nước mưa”, Tendai Nyabani, Nghị sĩ của khu vực bầu cử Rushinga, nói với Awimnews.

“Vì công việc này làm thủ công, không dùng đến bất kỳ máy móc hiện đại nào như máy nạo và máy xúc, chúng tôi đang hết sức thận trọng khi đổ phù sa nạo vét được lên đất cát nghèo dinh dưỡng và tạo ra các bẫy phù sa để ngăn nó quay lại sông”, ông Nyabani cho biết. 

Những người dân làng cũng hy vọng rằng tăng khả năng trữ nước của các con sông sẽ giúp mực nước ngầm trong khu vực tăng lên.

“Chúng tôi rất vui mừng với những bước tiến mà dự án nạo vét phù sa đã đạt được cho đến nay và hy vọng các phương pháp bảo tồn nước của chúng tôi sẽ giúp gia tăng mực nước ngầm. Thật vui nếu một ngày nào đó chúng tôi vẫn có nước sạch để sử dụng mà không cần khoan giếng quá xa nơi ở của người dân”, Amai Koche, một lãnh đạo ở địa phương, cho biết.

Anna Mabhande, một nữ lãnh đạo cộng đồng khác, nói: “Theo kế hoạch của chúng tôi, phụ nữ và nam giới sẽ chung tay cho đến khi đạt được kết quả mong muốn. Đến nay, chúng tôi đã có những cơn mưa đầu tiên. Hầu hết các sông được nạo vét và các đập mới xây đã có nước, về lâu dài sẽ giúp giảm tình trạng thiếu nước”. 

Hạn hán và thách thức

Trong thời gian hạn hán, tình trạng mất cân bằng giới tính ở nhiều nơi trên thế giới trở nên trầm trọng hơn. Đáng báo động, phụ nữ đang phải gánh chịu tác động của khủng hoảng khí hậu ở cả nhà và nơi làm việc.

Nghiên cứu mới do tổ chức nhân đạo toàn cầu Mercy Corps ủy quyền cho Viện Nghiên cứu Triangle thực hiện đã phát hiện, tình trạng mất việc làm do hạn hán tàn phá nông nghiệp ở các vùng bị chiến tranh ảnh hưởng ở Syria là Al-Hassakeh và Ar-Raqqa đang buộc phụ nữ tìm cách khác để kiếm sống, Thomson Reuters Foundation đưa tin.

Để tồn tại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chi phí sinh hoạt tăng, phụ nữ phải làm công việc lao động chân tay theo ngày, thường là trong các lĩnh vực nam giới thường thống trị như cắt may, làm tóc và điện tử, bản tin của Thomson Reuters Foundation hôm 29/4/2022 cho hay.

Cuộc sống thậm chí còn khó khăn hơn với những góa phụ và phụ nữ có chồng hay người thân là nam giới đi làm xa, bị giam giữ hoặc mất tích. Nhiều phụ nữ phải mang theo con nhỏ đi làm vì ở nhà không có người trông.

Tuy vậy, phụ nữ vẫn gánh vác mọi công việc nhà. Sau một ngày dài làm việc, họ vẫn phải tự tay nấu nướng, dọn dẹp và trông con.

Phụ nữ vùng hạn - những “bông hoa” nở trên đất cằn - Ảnh 2.

Trong số 264 người được phỏng vấn cho nghiên cứu, không một người đàn ông nào giúp vợ nấu ăn và chỉ 1% dọn dẹp nhà cửa. Gần 60% phụ nữ trả lời rằng họ đang lao động nhiều giờ hơn kể từ khi hạn hán.

Việc tham gia vào lực lượng lao động cũng dẫn đến những nguy cơ mới cho phụ nữ ở Đông Bắc Syria.

Họ không chỉ đối mặt với việc bị quấy rối tại nơi làm việc, mà căng thẳng trong gia đình cũng đang gia tăng, do vai trò trụ cột gia đình theo truyền thống của nam giới được cho là bị đe dọa. 

Các cặp vợ chồng được phỏng vấn cho biết, hạn hán và khủng hoảng kinh tế đã khiến căng thẳng trong mối quan hệ của họ leo thang. Do phụ nữ đi làm ngày càng nhiều, một số nam giới cảm thấy cơ hội việc làm của họ giảm đi. Nhiều người khác cho rằng vợ mình đang “bỏ bê” gia đình vì công việc mới.

Cơ hội

Một ngày tháng 10 quang đãng ngoài thị trấn San Antonio del Mosco ở El Salvador, khu vực thuộc “Hành lang khô hạn” ở Trung Mỹ, nơi thường xuyên bị hạn hán dai dẳng cùng những trận bão dữ dội, có bảy phụ nữ tập trung tại một bãi đất trống để thực hành với một công cụ dự đoán tương lai mới: thiết bị bay không người lái, Oxfam đưa tin.

Ana Hernández bước lên đầu tiên làm mẫu. Khi không làm nông và chăm sóc hai đứa con nhỏ, Hernández là cán bộ điều phối ủy ban bảo vệ dân sự của thị trấn, tham gia các sáng kiến lãnh đạo của phụ nữ và học đại học để nâng cao kiến thức về các vấn đề liên quan đến thảm họa, bài đăng ngày 10/1/2022 tại trang Oxfam America cho hay.

Thiết bị bay không người lái (drone) được những người phụ nữ dùng để theo dõi mực nước sông, mùa màng phát triển và tình hình ở các nơi bị hạn nặng tại San Antonio del Mosco mà không cần vượt qua địa hình gồ ghề để đến trực tiếp. Trong trường hợp khẩn cấp như lũ lụt, drone có thể giúp định vị những người đang gặp nguy hiểm.

Chiếc máy bay Hernández điều khiển tiếp đất nhẹ nhàng. “Đối với tôi, nỗi sợ và lo lắng khi vận hành drone nay đã là quá khứ”, chị nói với Oxfam.

Inmer Arguenta Ramos, cán bộ kỹ thuật ở tổ chức địa phương Fundación Campo (FC), hò reo cổ vũ bên cạnh. Chị là người đã đào tạo những người phụ nữ ở đây và hài lòng với thành quả đạt được.

“Những người phụ nữ này đã vượt qua sợ hãi khi sử dụng công nghệ và điều đó làm tăng thêm sự tự tin của họ”, chị Ramos nói.

Hernández cho biết, trong cộng đồng của mình có 200 phụ nữ tham gia vào các dự án ứng phó với nhiều loại khủng hoảng. 

“Phụ nữ có nhiều năng lực và nhiệt huyết, khả năng học hỏi của chúng tôi không có giới hạn. Tôi có một mơ uớc lớn là được thấy tất cả phụ nữ trong cộng đồng được đào tạo và trao quyền. Tôi cảm thấy chúng tôi đang dần đạt được điều đó”, chị Hernández nói với Oxfam.

Phụ nữ vùng hạn - những “bông hoa” nở trên đất cằn - Ảnh 3.

Còn ở Đông Bắc Syria, sự chuyển dịch về vai trò của hai giới cũng mang lại những cơ hội cho phụ nữ, Thomson Reuters Foundation nhận định trong bản tin hồi tháng 4/2022.

Bản tin viết, giờ chính là lúc thích hợp để tận dụng những thay đổi này nhằm đảm bảo phụ nữ có kỹ năng và cơ hội làm việc an toàn, đồng thời giảm bớt gánh nặng gia đình, Hỗ trợ chăm sóc con cái hoặc các giải pháp làm việc linh hoạt là một trong những lĩnh vực cần được quan tâm.

Nam giới và trẻ em trai cũng cần tham gia vào việc thiết kế và thực hiện các chương trình nhằm thay đổi các chuẩn mực xã hội về vai trò và bình đẳng giới.

Với hầu hết các khu vực phụ thuộc nhiều vào viện trợ, các nhà hoạt động nhân đạo cần hiểu rõ sự chuyển dịch vai trò giữa hai giới để tránh áp đặt những chuẩn mực giới truyền thống, đảm bảo phụ nữ nhận được hỗ trợ cần thiết để tăng tiến ngay tại gia đình, nơi làm việc và ở cộng đồng.

Tác giả:
Quỳnh Anh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

HueWACO tham dự Tuần lễ Nước Quốc tế Đài Loan 2024

HueWACO tham dự Tuần lễ Nước Quốc tế Đài Loan 2024

Từ ngày 10 đến 14/9/2024, đoàn công tác của Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) do ông Dương Quý Dương – Tổng Giám đốc Công ty làm trưởng đoàn tham dự Tuần lễ nước Quốc tế Đài Loan năm 2024 kết hợp chuyến thăm và làm việc với Cục nước Đài Bắc (TWD).

Doanh nghiệp 12/09/2024
Lãnh đạo VWSA tham dự Tuần lễ nước quốc tế Đài Loan 2024

Lãnh đạo VWSA tham dự Tuần lễ nước quốc tế Đài Loan 2024

Đoàn công tác của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) do Chủ tịch Nguyễn Ngọc Điệp làm trưởng đoàn đã tham dự Tuần lễ nước quốc tế Đài Loan diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13/9/2024 tại Đài Bắc.

Trung Quốc xả lũ thủy điện không tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam

Trung Quốc xả lũ thủy điện không tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, Trung Quốc xả lũ với lưu lượng nhỏ không gây tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam.

Quốc tế 11/09/2024
Diễn đàn Nước Indonesia: Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới

Diễn đàn Nước Indonesia: Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới

Từ ngày 28 đến 31/8/2024, đoàn công tác của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) do Phó Chủ tịch Hạ Thanh Hằng dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn Nước Indonesia (Indonesia Water). Cùng đi với đoàn có các đại diện của Công ty CP Cấp nước Aquaone. Đây là sự kiện quốc tế diễn ra hàng năm do Hội nước Indonesia (PERPAMSI) tổ chức.

Quốc tế 30/08/2024
Đoàn lãnh đạo ADB thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương

Đoàn lãnh đạo ADB thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương

Ngày 16/8/2024, đoàn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do bà Charlotte Justine Diokno Sicat, Giám đốc Điều hành làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương. Đoàn đã đến chào xã giao lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, thăm Khu liên hợp xử lý chất thải và Nhà máy đốt rác phát điện BIWASE .

Doanh nghiệp 17/08/2024
Chuyên gia JICA khuyến nghị chính sách phòng, chống ngập úng đô thị tại Việt Nam

Chuyên gia JICA khuyến nghị chính sách phòng, chống ngập úng đô thị tại Việt Nam

Theo chuyên gia JICA, để phòng chống hiệu quả tình trạng ngập úng đô thị, Việt Nam cần cần có quy hoạch thoát nước tổng thể dài hạn hoặc kế hoạch thực hiện trung hạn và quản lý hạ tầng hiệu quả.

Áp dụng công cụ thu thập dữ liệu IBNET vào lĩnh vực Cấp Thoát nước

Áp dụng công cụ thu thập dữ liệu IBNET vào lĩnh vực Cấp Thoát nước

Ngày 14/8/2024, lãnh đạo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã có buổi gặp gỡ với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội. Tại buổi họp, hai bên đã trao đổi về hệ thống IBNET và mong muốn áp dụng hệ thống hiệu quả.

Quốc tế 16/08/2024
Vietnam Water Week 2024: Phát triển ngành Nước Việt Nam - An ninh, An toàn, Hiệu quả và Hội nhập

Vietnam Water Week 2024: Phát triển ngành Nước Việt Nam - An ninh, An toàn, Hiệu quả và Hội nhập

Hội Cấp Thoát nước Việt Nam vừa công bố chủ đề chính thức của Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2024. Theo đó, "Phát triển ngành Nước Việt Nam - An ninh, An toàn, Hiệu quả và Hội nhập" sẽ là chủ đề của sự kiện năm nay.

Khánh thành Vườn thông Hữu nghị chung tay bảo vệ nguồn nước

Khánh thành Vườn thông Hữu nghị chung tay bảo vệ nguồn nước

Kỷ niệm 35 năm thành lập Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP.HCM – HUFO (29/7/1989 - 29/7/2024), hơn 20 đại diện ngoại giao và 30 tổ chức thành viên đã gắn biển khánh thành Vườn thông Hữu nghị tại Công viên văn hoá lịch sử Suối Tiên, biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị, cùng nhau bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.

Top