
Nhiệt độ
Nhiệt độ
Xin chào, User name
Tài khoản của tôi Hoạt động bình luận Tin đã lưu Tin đã xem Tin đã bình luận Đăng xuấtSử sách nước ta ghi chép từ thời Lý, Trần, triều đình đã chỉ đạo đắp đê sông Hồng để chống lũ lụt, và có lẽ nhân dân đã tự phát đắp đê bảo vệ đồng ruộng, mùa màng từ rất lâu trước đó. Nhưng lịch sử không ghi lại ai là người đầu tiên làm thủy lợi phục vụ nông nghiệp ở nước ta. Do đó, có lẽ Bùi Cẩm Hổ là người đầu tiên chủ trì một dự án thủy lợi, đem lại lợi ích cho nhân dân mãi về sau.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, phần “Nhân vật chí”, viết: “Bùi Cầm Hổ người làng Độ Liêu, huyện Thiên Lộc, Hà Tĩnh”, tức thị xã Hồng Lĩnh ngày nay. Sử gia họ Phan cho biết con đường xuất thân của vị danh sĩ xứ Nghệ “vì có nho học nên được tiến dụng, làm ngự sử trung thừa”, là chức vụ chuyên can gián nhà vua những việc sai trái, giám sát, đàn hặc các quan.
Theo gia phả họ Bùi ở địa phương lưu truyền đến ngày nay thì Bùi Cầm Hổ sinh năm 1390. Tương truyền lúc thân mẫu ông chuyển dạ thì bỗng nhiên từ núi Hồng Lĩnh xuất hiện một con hổ đi ra và gầm lên mấy tiếng, sau người mẹ hạ sinh ra ông, nên gia đình đặt tên ông là Bùi Cầm Hổ, có nghĩa là “họ Bùi bắt được Hổ”.
Bùi Cầm Hổ có 30 năm làm quan trong triều đình nhà Lê, trải suốt các triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân và Lê Thánh Tông. Ở chức ngự sử, ông nhiều lần dâng lời nói thẳng khiến vua Lê Thái Tông nể trọng. Điển hình như việc Lương Đăng là quan hoạn được vua sai soạn chế định âm nhạc của triều đình, hay Lê Chử chỉ là lính bắn nỏ được làm quan, ông đều dâng sớ can ngăn, chẳng ngại nề hà.
Về ngoại giao, ông được sung làm sứ thần sang nhà Minh 3 lần vào các năm 1433, 1437, 1439. Đời vua Lê Nhân Tông, ông kiêm làm Đồng tri Tây Đạo, rồi được thăng làm Tham tri chính sự. Ngoài ra, ông còn để lại cho đời giai thoại nổi tiếng về tài xử án, với vụ giải oan cho người vợ nấu canh lươn mà chồng ăn vào bị chết.
Ông cũng là người có đầu óc nhìn xa trông rộng về vấn đề hậu cần cho quân đội, khi năm 1438, từng tâu vua xin chứa lương thực để đề phòng việc biên ải (phòng khi có quân Minh tấn công hoặc giặc phỉ cướp phá). Nhưng ở đây ta không bàn về những công trạng này của ông, chỉ nói về công ông làm thủy lợi giúp dân để lại ân đức suốt mấy trăm năm mà thôi.
Theo gia phả dòng họ, thì năm 1459, Bùi Cầm Hổ được 70 tuổi, ông xin vua Lê Thánh Tông được nghỉ việc triều đình, về quê sinh sống, vui thú điền viên cùng gia đình, vợ con và chan hòa với xóm giềng.
Vùng Độ Liêu quê ông còn có tên Nôm là Kẻ Treo, là vùng đất vốn khắc nghiệt, nắng thì khô hạn, mà mưa lại ngập đồng, khiến nhân dân trồng lúa không sống nổi, mãi vẫn hoàn nghèo. Trong khi đó, trên Ngàn Hống thì bốn mùa cây cối tốt tươi. Khi mưa, nước trên Ngàn Hống đổ thẳng xuống đồng, chỉ mưa nửa buổi là cả vùng Kẻ Treo thành hồ nước mênh mông. Nhưng khi trời không mưa thì đồng lại khô trơ gốc rạ, tìm đỏ mắt không có nước để cày cấy.
Với con mắt tinh đời, Bùi Cầm Hồ nhận ra nguyên nhân đói kém của dân trong vùng là do thiếu phương tiện phục vụ tưới và tiêu nước, nên đã cất công đi tìm cách khơi nguồn dẫn nước vào ruộng cho dân.
Ông chỉ đạo dân làng đắp một bờ đá chắn dòng Thác Bạc và đào một khe sâu dẫn nước theo dọc suốt cánh đồng. Nhờ đó trên một nghìn khoanh ruộng của cả một vùng rộng lớn đã có nước tưới, ruộng lúa trở nên tươi tốt, đời sống nhân dân trong vùng ngày thêm no đủ, nhà nhà đều vui mừng vì được mùa liên tiếp.
Từ sau khi công trình đập Thác Bạc hoàn thành, Kẻ Treo trở nên trù phú, nên dân làng cảm kích công ơn của ông rất nhiều.
Bùi Cầm Hổ đã mở ra một công trình mang đến ấm no cho nhân dân cả vùng, thay đổi hẳn cuộc sống của bao nhiêu gia đình ở Độ Liêu và các vùng lân cận. Có lẽ đây là công trình thuỷ lợi đầu tiên ở đất Nghệ An – Hà Tĩnh, thậm chí là của nước Đại Việt thời đó, nên giá trị và ý nghĩa về công lao của vị cựu Đô Đài Bùi Cầm Hổ lại càng to lớn.
Chỉ tiếc rằng hiện chúng ta không có tài liệu nào để lại cho biết Bùi Cầm Hổ đã thực hiện dự án thủy lợi của mình với quy mô nhân công vật lực thế nào, hay mất thời gian bao nhiêu lâu. Chỉ biết rằng, do lợi ích mà công trình để lại cho dân làng rất lớn lao, nên khi Bùi Cầm Hổ qua đời (tương truyền ông mất năm 1493 và thọ tới 93 tuổi, độ tuổi rất hiếm ở nước ta thời xưa), người dân đã lập đền thờ ông ở chân núi Bạch Tỵ.
Theo bộ sách địa chí “Nghệ An ký” của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757 – 1828) biên soạn đầu thế kỷ XIX thì công trình thủy lợi mà Bùi Cầm Hổ xây dựng đem lại hiệu quả như sau: “Từ đó năm nào cũng được mùa, dù đại hạn dữ cũng không việc gì”. Sự nghiệp và dấu ấn của ông được dân địa phương làm thơ ca ngợi thơ rằng:
“Hổ hét ra oai hồi mẹ đẻ,
Cháo lươn giải oán cho người oan.
Ngọn cờ phía bắc còn bia tạc,
Khe núi phía nam bởi đá hàn”.
Bốn câu thơ kể rõ những nét quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Cầm Hổ, từ sự tích tiếng hổ gầm khi ông chào đời, giai thoại “vụ án canh lươn” nổi tiếng, đến việc ông đi sứ phương Bắc và công lao làm thủy lợi giúp dân ở phía Nam.
Danh sĩ Tồn Am Bùi Huy Bích, từng được vua Lê chúa Trịnh cử làm Hiệp trấn Nghệ An cuối thời Lê mạt, khi đến thăm đền thờ Bùi Cầm Hồ cũng đã làm bài thơ chữ Hán ngợi ca vị tiền nhân:
“Bùi công Cầm Hổ hữu nghiêm từ,
Bạch Tỵ sơn biên thục lục ly.
Đài gián phòng quy tiền sử kiến,
Thần quân tích tự dã nhân tri.
Xà canh đoán ngục truyền di sự,
Khê thủy kiều điền tự vãng kỳ.
Danh tích khả đăng hương hoạn lục,
Chích kê đẩu tửu ngụ hà ty (tư)”.
Dịch thơ:
“Đền thờ cụ Hổ trang nghiêm,
Bạch Tỵ vách núi xanh rờn cỏ cây.
Nhớ xưa can gián thẳng ngay,
Trong triều ngoài nội đó đây tiếng đồn.
Vụ án “canh rắn” còn truyền,
Nước khe tưới ruộng vẫn tuôn dạt dào.
Tên trong hương lục nêu cao,
Lễ dâng gà rượu, xiết bao kính thành”.
(Mai Xuân Hải dịch, trích theo “Nghệ An ký”)
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú cho biết thêm, các triều đại về sau đều phong Bùi Cầm Hổ làm phúc thần, thượng đẳng phúc thần. Đền thờ của ông đến nay trải qua nhiều thế kỷ vẫn nằm trên nền đất cũ, nhân dân thường gọi là đền quan Đô Đài.
Năm 1992, đền thờ Bùi Cầm Hổ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng Giêng, nhân dân Độ Liêu (hay còn gọi là Đậu Liêu) và các vùng xung quanh, cùng với con cháu hậu duệ họ Bùi ở các miền đều tề tựu về đây tổ chức long trọng tế lễ ở Điện Đô Đài, làm lễ Báo ân tưởng nhớ công ơn của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ.
Từ lễ hội đền thờ ông, mà người dân Hà Tĩnh vẫn truyền tụng câu ca: “Tháng Giêng Đô Đài, tháng hai Hương Tích”, tức tháng Giêng đi lễ đền quan Đô Đài, tháng Hai đi chùa Hương Tích, cũng nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh nhưng về phía huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển vừa qua, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) luôn cam kết phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM)
Sau 30/4/1975, thiếu thiết bị, các kỹ sư dùng cao su đệm xích xe thiết giáp, nòng đại bác chế tạo linh kiện vận hành nhà máy nước cung cấp cho hàng triệu người dân Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Vào thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên tháp nước Sở Sản xuất nước sông Đồng Nai (tiền thân của Nhà máy nước Thủ Đức hiện nay). Từ đây, Nhà máy nước Thủ Đức viết tiếp câu chuyện mới của thời đại độc lập, tự do và phát triển không ngừng.
Chiều 23/4/2025, Lãnh đạo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Văn phòng Kinh tế & Thương mại Israel tại Việt Nam. Tại cuộc họp, phía Israel bày tỏ mong muốn tìm hiểu thị trường và kết nối với các doanh nghiệp cấp thoát nước của Việt Nam.
Sáng ngày 18/4/2025, Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (UDC) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của mình .
Từ ngày 7 đến 14/4/2025, thay mặt Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA), Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp đã có chuyến công tác ra thăm, động viên, tặng quà cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Diễn ra tại Thanh Hóa, Hội nghị BCH Chi hội Cấp thoát nước miền Bắc lần thứ III, nhiệm kỳ 2023 - 2025 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động chuyên môn và phát triển bền vững của ngành Cấp Thoát nước (CTN) khu vực miền Bắc.
Mới đây, Công ty CP Cấp nước Trung An đã vinh dự đón nhận Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 do Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) trao tặng. Đây là minh chứng cho thấy nỗ lực của công ty trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Năm 2024, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) không chỉ tập trung đảm bảo cấp nước an toàn, mà còn chú trọng phát triển hệ thống cấp nước hiện đại, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố. Điều này được thể hiện thông qua 10 sự kiện tiêu biểu dưới đây.