Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn
img

Trong giới nhiếp ảnh, nhắc đến giếng là nhắc đến Lê Bích. Nhắc đến Lê Bích, người ta nhớ tới ‘Bích giếng’.

Lê Bích – nghệ sĩ nhiếp ảnh “yêu” giếng làng. - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích

Lê Bích sinh ra trong một gia đình nghệ thuật tại Hà Nội, cha anh là họa sĩ. Đó hẳn là một trong các lý do mà chàng thương nhân tốt nghiệp ngoại ngữ khi đang kinh doanh địa ốc lại quay về với nghệ thuật. Anh đam mê sưu tập kiến thức vốn cổ, nhưng người ta biết nhiều đến Lê Bích có lẽ bởi anh là người sưu tập nhiều giếng nhất trong kho lưu trữ ảnh của mình.

Từ nhỏ, Lê Bích đã theo cha đi sưu tầm vốn cổ ở các làng xung quanh Hà Nội. 

Hành trình đi qua hơn 200 ngôi làng, với hơn 300 chiếc giếng cổ và hàng ngàn bức ảnh của anh được khởi xướng từ năm 2011, khi Bích nhận ra giếng là... tình yêu của mình.

Đó cũng là thời điểm anh bỏ việc tại một công ty bất động sản để trở thành một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp ở tuổi xấp xỉ 40. Trước đó, Bích có 6 năm cầm máy và thường xuyên “tha thẩn” ở các làng quê trong mỗi dịp cuối tuần. 

“Tôi luôn thích về các làng quê chụp ảnh. Tại đó, trong cách cư xử với nhau, ta gặp những nét dân dã, chất phác và hồn nhiên mà các đô thị lớn không còn. Khi đó, tôi ước mình có thể ghi lại hồn cố và thần thái của từng ngôi làng”, Bích nói.

Lê Bích – nghệ sĩ nhiếp ảnh “yêu” giếng làng. - Ảnh 2.

Giếng làng Phú Diễn

Lê Bích – nghệ sĩ nhiếp ảnh “yêu” giếng làng. - Ảnh 3.

Giếng chùa Phúc Lâm - Đông Anh

Trong một lần xem triển lãm về cổng làng của một họa sĩ quen, Bích nghĩ giếng là cơ hội thực hiện được ý định của mình theo cách riêng, anh nhớ lại lý do chọn giếng làm đề tài gắn bó.

"Nhắc đến giếng là nhắc tới thân phận con người và nhớ câu ca dao xưa mà có lần mẹ khóc thầm trong lời ru con ngủ "Thân em như hạt mưa sa/ Hạt rơi xuống giếng hạt ra vườn đào" hoặc "Thân em giếng nước giữa đàng/ Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân"… 

“...Nhắc đến giếng là nhắc đến khí thiêng và gió lành thổi suốt một miền lưu thủy cân bằng âm - dương, là mạch nguồn mang lại trù phú, hưng thịnh và yên ấm cho con người. 

Giếng là khởi sinh của làng nên dù có đi đâu, về tới giếng làng cũng như về tới nhà mình đó. Thân thương vô cùng!” 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích đã chia sẻ những đoạn văn trên cùng với bức ảnh chụp tại giếng làng thôn Viên Ngoại, xã An Viên, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. 

Có lần đến Phú Yên, nghệ sĩ được một người bạn làm công tác di sản đưa lên thăm một cái giếng trên núi cao 600 m so với mực nước biển. Anh nói, tôi chưa bao giờ thấy có giếng trên độ cao thế này, hẳn là nguồn nước tinh khiết từ một ngọn núi cao hơn thấm qua mạch đá về đây. Nguồn nước tự nhiên có từ lâu đời trong sạch thế sao lại không uống nhỉ? Anh vẫn còn lưu tấm ảnh mình ngửa đầu uống ừng ực gầu nước từ giếng này.

Có lần Lê Bích dẫn lời nhà văn Nguyên Ngọc: “Dòng nước đó có mạch nguồn từ Tây Nguyên đó, nó xuyên qua các khe đá, qua lòng đất, chảy dài từ miền Thượng về tới vùng xuôi.”

Uống những ngụm nước mát lành tuôn chảy từ những mạch nguồn trong vắt với Lê Bích không chỉ là đam mê, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận khi anh nhận ra rằng, mình có duyên với Giếng và có thể Thuỷ sinh Mộc nên với người mệnh Mộc như anh, luôn cần những dòng nước nuôi dưỡng tâm hồn.

Kể về giếng cổ làng Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, anh nói: “Giếng nhân tạo thì có nhiều nhưng giếng thiên tạo thì hiếm. Mà cũng lạ! Theo dân làng kể lại thì xưa làng Yên Trường có tận 99 cái giếng, đều là giếng đá ong thiên tạo. Dân làng Yên Trường giờ vẫn truyền miệng nhau câu chuyện rằng nếu làng nào có 100 cái giếng thì sẽ có người làm vua và tiếc cho làng chỉ có 99 cái giếng. Truyện dân gian về những chiếc giếng này có nhiều, nào là do trấn yểm để làng có người làm vua, nào là vết chân ngựa của Thánh Gióng tạo nên... Giờ đi khắp làng chỉ còn khoảng 10 cái, còn lại đã bị lấp để làm nhà. Các cụ cao niên ở làng kể lại xưa nước giếng luôn đầy, chỉ cầm nón đưa tay múc là được. Giờ các giếng đều cạn nước, mà nhà nào cũng có giếng tư và nước sạch rồi nên chả cần giếng nữa. Những giếng còn lại ở làng được bảo tồn cùng đình, chùa, miếu… Giếng là giá trị của tổ tiên, ông, bà để lại, là di sản, là tâm linh. Ở đây giếng nào cũng có ban thờ bên giếng để đến tuần tiết ra thắp hương, lễ bái và cầu an. Theo quan niệm xưa, giếng là sinh khí, là nơi tụ thủy, tích phúc, là huyệt đan sa ứng với thủy ngọc nên dân hay gọi là giếng Ngọc của làng. Có làng còn truyền miệng là nếu giếng làng tự nhiên nước đục ngầu thì làng có biến, có người chết trẻ, chết bất đắc kỳ tử hoặc tự nhiên phát điên… Vì thế người già ở làng luôn căn dặn người trẻ phải bảo tồn và gìn giữ giếng. 

“Cây đa, giếng nước, sân đình” là hồn cốt của làng Việt. Giờ về làng nào mà không thấy những hình ảnh này, không thấy các cụ cao niên cảm giác như chưa được trở về.”

Lê Bích – nghệ sĩ nhiếp ảnh “yêu” giếng làng. - Ảnh 4.

Xin lộc - Giếng làng Diềm

Lê Bích – nghệ sĩ nhiếp ảnh “yêu” giếng làng. - Ảnh 5.

Giếng bản Quốc Dân - Cao Bằng

Hơn một thập kỷ theo đuổi đam mê đặc biệt với giếng làng, Lê Bích coi đó như một khối nam châm khổng lồ và “hút lấy tôi như hút một chiếc kim nhỏ bé”.

Người nghệ sĩ lang thang từ chùa Trầm, chùa Vô Vi hay chùa Trăm Gian ở ngoại thành Hà Nội cho tới những ngôi đền cổ như đền Bạch Mã, đình Yên Thái, ở nơi thờ Mẫu Ỷ Lan trong ngõ Tạm Thương trong nội thành, thăm giếng dân sinh trong các hộ dân tại phố Hàng Bông, Hàng Trống, ngõ Hàng Chỉ... cho đến giếng của người Chăm ở miền Trung, giếng người Mông ở Hà Giang, từ Tây Bắc đến tận Cà Mau cực nam tổ quốc.

Khi chứng kiến khoảnh khắc lấy nước giếng lên thờ cúng lúc Giao thừa, Lê Bích nhận ra: Có cả một văn hóa giếng không chỉ ở các miền quê mà ngay trong lòng Hà Nội, nơi mình sống. Không chỉ ghi lại bằng hình ảnh, Lê Bích chép tỉ mỉ từng giếng như một nhà khoa học. 

Giếng cổ không chỉ thu hút Bích bởi cách xếp gạch, vết chạm khắc trên thành giếng, màu nước hay lớp rêu phong. Xa hơn thế, dù là giếng hình tròn, chữ nhật, bán nguyệt hay bát giác, dù là giếng có thành xây bằng gạch, bằng đá ong, xếp đá hay giếng đất đơn sơ, tất cả đều là chứng nhân của những câu chuyện đặc biệt về cách con người ứng xử với kiến trúc này.

Có những hôm nhớ giếng quá, Lê Bích đến làng Nôm, Hưng Yên chỉ để nhìn giếng rồi về.

Lê Bích – nghệ sĩ nhiếp ảnh “yêu” giếng làng. - Ảnh 6.

Giếng Bán Nguyệt - Cát Đằng - Nam Định

“Nhìn giếng để nhớ về tuổi thơ, về làng, về họ, nơi tụ thuỷ tích phúc, nơi giao hòa trời đất, nơi gặp gỡ của sự nhân ái”, Bích nói.

Bài: Kim Chi - Ảnh: Lê Bích
Top