Nhiệt độ
Nông dân U Minh Thượng thiếu chuẩn bị trước biến đổi khí hậu
Hạn hán kéo dài, nguồn nước cạn kiệt vào mùa khô là tình trạng quen thuộc với nhiều hộ dân tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Riêng ở U Minh Thượng, vùng đất ngập nước được bảo vệ ở phía Tây Nam của ĐBSCL, bà con nông dân dường như đã quên mất mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
Khoảng 200 năm về trước, ĐBSCL là một vùng đất ngập nước rộng lớn, nơi nuôi dưỡng các hệ sinh thái rừng đầm lầy phong phú. Vùng đất ấy đã trở thành một nguồn tài nguyên dồi dào cho cư dân.
Khi người Pháp, người Mỹ, rồi người Việt thực hiện chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác, diện tích đất ngập nước bị giảm đi đáng kể. Theo một báo cáo năm 2016 của ông Nguyễn Hữu Hoàng và cộng sự, việc xây dựng đê điều, kênh rạch để bảo vệ ruộng lúa và cải thiện tưới tiêu đã khiến diện tích đất ngập nước giảm từ 4 triệu héc-ta vào những năm 1800, xuống còn 68.000 héc-ta vào năm 2016 (tức chỉ còn chưa tới 2%).
Ngày nay, đất ngập nước tiếp tục chịu sự đe dọa từ quá trình phát triển nông nghiệp và biến đổi khí hậu. U Minh Thượng chính là một trong những vùng đất ngập nước cuối cùng ở ĐBSCL.
Từ khi được thành lập vào năm 2002, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã nhiều lần được các tổ chức bảo tồn quốc tế trao tặng các giải thưởng nhờ sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đất ngập nước đặc biệt. Năm 2006, UNESCO tuyên bố nơi đây là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Năm 2016, U Minh Thượng cũng chính thức được công nhận là vùng đất ngập nước quan trọng với Trái đất theo Công ước Ramsar về Đất ngập nước.
Khu bảo tồn nằm trong vùng lõi có diện tích 8.000 héc-ta, bao gồm một phần đầm lầy mở và một khu rừng tràm rộng lớn. Trong khu vực này, ta có thể bắt gặp 24 loài động vật có vú, 226 loài thực vật hoang dã và 185 loài chim khác nhau. Bao bọc vùng lõi là vùng đệm, một khu vực có diện tích 13.000 héc-ta dành cho cư dân canh tác và sinh sống.
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết trở nên thất thường, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL cũng vì thế mà nghiêm trọng hơn. Từ năm 2015, lượng mưa vào mùa khô ở khu vực này có xu hướng giảm 10-40% mỗi năm. Nhiệt độ trung bình cũng đang tăng lên. Mùa khô năm 2018-2019 đã khiến 20.000 héc-ta hoa màu bị hư hại.
Khác với những người sống gần biển - nơi thường xuyên bị hạn hán và xâm nhập mặn - nông dân sống gần U Minh Thượng được môi trường và thời tiết nơi đây bảo vệ. Vì vậy mà họ hiếm khi gặp phải các tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.
“Nguy cơ lớn nhất là họ mất cảnh giác. Tại vì cái gì cũng bình thường, cũng tốt quá, nên họ không cần quan tâm gì hết”, tiến sĩ Dương Văn Ni giải thích với Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam. Ông là người chỉ đạo dự án điều tra về các vùng đất ngập nước và an ninh nguồn nước tại Việt Nam.
“Ở những chỗ [thiếu nước], người dân ít nhiều đã được chuẩn bị về mặt tâm lý. Thành thử khi có những cú sốc xảy ra, như thiếu nước chẳng hạn, thì người dân có cách ứng phó đa dạng và phong phú hơn”, tiến sĩ nói thêm.
Cuộc sống ở U Minh Thượng có vẻ bình yên, đủ đầy, nhưng trên thực tế, dòng Cửu Long không dẫn nước ngọt tới đây. Vào mùa khô, nước biển (cách đó 50 km) tràn về, lấp đầy hệ thống kênh rạch bao quanh khu vực. Điều này khiến người dân hoàn toàn bị phụ thuộc vào nước mưa để canh tác và đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt thường ngày.
“Như vậy, nếu không có mưa thì sao?”
Hàng ngàn nông dân dựa vào U Minh Thượng để sống
Phần lớn nông dân ở U Minh Thượng định cư tại vùng đệm từ khoảng 20 - 30 năm về trước. Tại thời điểm đó, mỗi gia đình được chia 5 héc-ta đất gồm 1 héc-ta để khôi phục rừng tràm, 4 héc-ta còn lại để canh tác và sinh sống.
Trong quá trình định cư, họ dẫn nước ngọt từ con sông gần đó để trồng lúa và cây ăn quả. Nhưng vì lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, nguồn nước này đã không còn uống được nữa.
“Giờ đây, bà con nông dân phải đào giếng để lấy nước uống và tắm rửa. Một số người dùng các thùng lớn để trữ nước vào mùa mưa để có nước uống”, ông Hoàng Ngọc Hiếu, một nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ, chia sẻ.
Nước có thể trở nên khan hiếm vào mùa khô, nhưng người nông dân vùng U Minh Thượng không bao giờ thiếu nước trồng trọt. Vùng lõi của vườn quốc gia được nhiều lớp thực vật chết tạo thành. Qua quá trình tích hợp nhiều thế kỷ, thực vật chết đã biến thành một lớp than bùn sâu, có khả năng hút nước mưa và từ từ nhả ra khu vực xung quanh vào mùa khô. Chính vùng lõi này đã bảo vệ cư dân U Minh Thượng khỏi sự thiếu nước.
Bà con nông dân cũng biết rằng cuộc sống của họ dựa vào khả năng điều hòa nước ngọt của vùng lõi. Họ chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực này, duy trì độ ẩm của lớp bùn và không để nó bị mục rữa hay bắt lửa.
“Trong đó chừng nào nước đầy lắm người ta mới xả ra. Ngoài này người ta đóng cảo (nắp cống) nên quanh năm nước ngọt, nhờ vậy mà 20 năm nay chế (chị) mới sống được”, chị Thương, một người dân tộc Khmer sống nhờ vào nuôi cá, trồng chuối và gừng, đã chia sẻ với Tạp chí.
Theo ông Hiếu, việc đóng cống ngăn nước vào mùa khô cũng giúp bà con phòng chống hỏa hoạn ở vùng lõi.
Nông dân thiếu sự chuẩn bị khi đối mặt với biến đổi khí hậu
U Minh Thượng đang thay đổi vì biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp, nhưng rất ít người tại đây nhận thức được điều này.
“Thời tiết bây giờ nóng hơn so với 10 năm về trước”, ông Lý Văn Tình, người đã sống ở đây được 40 năm, nói với Tạp chí. “Từ năm 90 về trước, mưa rồi sẽ mát mẻ tới chiều. Còn bây giờ mưa xong, trời nắng lại gắt”.
Theo ông, điều đáng lo ngại không phải là biến đổi khí hậu, mà là sự suy giảm nguồn nước ngầm. Ông lo lắng rằng đến năm 2030 sẽ không còn đủ nước để làm nông nghiệp hay trồng cây công nghiệp nữa.
Mối lo ngại này của ông được phản ánh trong những khám phá của tiến sĩ Dương Văn Ni. Theo ông, tầng đất ngập nước của U Minh Thượng đang co lại. “Thời tôi đi khảo sát vào những năm 80, tầng này dày 3 - 4 m. Giờ đây những nơi dày nhất cũng chỉ còn 1 - 1,5 m. Như vậy, khả năng hấp thụ nước chỉ còn 25 - 30% so với ngày xưa”.
Rủi ro chồng chất rủi ro. Chính quyền địa phương tại U Minh Thượng không có kinh nghiệm tổ chức cung cấp nước sạch cho một cộng đồng vài nghìn người. Không những vậy, khu vực này không có cơ sở hạ tầng cung cấp nước sạch.
“Tại Bến Tre, chính quyền địa phương có kinh nghiệm rất tốt. Họ biết cách huy động các mạnh thường quân, các tổ chức phi chính phủ, quỹ tài trợ của chính phủ. Họ biết phải mua thứ gì, phải làm cái gì, cung cấp cho ai...”, tiến sĩ Ni nói.
Trò chơi mô phỏng giúp thay đổi tư duy
Dự án của tiến sĩ Ni có mục tiêu giúp người dân U Minh Thượng nhận ra hậu quả của việc lượng mưa đột ngột giảm, dẫn tới thiếu hụt nước ngọt. Ông và nhóm thực hiện dự án dùng một trò chơi để mô phỏng những thay đổi này cho các cán bộ và người dân địa phương.
Trò chơi này được xây dựng dựa trên các dữ liệu thực tế. Qua nhiều vòng kiểm tra, phiên bản cuối cùng của trò chơi sẽ đảm bảo phản ánh xác thực hiện trạng của U Minh Thượng.
“Chúng tôi sẽ mời dân làng tới tham gia các hoạt động chính, như quản lý nguồn nước và trồng thêm lúa”, tiến sĩ Pong Chai, chuyên gia xây dựng những kịch bản mô phỏng, nói với Tạp chí. Các nghiên cứu viên sẽ ghi lại những hành vi khác nhau của người chơi và so sánh chúng với dữ liệu thực tế. Một khi trò chơi khớp với hiện thực, các nghiên cứu viên sẽ giới thiệu một số kịch bản mới, ví dụ như hạn hán.
Qua trò chơi này, tiến sĩ Pong Chai mong rằng mọi người sẽ hiểu hơn về các kịch bản khác nhau trong tương lai và thảo luận về các chính sách của địa phương. Các bên liên quan khác cũng có thể tham gia trò chơi để tăng độ phức tạp và tính xác thực.
Trong một lần mô phỏng trước đây, tiến sĩ Pong đã giúp nông dân tại một khu vực nhận ra rằng họ nên cải thiện sản xuất nông nghiệp, thay vì mở rộng đất canh tác vào rừng và đối mặt nguy cơ đi tù. Ông cũng thành công trong việc thuyết phục họ phân tích mẫu đất để cải thiện phân bón.
“Chúng tôi cố gắng tạo ra một quan điểm đồng nhất. Khi mọi người học hỏi từ nhau, họ sẽ có hành động thống nhất. Từ đó, cả một hệ thống sẽ được cải thiện”, tiến sĩ Pong Chai nói.
Tới cuối trò chơi, người chơi sẽ nhìn thấy những thay đổi tiềm năng của môi trường và gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của họ. Nông dân có thể thay đổi hành vi còn chính quyền địa phương có thể lên kế hoạch lường trước hạn hán ở cả những nơi như U Minh Thượng.
“Nhiều người nói chúng ta nên học tập mô hình của Hà Lan hay Israel. Không. Quan trọng nhất là học để hiểu chính bản thân mình, hiểu quá khứ và hiểu tại sao chúng ta lại ở trong hoàn cảnh này. Khi chúng ta biết kết hợp những tri thức đó với những kinh nghiệm của Hà Lan, Israel để xây dựng nên mô hình riêng của chính mình, thì chúng ta mới có thể thực sự đứng vững”, tiến sĩ Ni nói. • Bài Thuan Sarzynski; Biên dịch: Ngọc Anh
Lịch sử Hội Cấp thoát nước Việt Nam
DEVIWAS nỗ lực mang tới các giải pháp về đồng hồ nước và công nghệ đồng hồ nước thông minh
Molecor hợp tác phân phối và chuyển giao công nghệ với tập đoàn Bình Minh Việt
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng
Đọc thêm
Trạm Cấp nước sạch đảo Bạch Long Vĩ "vượt nắng thắng mưa" mang nguồn nước ngọt ra hải đảo
Bạch Long Vĩ vốn được biết đến là đảo "Vô thủy", do đó người dân trên huyện đảo luôn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt. Thấu hiểu điều này, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đã nỗ lực vượt qua nhiều thử thách, thi công xây dựng trạm cấp nước sạch cho người dân sử dụng.
Vận hành công trình bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và chất lượng nước. Do đó, Tuần lễ ngành nước Việt Nam 2024 tập trung bàn luận giải pháp vận hành an toàn công trình cấp thoát nước thích ứng với BĐKH vào sáng 7/11/2024.
Hơn 1.000 đại biểu tham dự Lễ khai mạc sự kiện Vietnam Water Week 2024
Sáng 6/11, Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2024 đã chính thức khai mạc trong thể tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia. Sự kiện do Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) chủ trì tổ chức thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế.
Loại bỏ “hóa chất vĩnh viễn” khỏi nước bằng phương pháp điện phân mới
Bằng cách sử dụng các chất xúc tác nano chế tạo bằng laser bám trên giấy than ưa nước, nhóm nghiên cứu Đại học Rochester đã tạo ra phương pháp tiết kiệm chi phí để khắc phục hiệu quả tình trạng ô nhiễm PFOS.
Đoàn công tác VWSA tham dự Hội nghị và Triển lãm quốc tế PWWA lần thứ 30 (Philwater2024)
Đoàn công tác của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) do Phó Viện trưởng Viện CTN&MT Hạ Thúy Hạnh làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị và Triển lãm quốc tế PWWA lần thứ 30 (Philwater2024) từ ngày 23 đến 25/10 tại Boracay (Philippines).
Gợi ý cách xử lý môi trường nước nuôi thủy sản sau thiên tai
Ngành nuôi trồng thủy sản miền Bắc đang đối mặt với nhiều thách thức sau bão YAGI. Khi bão rút đi, môi trường nuôi thủy sản bị xáo trộn, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và phát triển của tôm cá. Với các biện pháp kỹ thuật xử lý môi trường nước được gợi ý sau đây, người dân có thể sớm phục hồi sản xuất.
Tiếp cận phương pháp đổi mới trong đánh giá và quản lý nguồn nước ngầm tại Việt Nam
Nhằm nâng cao độ chính xác và hợp lý trong tính toán, đánh giá; tối ưu cơ chế vận hành, khai thác nước ngầm; đồng thời thiết lập hiệu quả các chính sách quản lý có liên quan để đảm bảo sử dụng nước ngầm bền vững tác giả đưa ra một đề xuất cụ thể.
Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh nỗ lực phục hồi sau siêu bão
Bão YAGI đi qua để lại hậu quả nặng nề cho hệ thống cơ sở hạ tầng tỉnh Quảng Ninh. Điện, nước và hệ thống viễn thông gần như bị tê liệt. Sau cơn bão, các CBCNV Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh (QUAWACO) đã không quản ngày đêm, ra sức phục hồi hệ thống cấp nước, phòng ngừa dịch bệnh sau khi lũ rút.
Quy trình chung xử lý nước ăn uống trong mùa mưa lũ
Trong trường hợp không có nước sạch để sử dụng, người dân có lấy nước từ sông, hồ... nhưng phải xử lý theo đúng quy trình trước khi sử dụng để phòng tránh dịch bệnh.