Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn

Giếng Cổ Xó La Trên Đảo Lý Sơn

26/08/2022 10:50

"Xó La" là tên một giếng cổ trên huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Giếng còn có tên giếng Vua, giếng Vương, giếng Chàm, giếng Gia Long, giếng Tiên, giếng Thầy Tu...

Giếng Cổ Xó La Trên Đảo Lý Sơn - Ảnh 1.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, người Chăm có mặt ở vùng đất nay là tỉnh Quảng Ngãi muộn nhất là từ thế kỷ 2 sau Công nguyên. Một bộ phận quan trọng của cư dân Chăm quần cư ở khu vực ven biển, hải đảo.

Họ giỏi nghề biển, có biệt tài chọn những nơi có mạch nước ngầm tốt để đào giếng, lấy nước ngọt dùng cho ăn uống, sinh hoạt, đồng thời bán cho các thương thuyền đi lại trên con đường hàng hải ngang qua vùng biển gần bờ ở khu vực nay là miền Trung Việt Nam.

Tuy chỉ cách mé biển lúc triều lên cao nhất khoảng 5m đến 7m, nhưng nước giếng Xó La, thuộc thôn Đông, xã An Hải, luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không thua bất cứ giếng nước ngọt nào trong đất liền và là giếng ăn ngon nhất, có mạch nước ngầm ổn định nhất ở huyện đảo.

Hầu như tất cả các quán cà phê, nước giải khát, hàng ăn uống trên huyện đảo, kể cả những người thích uống trà, đều sử dụng nước lấy từ giếng này. Đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, tức là gần 28 km, về phía Đông Bắc.

Cũng do nhu cầu dùng nước giếng Xó La mà trên đảo xuất hiện dịch vụ lấy nước giếng bán lại cho người dùng. Có khoảng 8-10 người, chủ yếu là người cao tuổi neo đơn, đời sống khó khăn, sống dựa vào việc lấy nước giếng Xó La.

Những tháng mùa hè, nguồn nước ít hơn, những người lấy nước phải chọn thời điểm giếng thưa hoặc vắng người (sáng tinh mơ hoặc chập tối), dùng gàu lấy nước từ giếng lên theo cách thủ công, cho vào các can nhựa (20 - 30 lít) rồi đưa lên xe đạp, hoặc xe máy vận chuyển đến cho người dùng.

Giếng Cổ Xó La Trên Đảo Lý Sơn - Ảnh 2.

Giếng Xó La bên mé biển

Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết: Hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm, một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn, nhưng ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo, nên giếng được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm mà không bị nhiễm mặn. 

Về thời điểm xuất hiện của giếng Xó La, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng muộn nhất là vào thời Vương quốc Chăm còn tồn tại trên vùng đất nay là huyện đảo Lý Sơn, tức là khoảng thế kỷ XV về trước. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Xó La, vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay. Như vậy giếng Xó La có “tuổi” ít nhất là 5 thế kỷ.

Giếng cổ Xó La hiện còn tương đối nguyên vẹn. Giếng có chiều sâu (từ mặt đất xuống đáy giếng) 8 m, thành giếng cao 0,8 m, dày 0,2 m, xây đá ong, trát xi măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 2 m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi.

Đá ở đây được lựa chọn kỹ lưỡng về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng. Có lẽ người xưa đã nhặt những viên đá này trên núi hòn Vung và san hô dưới biển. 

Theo lời kể của các bậc cao niên, trước đây đáy giếng hình vuông, có bốn súc gỗ lim lớn chèn xung quanh, nhưng về sau, khi nạo vét, người dân đã thay những súc gỗ đó bằng đá. Việc sử dụng vật liệu xi măng gia cố thành giếng là xuất hiện rất lâu về sau, và bởi người Việt.

Phần nước trong lòng giếng chiếm khoảng 1,5 m, nước trong xanh, khi mặt trời rọi xuống có thể nhìn thấy đáy. Nước giếng Xó La có vị thanh, ngọt.

Nhìn bao quát không gian rộng, có thể thấy giếng Xó La nằm trên dải đất thoai thoải từ chân núi Hòn Vung ở phía Bắc chạy dài ra phía biển, giáp với một doi cát hẹp lượn vòng cung (phần lõm ăn vào phía chân núi), ngay phía Tây chân dốc phân chia 2 xã An Vĩnh và An Hải.

Toàn bộ nền giếng nằm trên rẻo đất thấp nhất của chân núi và là nơi lõm sâu nhất của hình cánh cung bờ biển. Và đây có thể là lý do xuất hiện của từ tố “Xó” (khoảng không gian hẹp và tối) trong tên gọi Xó La.

Giếng Cổ Xó La Trên Đảo Lý Sơn - Ảnh 3.

Lòng giếng Xó La

Giếng cổ Xó La có nhiều nét tương đồng về kết cấu, vật liệu, hình dáng, vị trí với các giếng Chăm hiện còn sử dụng hoặc mới phát hiện ở Bình Sơn, Đức Phổ (Quảng Ngãi), cù lao Chàm, Hội An, Quế Sơn (Quảng Nam), Đông Hà, Gio Linh (Quảng Trị), Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Quảng Trạch (Quảng Bình), Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận)... 

Các nhà nghiên cứu hầu hết thống nhất ý kiến cho rằng, đây là loại hình giếng cổ, do người Chăm đào để lấy nước ăn và nước sinh hoạt, một số giếng ở ven biển, hải đảo (cù lao Chàm, cù lao Ré) còn kết hợp bán nước ngọt cho các thương thuyền.

Như vậy, sự hiện diện của giếng cổ Xó La ở Lý Sơn, đã thêm một bằng chứng vật chất- văn hóa, khẳng định sự tồn tại của cư dân Chăm trên đất đảo, cũng như kinh nghiệm của họ trong việc đoán định rất giỏi các mạch nước ngầm để đào giếng lấy nước ngọt trong điều kiện biển đảo.

Các tài liệu lịch sử cho biết: Đến khoảng thế kỷ XIV, con đường tơ lụa (Silk Road) nối liền giao thương giữa Trung Quốc và vùng Tây Á, Địa Trung Hải (hình thành từ thế kỷ III) bắt đầu suy yếu do sự khống chế và đánh thuế nặng của nhà Minh.

Lúc này, giới thương nhân quay sang sử dụng con đường vận chuyển trên biển vốn đã manh nha từ thế kỷ thứ VII, dần dần hình thành rõ nét con đường hải thương Á Âu sầm uất mà sau này lịch sử gọi là “Con đường tơ lụa trên biển”, với đầu mối phía Đông là Quảng Châu (Trung Quốc) đi qua vùng biển Đông Nam Á, vòng qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải đến với các nước Ả Rập, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan... 

Với vị trí nhô ra trên bờ biển Đông Nam Á, có nhiều thương cảng thuận lợi, nhiều vịnh biển có thể cập thuyền tránh bão, vùng đất do người Chăm quản lý (về sau thuộc miền Trung Việt Nam) giữ vai trò quan trọng trên hải trình này.

Từ đó xuất hiện các điểm dừng thời gian ngắn của các thương thuyền để thủy thủ nghỉ ngơi, tiếp nước ngọt. Cù lao Ré (Paulo Canton) với giếng cổ Xó La của người Chăm là một điểm dừng thuyền như vậy.

Người Việt đặt chân đến Quảng Ngãi nói chung, đảo Lý Sơn nói riêng, vào khoảng thế kỷ XV, định cư lâu dài ở đảo vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, tiếp quản vùng đất vốn là địa bàn sinh tụ của người Chăm. Những cư dân mới này mang theo nền văn hóa sông Hồng có lịch sử hàng nghìn năm ở vùng đồng bằng Bắc bộ- Bắc Trung bộ đến vùng đất đã có người tiền trú. 

Họ tiếp thu có chọn lọc từ cư dân bản địa những yếu tố phù hợp cả về văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể, tiếp biến và dung hợp để hình thành nền văn hóa mang nhiều nét đặc thù của người Việt vùng Nam Trung bộ.

Trên nền cảnh đó, một số công trình của người Chăm đã được người Việt tiếp quản và sử dụng, trong đó các giếng lấy nước ngọt ở vùng ven biển và trên đảo Lý Sơn, bao gồm cả giếng cổ Xó La, là những ví dụ sinh động.

Giếng cổ Xó La đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2017.

Tác giả:
Lê Hồng Khánh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Hơn 600 học sinh TP.HCM hưởng ứng tham gia vẽ tranh về chủ đề “Nước và sự sống”

Hơn 600 học sinh TP.HCM hưởng ứng tham gia vẽ tranh về chủ đề “Nước và sự sống”

Sáng 14/4/2024, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) phối hợp Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Nước và sự sống”.

Doanh nghiệp 14/04/2024
Lãnh đạo VWSA tham dự chương trình "Về nguồn" tại Phú Thọ

Lãnh đạo VWSA tham dự chương trình "Về nguồn" tại Phú Thọ

Sáng 13/4/2024, tại Phú Thọ, các ông Nguyễn Văn Bút và Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã gặp mặt đoàn công tác SAWACO trong khuôn khổ chuyến thăm Phú Thọ nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024 và tham dự chương trình “Về nguồn” do Trường Đại học Thủy lợi tổ chức.

100% sinh viên Cấp Thoát nước có việc làm sau khi tốt nghiệp

100% sinh viên Cấp Thoát nước có việc làm sau khi tốt nghiệp

Kỹ thuật Cấp Thoát nước và Môi trường vốn là chuyên ngành cốt lõi trong xây dựng, quản lý đô thị thông minh với cơ hội việc làm rộng mở. Khi BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, áp lực lên hạ tầng cấp nước và thoát nước ở các đô thị, khu công nghiệp ngày càng gia tăng, thì nguồn nhân lực ngành Cấp Thoát nước càng cần thiết.

Thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong ngành Cấp Thoát nước

Thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong ngành Cấp Thoát nước

Sáng ngày 5/4/2024, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) và Cơ quan hợp tác ngành nước Úc (AWP), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) cùng một số đơn vị khác đã tổ chức hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong ngành Cấp Thoát nước.

Quốc tế 09/04/2024
HueWACO: 115 năm bền bỉ "Vì sức khỏe cộng đồng" và sự phát triển bền vững của ngành Nước

HueWACO: 115 năm bền bỉ "Vì sức khỏe cộng đồng" và sự phát triển bền vững của ngành Nước

Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) luôn bám sát và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu được đề ra “Vì sức khỏe cộng đồng” và sự phát triển bền vững của ngành Nước Việt Nam.

Doanh nghiệp 27/03/2024
Ngày Nước Thế giới 2024 "Nước cho hòa bình”

Ngày Nước Thế giới 2024 "Nước cho hòa bình”

Ngày Nước Thế giới năm 2024 của Liên Hợp Quốc mang chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Ngành nước Việt Nam - Australia: Kỳ vọng tiếp nối hợp tác sâu rộng, từ trái tim đến trái tim

Ngành nước Việt Nam - Australia: Kỳ vọng tiếp nối hợp tác sâu rộng, từ trái tim đến trái tim

Sáng 11/3/2024, trong không khí thân mật, đoàn công tác Hội nước Australia đã có buổi thăm và làm việc tại văn phòng Hội Cấp Thoát nước Việt Nam nhằm trao đổi về các hoạt động hợp tác sắp tới.

Quốc tế 12/03/2024
Trung Quốc: Phát hiện hệ thống 4.000 năm tuổi "vô hiệu hóa" lũ lụt bằng cách khó ngờ

Trung Quốc: Phát hiện hệ thống 4.000 năm tuổi "vô hiệu hóa" lũ lụt bằng cách khó ngờ

Trong khi các nhà chức trách Trung Quốc đang phải "đau đầu" giải quyết vấn đề thoát nước đô thị sau ngập lụt thì cách đây 4.000 năm, cha ông của họ đã "vô hiệu hóa" lũ lụt bằng phương pháp ít ai ngờ.

Nghe nhìn 07/03/2024
Họp báo công bố Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương tranh cúp BIWASE

Họp báo công bố Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương tranh cúp BIWASE

Ngày 01/3/2024, tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo công bố Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ 14 năm 2024 tranh cúp BIWASE. Đây là giải xe đạp nữ quốc tế truyền thống quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Top