Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn

Nguyễn Tư Giản với đề xuất trị thủy thời Tự Đức (1847-1883)

22/06/2022 11:41

Nước Việt cổ hình thành trên vùng đất phía Tây là núi cao, phía Đông là biển, nhiều sông ngòi chảy ngang, nên từ xưa, việc đương đầu với lũ lụt đã được cha ông ta tiến hành hàng năm.

Nguyễn Tư Giản với đề xuất trị thủy thời Tự Đức (1847-1883) - Ảnh 1.

Chân dung Nguyễn Tư Giản (1823-1890)

Chính vì vậy, kho tàng truyện cổ tích nước Việt mới có chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, khắp miền Bắc ngày nay vẫn còn những con đê hàng nghìn năm tuổi. Sử sách ghi lại đời Lý, Trần, Lê, triều đình đều chăm lo đắp đê trị thủy. Tuy nhiên, sang đến thời Nguyễn, chính sử ghi lại rằng triều đình đã cân nhắc việc nên giữ hay phá đê.

Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long đã quan tâm đến vấn đề đê điều. Năm 1809, vua đặt ra chức Bắc Thành đê chính, các chức Tổng lý và Tham lý đê chính để lo vấn đề đê điều, gồm tu bổ đê cũ, đắp thêm đê mới ở các trấn xứ Bắc Kỳ.

Đến hết thời Gia Long (năm 1820), hơn 47 km đê điều đã được tu sửa và tổng chiều dài các con đê ở Bắc Kỳ đã tăng lên 303.616 trượng, tương đương 1.215 km, từ 239.933 trượng (960 km) vào năm 1809, theo tác giả Nguyễn Thế Anh, trong cuốn “Kinh tế và Xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn” (NXB Văn học 2008).

Tới cuối thế kỷ 19 thì hệ thống đê này đã dài gấp đôi, tới 2.400 km.

Sang thời Minh Mạng, năm 1828, theo đề nghị của các quan, vua cho tăng cường nhân sự cho nha môn đê chính. Tuy nhiên, nha này bị bãi bỏ năm 1833, việc đê điều chuyển sang cho Đốc biện tại các tỉnh.

Theo sách “Đại Nam điển lệ”, năm 1833 chiều dài tổng hệ thống đê miền Bắc là 333.616 trượng (1.300 km), trong đó ở khúc sông lớn, mặt đê rộng 8 m, chân đê rộng 28 m, cao 4,8 m; ở sông nhỏ các số tương ứng là 3,6 m, 12 m và 3,6 m.

Giữ hay bỏ đê?

Mặc dù triều đình quan tâm nhiều tới việc trị thủy, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau các đê đắp lên cứ vỡ liên miên. Đặc biệt là ở sông Hồng, vì đất bồi nên lòng sông giữa 2 con đê cao hơn mặt đất, do đó nước lụt rất dễ tràn qua mặt đê.

Sử sách ghi nhận từ năm 1802 đến năm 1858, cả nước có 38 lần mưa bão gây lụt lớn, trong đó những lần vỡ đê vào các năm 1803, 1804, 1806, 1819, 1828, 1833, 1840, 1842, 1847, 1856, 1857 làm gần như toàn bộ Bắc Bộ bị lụt, mất mùa và đói kém.

Triều đình phân vân với các cách: Giữ đê, phá đê hay đào thêm sông. Thời Minh Mạng, nhà vua nhiều lần lấy ý kiến quần thần, từ hỏi quan địa phương tới đình thần nhưng người thì bàn phá đê, người lại chủ trương đào sông mới, ý kiến bất đồng quá nhiều. Thời vua Thiệu Trị và Tự Đức phải treo bảng khắp nơi để trưng cầu dân ý.

Sách “Minh Mạng chính yếu” chép: “Nhà vua gọi thị thần lại, phán rằng: Nếu phá bỏ đê, thời lập tức nước sông dâng lên tràn ngay vào ruộng hại liền theo đó, như thế thời đủ thấy rõ ràng rằng đê không thế nào phá bỏ đi được vậy. Nếu khinh suất nghị luận phá bỏ đê, không khỏi để cho đời sau chê cười...”.

Để giữ đê, vua Minh Mạng cho đào sông Cửu Hà để san sẻ bớt nước sông Hồng. Sông đào rồi, tỉnh thần Hưng Yên tâu lên rằng nhờ đó “lúa mùa hè rất được, so với năm trước, được rất nhiều hơn”.

Tại các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, nơi nào bị nước lụt tràn vào thì nhờ lớp bùn bồi đắp mà đất màu mỡ, sản lượng nông nghiệp tăng nhiều. Tuy nhiên, thiệt hại cũng không nhỏ. Năm 1834, nước sông Hồng dâng cao hơn 10 m, dân chết đuối vô số. Triều Tự Đức, đê Văn Giang ở Hưng Yên vỡ 18 năm liền, cả huyện Văn Giang thành bãi cát bỏ hoang.

Năm 1833, theo lệnh nhà vua, Tổng đốc Nam Định là Đặng Văn Thiêm đi khám xét đê điều đã tâu lên Minh Mạng chủ trương “Sửa đắp đê mới hay đê cũ, công trình nặng nhọc, phí tổn công khố cũng nhiều, thế mà khó nói trước có giữ được chắc chắn hay không. Nếu đổi ra làm việc khai sông, không những bớt được chút phí tổn mà lại có thể phân được thế nước và bớt được sự xô mạnh dồn xuống”.

Nguyễn Tư Giản với đề xuất trị thủy thời Tự Đức (1847-1883) - Ảnh 2.

Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890) là một danh sĩ và là một vị quan từng trải qua những chức vụ trọng yếu suốt gần 40 năm, phục vụ 7 đời vua nhà Nguyễn, gồm: Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh".

Vua Minh Mạng ra lệnh đình chỉ việc đắp đê để chờ xem tình hình ra sao rồi mới bàn định lại. Năm 1834, vua sai Giám thành Phó sứ là Trương Viết Sùy kiểm tra lại thì ông này cho rằng “không thể bỏ đê được”.

Năm 1852, vua Tự Đức tiếp tục mở cuộc trưng cầu ý kiến về việc phòng đê ở Bắc Kỳ, các ý kiến lại một lần nữa chia thành 2 phái: Giữ đê và bỏ đê. Lập luận của phái bỏ đê rộ lên từ năm 1847, với người đề xướng chính là Tổng đốc Hà Ninh Nguyễn Đăng Giai. Cũng theo sách “Bắc kỳ hà đê sự tích”, thì Nguyễn Đăng Giai đề nghị khi bỏ đê, sẽ khai thông sông Nguyệt Đức (Sơn Tây), Thiên Đức (Hàm Long), Nghĩa Trụ (Bắc Ninh), khiến nước sông Hồng được phân lưu chảy về Đông, giảm bớt lượng nước chảy vào đồng ruộng.

Sau khi bàn bạc cùng đình thần, vua Thiệu Trị không dám vượt ra khỏi chủ trương của vua cha là Minh Mạng, không chấp thuận đề nghị của Nguyễn Đăng Giai, vì “nếu nhất đán hủy bỏ đi, nước lũ chảy quanh thì chỗ cao phải đi thuyền ở sàn, mà chỗ trũng phải bỏ làm đầm, làm vực, không biết luận điệu ‘chén nước đổ vào mâm’ đã là xác đáng chưa”.

Đến năm 1872, các tỉnh Bắc Kỳ đều điều trần về việc đê điều nhưng vẫn tiếp tục có ý kiến khác nhau. Những bài điều trần này đã được đóng thành từng tập dày như “Đê chính tập” hay “Đê chính tân luận”. Do việc bất đồng kéo dài nên triều đình vẫn phải giữ đê mà đê vẫn tiếp tục vỡ.

Mười đề xuất trị thủy của Nguyễn Tư Giản

Nguyễn Tư Giản (1823-1890) là một danh sĩ và là một vị quan từng trải qua những chức vụ trọng yếu suốt gần 40 năm, phục vụ bảy đời vua nhà Nguyễn, gồm: Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh.

Ông sinh tại làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội), trong một gia đình khoa bảng nhiều đời, nhưng thanh bạch. Ông là hậu duệ của danh sĩ Nguyễn Án.

Nguyễn Tư Giản với đề xuất trị thủy thời Tự Đức (1847-1883) - Ảnh 4.

Ban đầu, ông học với anh cả là Nguyễn Đức Hiến đỗ giải nguyên, làm Đốc học, sau theo học Tiến sĩ Vũ Tông Phan, ở thôn Tự Tháp, phía tây Hồ Gươm thuộc phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương (nay là Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Năm 19 tuổi, ông đi thi nhưng bị hỏng, ba năm sau mới đỗ Cử nhân ở trường Hà Nội, năm sau thì đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp (tức Hoàng giáp) khoa Giáp Thìn (1844) dưới triều vua Thiệu Trị. Sau khi vinh quy bái tổ, ông vào Huế để nhận chức Tu soạn Hàn lâm viện, được cử vào ban biên tập bộ “Thiệu Trị văn quy” và được vua cho đổi tên Văn Phú thành Định Giản.

Năm Bính Thân (1846), Nguyễn Tư Giản được cử làm Tri phủ Ninh Thuận. Mùa thu năm 1847, vua Tự Đức cho triệu ông về kinh, sau đó nhà vua lại cho ông đổi tên từ Định Giản trở thành Tư Giản. Ông lần lượt qua các chức vụ: Khởi cư chú ở lầu Kinh Diên (chức biên chép những lời vua nói khi học đạo trị nước), Thị giảng học sĩ ở Hàn lâm viện, Binh khoa cấp sự trung, Quang lộc tự khanh sung Biên nội các sự vụ.

Năm 1857, Nguyễn Tư Giản được phép về thăm quê, đồng thời nhận nhiệm vụ nghiên cứu tình hình sông ngòi và đê điều ở đất Bắc. Như ở trên đã nói, thời gian này các đê sông ở Bắc Kỳ thường bị vỡ, gây tai họa lớn. Trong triều khi ấy có hai chủ trương phá đê hay đắp đê đang được tranh cãi. 

Khi trở lại kinh đô, ông đề xuất “Phương lược trị thủy Nhị hà” gồm 10 điểm lên vua Tự Đức, rồi được chuyển xuống các bộ liên quan để cùng bàn bạc thực hiện. Ông phân tích rồi kết luận rằng việc phá bỏ đê là một điều rất nguy hiểm. Đề xuất của ông gồm:

1/ Đắp đê ở bờ biển để ngăn nước mặn.

2/ Nạo vét cửa biển để khỏi ứ đọng sỏi cát.

3/ Xây các đập để ngừa lúc nước lên to bất ngờ.

4/ Đào các sông nhánh để giữ dòng chính.

5/ Khơi các dòng cũ để phân tán sức nước lũ.

6/ Lấp các nguồn nước đọng để khỏi đọng bùn cát.

7/ Dự trữ tiền gạo để có sẵn chi phí.

8/ Trả tiền công hậu cho những người làm đê.

9/ Mở rộng việc quyên tiền để giúp cho những người trị thủy.

10/ Đặt ngạch dân đinh chuyên trách coi sóc đê điều, chống lụt.

Bộ sử nhà Nguyên “Đại Nam thực lục” chép: “Quang lộc tự khanh sung làm việc Nội các là Nguyễn Tư Giản (người Bắc Ninh) tâu bày công việc nên làm để giữ nước sông. Vua chuẩn cho Tư Giản lấy nguyên chức ấy sung làm Hiệp lý Đê chính sự vụ, để được đem hết tài năng ra thi hành. Tập sớ tâu ấy chuẩn giao cho Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Vĩ bàn cùng Nguyễn Tư Giản làm cho ổn thỏa, cốt có thực hiệu. Còn về khoản xin tích giữ để chi phí, sai bộ Hộ trù tính ngay làm bản tâu lên”.

Nguyễn Tư Giản được cấp tiền lộ phí 50 lạng bạc để đi nhậm chức. Vua còn đích thân ban cho Nguyễn Tư Giản một bài thơ, bảo phải cố gắng, trong khi cho quan cựu đê chính Vũ Trọng Bình đổi làm quyền hộ Tổng đốc An - Tĩnh.

Được khen rồi bị phạt

Ngay sau khi Nguyễn Tư Giản ra Bắc, báo về triều đình là các dòng sông yên sóng. Vua Tự Đức khen các viên đê chính Vũ Trọng Bình, Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Văn Vĩ mới lần đầu trù tính việc đê, hơi có thành hiệu, nên thưởng cho mỗi người 1 đồng tiền vàng và 10 lạng bạc.

Nguyễn Tư Giản lại tâu xin 5 việc về đê sông, trong đó có đốc thúc dân cả 7 tỉnh Bắc kỳ đi đắp đê, khơi đào các chỗ sông cong, hay cát lấp ở đoạn dưới sông Thiên Đức (sông Đuống) để sông chảy thông.

Nhà vua cho rằng Bắc Kỳ năm ấy lúa thóc được mùa, giá tiền thuê thổ đấu nên theo giá cũ mà trả. Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Văn Vĩ tâu cũng xin nắn lại đoạn sông Đuống để đào theo hướng xã Thanh Am, và xin di dân 15 xã thôn ở ngoài đê này.

Vua cho việc ấy quan hệ đến đời sống của nhân dân, giao cho đình thần bàn. Đình thần tâu rằng: Tư Giản theo cách trị hà của Giả Nhượng (quan đời Hán Ai đế, dâng 3 cách trị nước sông, trong có một cách khơi sông chảy đi nơi khác và di dân ở ngoài đê đi nơi khác), chỉ có hỏi quan địa phương mới rõ. Vua theo lời bàn ấy. 

Nguyễn Tư Giản cũng xin khơi thẳng sông mới từ xã Phước Lai đến xã Tư Cương, cho thế nước sông được lưu thông. Quan Khâm phái là Phạm Chi Hương, quan tỉnh Bắc là Nguyễn Văn Phong đều tâu xin thôi không làm việc ấy. Vua sai Tư Giản liệu bàn tâu lại, Tư Giản tâu rằng khúc sông ấy nếu không đào khơi cho thẳng, sợ về cách khơi sông giữ đê không đảm bảo. Vua cho theo lời bàn ấy mà làm. 

Sau vua Tự Đức xét việc mấy lần đê sông Đuống vỡ, dân 15 xã ngoài đê lần nào cũng vất vả di cư, cho rằng lỗi của các quan phụ trách đê điều nên phạt Nguyễn Văn Phong, Bùi Tuấn đều giáng 2 cấp; Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Văn Vỹ, Trần Thế Mỹ, Phạm Thận Duật đều giáng 1 cấp, nhưng được lưu dụng.

Tháng 6/1861, đê ở Hà Nội, Sơn Tây cùng vỡ, vua Tự Đức ban dụ quở trách các quan đê chính, yêu cầu khẩn trương trù tính việc tiêu nước để dân được yên, nếu không được sẽ bị phạt. 

Nguyễn Tư Giản với đề xuất trị thủy thời Tự Đức (1847-1883) - Ảnh 5.

Đầu năm 1862, Nguyễn Tư Giản lại tâu xin làm mọi việc như xây cửa cống, khơi sông, đắp đê. Vua Tự Đức lúc này cho rằng tiền túng thiếu, công việc nhiều, không nên làm mệt sức dân, nên đổi Tư Giản làm Tham biện quân vụ Hải - Yên (vùng Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay), bãi bỏ nha môn Đê chính, sai các địa phương chiểu theo lệ thường sửa đắp đê.

Nguyễn Tư Giản đi hiệu lực ở quân thứ tỉnh Đông, đánh giặc không thắng, bị trách phạt. Vua dụ quần thần rằng: “Tư Giản văn học hơn cả các tiến sĩ, trẫm dùng lầm làm việc sông đê, không phải là nghề sở trường, thành ra đến mắc vào đình thần nghị tội. Nay nên tùy việc sai phái, để cho lập công”.

Tháng 12 năm đó, Tổng đốc Định - An là Nguyễn Đình Tân tâu nói các quan đê chính trước đó (từ Nguyễn Tư Giản, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Vỹ) xếp đặt việc trị thủy nhưng tiêu của kho nhà nước quá tốn kém (tiền hơn 1.500.000 quan, gạo hơn 200.000 hộc), xin chiểu theo làm việc lâu hay chóng phân biệt nghĩ xử bắt bồi thường. Triều đình thấy Hiệp lý Nguyễn Tư Giản, Tham biện Nguyễn Văn Vỹ làm việc từ trước đến sau, chiểu luật không hết chức vụ nên xử cách, Quản lý Vũ Trọng Bình mới được 1 năm, xin giảm 2 bậc, phạt 80 trượng, vua chuẩn giáng 2 cấp. 

Sau khi bãi bỏ nha Đê chính, Nguyễn Tư Giản đánh giặc không công trạng, nên vua cho ông theo hàm mới, vì lúc này ông phụ trách việc làm sách “Vận hải”, được thưởng hàm Hàn lâm viện Thị độc, về chức thì phải cách lưu, còn khoản bắt đền, trừ số tiền quyên tiền điền mẫu phải nộp hơn 500.000 quan ra, còn bao nhiêu phải đền 5 phần, tha cho 5 phần.

Sau Nguyễn Tư Giản được sung phó sứ sang nhà Thanh, khi trở về giữ chức Thị lang ở Nội các, rồi đặc cách bổ làm Tham tri, quyền lĩnh Thượng thư bộ Lại kiêm sung chức Quốc sử quán Phó tổng tài, phụ trách biên soạn quốc sử. Ông được thăng lên chức Thượng thư bộ Lại, sung Cơ mật viện đại thần, rồi do có tên học trò làm bằng sắc giả, nên ông bị giáng chức phải ra làm Sơn phòng sứ ở Chương Mỹ (Hà Nội) coi việc lên khẩn hoang để chuộc tội. 

Sau sự biến kinh thành năm 1885, vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), Pháp đưa vua Đồng Khánh lên thay, Nguyễn Tư Giản được gọi về giữ chức thị lang bộ Hộ, nhưng sau đó nên ông giả ốm xin về nghỉ. Đến khi quân Pháp cai trị miền Bắc, họ mời một số danh sĩ ra làm việc, Nguyễn Tư Giản phải ra làm Tổng đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh - Thái Nguyên). Ông từ quan năm 1887 về dạy học ở Phát Diệm, Ninh Bình cho đến năm 1890 thì mất tại đây, thọ 67 tuổi.

Cuối thời vua Tự Đức, các tỉnh ở Bắc kỳ vẫn tiếp tục bàn luận trái chiều về chuyện đê điều, như tỉnh Nam Định xin đem tàu thuỷ, tàu bọc đồng dùng máy khơi đào tất cả cửa biển để tiêu tiết nước lớn về mùa hạ. Tỉnh Bắc Ninh xin theo địa thế bồi đắp, các dòng sông ở hạ lưu có úng tắc thì đào mở rộng theo đường cũ để nước chảy được nhanh, không đào đường mới. Vua Tự Đức thấy tình hình biên giới lúc đó bất ổn, nên theo lời xin của tỉnh Bắc Ninh là tiện hơn cả, sai các tỉnh có sông cứ theo thế mà làm.

Triều đình Huế vẫn giữ nguyên lập trường giữ đê như cũ. Thập niên đầu thế kỷ 20, vua Thành Thái định rằng hàng năm cứ trước ngày 20 tháng 11 dương lịch, Sở Lục lộ các tỉnh đi khám đê điều trong hạt, lập biên bản trình cho công sứ Pháp liệu biện. Dù tình trạng lụt lội thường xuyên đã giảm bớt, nhưng sau này ở miền Bắc vẫn nhiều lần vỡ đê gây lũ lụt nặng nề.

Tác giả:
Lê Tiến Long
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Hơn 600 học sinh TP.HCM hưởng ứng tham gia vẽ tranh về chủ đề “Nước và sự sống”

Hơn 600 học sinh TP.HCM hưởng ứng tham gia vẽ tranh về chủ đề “Nước và sự sống”

Sáng 14/4/2024, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) phối hợp Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Nước và sự sống”.

Doanh nghiệp 14/04/2024
Lãnh đạo VWSA tham dự chương trình "Về nguồn" tại Phú Thọ

Lãnh đạo VWSA tham dự chương trình "Về nguồn" tại Phú Thọ

Sáng 13/4/2024, tại Phú Thọ, các ông Nguyễn Văn Bút và Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã gặp mặt đoàn công tác SAWACO trong khuôn khổ chuyến thăm Phú Thọ nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024 và tham dự chương trình “Về nguồn” do Trường Đại học Thủy lợi tổ chức.

100% sinh viên Cấp Thoát nước có việc làm sau khi tốt nghiệp

100% sinh viên Cấp Thoát nước có việc làm sau khi tốt nghiệp

Kỹ thuật Cấp Thoát nước và Môi trường vốn là chuyên ngành cốt lõi trong xây dựng, quản lý đô thị thông minh với cơ hội việc làm rộng mở. Khi BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, áp lực lên hạ tầng cấp nước và thoát nước ở các đô thị, khu công nghiệp ngày càng gia tăng, thì nguồn nhân lực ngành Cấp Thoát nước càng cần thiết.

Thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong ngành Cấp Thoát nước

Thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong ngành Cấp Thoát nước

Sáng ngày 5/4/2024, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) và Cơ quan hợp tác ngành nước Úc (AWP), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) cùng một số đơn vị khác đã tổ chức hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong ngành Cấp Thoát nước.

Quốc tế 09/04/2024
HueWACO: 115 năm bền bỉ "Vì sức khỏe cộng đồng" và sự phát triển bền vững của ngành Nước

HueWACO: 115 năm bền bỉ "Vì sức khỏe cộng đồng" và sự phát triển bền vững của ngành Nước

Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) luôn bám sát và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu được đề ra “Vì sức khỏe cộng đồng” và sự phát triển bền vững của ngành Nước Việt Nam.

Doanh nghiệp 27/03/2024
Ngày Nước Thế giới 2024 "Nước cho hòa bình”

Ngày Nước Thế giới 2024 "Nước cho hòa bình”

Ngày Nước Thế giới năm 2024 của Liên Hợp Quốc mang chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Ngành nước Việt Nam - Australia: Kỳ vọng tiếp nối hợp tác sâu rộng, từ trái tim đến trái tim

Ngành nước Việt Nam - Australia: Kỳ vọng tiếp nối hợp tác sâu rộng, từ trái tim đến trái tim

Sáng 11/3/2024, trong không khí thân mật, đoàn công tác Hội nước Australia đã có buổi thăm và làm việc tại văn phòng Hội Cấp Thoát nước Việt Nam nhằm trao đổi về các hoạt động hợp tác sắp tới.

Quốc tế 12/03/2024
Trung Quốc: Phát hiện hệ thống 4.000 năm tuổi "vô hiệu hóa" lũ lụt bằng cách khó ngờ

Trung Quốc: Phát hiện hệ thống 4.000 năm tuổi "vô hiệu hóa" lũ lụt bằng cách khó ngờ

Trong khi các nhà chức trách Trung Quốc đang phải "đau đầu" giải quyết vấn đề thoát nước đô thị sau ngập lụt thì cách đây 4.000 năm, cha ông của họ đã "vô hiệu hóa" lũ lụt bằng phương pháp ít ai ngờ.

Nghe nhìn 07/03/2024
Họp báo công bố Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương tranh cúp BIWASE

Họp báo công bố Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương tranh cúp BIWASE

Ngày 01/3/2024, tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo công bố Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ 14 năm 2024 tranh cúp BIWASE. Đây là giải xe đạp nữ quốc tế truyền thống quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Top