Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn

Khi vua đích thân cầu mưa

08/03/2023 09:49

Việt Nam từng là một nước nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa nước, nên nước có vai trò hết sức quan trọng với nền kinh tế. Ngoài hệ thống sông hồ, mùa màng phụ thuộc vào nước mưa, do đó mỗi khi có hạn hán hay lũ lụt, chính sử đều ghi rõ. Trước kia mỗi khi trời hạn, vua chúa thường tìm cách cầu mưa.

Việt Nam từng là một nước nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa nước, nên nước có vai trò hết sức quan trọng với nền kinh tế. Ngoài hệ thống sông hồ, mùa màng phụ thuộc vào nước mưa, do đó mỗi khi có hạn hán hay lũ lụt, chính sử đều ghi rõ. Trước kia mỗi khi trời hạn, vua chúa thường tìm cách cầu mưa.

Ngoài việc cầu đảo xin Thượng Đế cho mưa, lễ Phật, theo chính sử mỗi khi gặp hạn hán, các vua Việt đều tự sửa lỗi lầm, thực hiện việc thiện như tha tù phạm, giảm thuế khóa hay thải bớt cung nữ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ thời Lý đã ghi lại những biện pháp khắc phục hạn hán. Nếu như năm Thần Vũ thứ 2 (1070) thời Lý Thái Tông, khi mùa hè trời đại hạn, triều đình mới chỉ “phát thóc và tiền lụa trong kho để chấn cấp cho dân nghèo” thì đời Lý Nhân Tông năm 1095, đại hạn vào tháng 6, nhà vua thực hiện thả tù, giảm hoặc tha cho dân tiền tang thuế (tức tiền chính của thuế, không kể tiền giấy bút thu bên ngoài).

Khi vua đích thân cầu mưa - Ảnh 1.

Phải đến mùa hạ năm 1118, trời khi đại hạn, mới bắt đầu thấy sử ghi vua Lý Nhân Tông cho cầu đảo và “được mưa”. Năm 1126, khi mưa dầm thì “Toàn thư” viết vua Lý Nhân Tông sai “làm lễ cầu tạnh”.

Khi vua Lý Thần Tông lên nối ngôi Lý Nhân Tông năm 1228, tháng 4 năm đó đại hạn, nhà vua trai giới ăn chay và cầu đảo được mưa. Đây là lần đầu tiên chính sử chép việc vua đích thân cầu mưa. Năm sau, 1229, mới tháng 2 đã hạn hán, vua Lý Thần Tông tiếp tục trai giới cầu mưa. 

Bộ sử triều Nguyễn là “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép thêm một chi tiết trong sự kiện này: bên cạnh việc vua Lý Thần Tông trai giới để cầu đảo, vua còn hạ chiếu tha những người có tội trong nước để tỏ lòng thành lên Thượng Đế. 

Sách “Cương mục” cũng trích dẫn sách “Danh tiết lục” của Trần Ký Đằng chép rằng: Từ tháng 2 năm ấy đến mãi tháng 3 không mưa, nhà vua thân đi đảo vũ, không linh ứng, nhân bảo các quan hầu: “Trẫm là người ít đức, can phạm đến Trời, làm mất hòa khí: mùa xuân năm ngoái mưa dầm, mùa xuân năm nay đại hạn; trẫm thấy lo quá! Các khanh nên nghĩ xem trẫm có điều gì lầm lỗi thì bổ cứu lại cho”. 

Viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh tiến lên nói rằng: “Ba tháng xuân là mùa xuân sinh nở muôn vật, trời không mưa xuống thì sự sinh sống của các loài sao cho được thỏa thuê? Hoặc giả hình ngục có sự oan uổng không đúng, hại đến khí hòa? Kinh Thư có câu: “Tiếm hằng dương nhược”, nghĩa là chính lệnh của nhà vua mà sai lệch vì quá nghiêm khắc, thì điềm dữ sẽ phản ứng lại là nắng nhiều. Vậy xin bệ hạ nghĩ lại”. 

Nhà vua cho là phải, xuống chiếu tha các tội nhân trong nước. Sang tháng 4, trời có mưa. Người ta gọi Trần Ngọc Khánh là “Trần Thiện Gián”, tức là ông Trần giỏi can gián.

Các nghi lễ được chép liên tiếp trong giai đoạn vua Lý Thần Tông trị vì, như năm 1130, mùa hạ tháng 6 đại hạn thì có lễ cầu mưa, đến tháng 9 mưa dầm thì làm lễ cầu tạnh. Các lễ cầu tạnh được ghi lại liên tiếp vào các năm sau.

Năm 1137, vào tháng 3 không mưa, vua Lý Thần Tông đến cầu đảo ở chùa Báo Thiên, tức chùa Sùng Khánh, xây ở phường Báo Thiên trong kinh thành năm 1056. “Cương mục” viết rằng “tối ấy trời mưa” để nói về sự linh nghiệm của nghi lễ cầu đảo của nhà vua. Sách “Toàn thư” cho biết thêm là nhà vua đến chùa này làm lễ phật Pháp Vân và “đêm hôm ấy mưa to”.

Tháng 6, năm 1138 lại có hạn hán, nhà vua xuống chiếu cho bầy tôi hội nghị. Sử viết rằng vua sai Tả ty lang trung Ngụy Quốc Bảo triệu tập các bầy tôi đến họp bàn về việc đại hạn. Phạm Tín xin đến đảo vũ ở đàn vu, tức đàn cúng do đạo sĩ cúng để cầu chúc cho nhà vua sống lâu. Nhà vua y theo lời, bèn sai quan lại làm lễ đảo vũ ở đàn vu và chùa Báo Thiên.

Nghi lễ này còn được tiếp diễn đến thời vua Lý Cao Tông năm 1188. Năm đó, tháng 5, tuy sử không viết là hạn hán thế nào, nhưng có việc vua thân ngự đến chùa Pháp Vân ở Duềnh Bà để đảo vũ, rồi rước tượng Pháp Vân về chùa Báo Thiên. 

Các sử quan thời Lê chua thêm rằng: “Triều Lê khi mới dựng nước còn theo tục này”. Về chùa Pháp Vân, các nhà nghiên cứu ở Viện Sử học khi dịch bộ “Toàn thư” xét rằng có thể hai chữ Duềnh Bà cho hai chữ Liên Lâu chép nhầm thành, tức chùa Pháp Vân hay chùa Dâu ở huyện Thuận Thành, Hà Bắc ngày nay, thờ Phật Mẫu Man Nương, tức bà Pháp Vân trong Tứ Pháp (Vân - Vũ - Lôi - Điện, đại diện cho bốn hiện tượng thiên nhiên là Mây, Mưa, Sấm, Sét).

Thời Trần, dù các vua Trần chuộng đạo Phật, nhưng không thấy sử ghi chép về việc nhà vua làm lễ cầu mưa, dù có nhiều lần hạn hán.

Đặc biệt, có một sự kiện diễn ra đời vua Trần Minh Tông năm 1315, cho thấy quan điểm của triều Trần thời bấy giờ về việc hạn và mưa. Nguyên do là tháng 6 năm đó xảy ra hạn hán. Bấy giờ Trần Khắc Chung làm Hành khiển (Tể tướng). Quan ngự sử dâng sớ lên vua nói rằng: “Chức vụ tể tướng, trước hết phải điều hòa âm dương. Nay Khắc Chung ở ngôi tể tướng, không biết phối hợp đất trời cho khí tiết điều hòa, để đến nỗi mưa nắng trái thời, thế là làm quan không được công trạng gì”.

Tuy nhiên, Trần Khắc Chung phản bác lại rằng: “Tôi lạm giữ chức tể tướng, chỉ biết có sức làm những việc mà chức vụ phải làm, còn như hạn hán thì hỏi ở Long Vương. Khắc Chung đâu phải là Long Vương mà đổ tội được?”. 

Khi vua đích thân cầu mưa - Ảnh 2.

Sang đến thời Lê, khi có hạn hán, nhà vua thường tự xét lại lỗi lầm của mình, tạ lỗi với trời để xin mưa xuống. Như năm 1449, khi vị vua trẻ Lê Nhân Tông trị quốc, trời hạn hán, vua làm lễ cầu mưa nhưng không linh nghiệm, đã sai quần thần soạn cho một tờ chiếu nhận lỗi về mình, nội dung có đoạn viết: 

“Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc, mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Nghĩ kỹ tội ấy, hẳn có nguyên do…”. Sau khi liệt kê một số lỗi lầm của bản thân, nhà vua viết tiếp: “Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại, đã làm tổn thương hòa khí, nếu không xét lời dạy sửa lỗi lầm, làm tròn đạo tu dưỡng mình thì làm sao trên có thể lay chuyển được lòng trời, dưới có thể cứu vớt được nạn dân?”.

Tờ chiếu vừa ban xuống, dù không cầu đảo nữa mà đêm ấy trời có mưa to.

Đến thời vị vua hiền Lê Thánh Tông, vào năm 1476, hạn hán trong tháng 4, ngày 23 vua cầu đảo Hạo Thiên Thượng Đế. Xét bài biểu cầu mưa đại lược viết: “Kẻ không có đức, thần Lê mỗ xin dốc hết lòng chí thành, dâng lời kêu với đức Thái thượng khai thiên chấp phù ngự lịch hàm chân thể đạo hạo thiên chí tôn Ngọc Hoàng thượng đế bệ hạ: Nay từ mùa đông đến mùa hạ ít mưa, nắng suốt, việc dân vất vả. Người làm thợ, đi buôn không chỗ nương nhờ, kẻ cày ruộng chăn tằm hết bề trông ngóng. Chỉ vì thần không có đức, để đến nỗi trâm họ chịu tai ương. Bọn dân ngu nhớn nhác kêu thương, cơ hồ đến hết phương sinh sống. Vì thế, thần dám đâu không gõ cửa Đế đình để giãi tỏ lòng xót thương, để tâu bày niềm kinh sợ. Cúi xin ngài tha thứ cho tội lỗi, đổi tai họa thành điềm lành, ban cho mưa móc lớn, thấu khắp đến mọi nơi. Thần kính cẩn xin tâu lời cầu khẩn”.

Năm 1496, tháng 2 cũng không mưa, nên ngày 14, vua cầu đảo, tự tay viết ra 4 tờ tập thơ “Vân xuân thi tập”, sai Nguyễn Đô dán ở vách đền thờ thần. Hôm ấy trống canh một, trời mưa nhỏ, đến canh năm mưa to nước tràn trề, vua đề thơ ở miếu Hoằng Hựu rằng:

Cựu linh anh khi chấn dao thiên,

Uy lực nghiêm đề tạo hóa quyền.

Khấu vấn sơn linh năng nhuận vật.

Thông vi cam vũ tác phong niên.

Nghĩa là:

Rung trời anh khí rất linh thiêng

Tạo hóa trong tay nắm giữ quyền

Sơn thần nếu biết nhuần thấm vật,

Hóa làm mưa ngọt, được mùa liền.

Miếu Hoằng Hựu, theo sách “Cương mục” ở huyện Lương Giang, tức huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, quê hương của Lê Thái Tổ. Theo sự tích về Lê Thái Tổ khởi nghĩa, khi bị quân Minh truy đuổi, ngài vẫn cố chôn cất thi thể một người đàn bà áo trắng. Đến khi giặc đuổi tới gần, vua trốn vào gốc đa, giặc lấy giáo đâm vào, bỗng có con chồn trắng từ gốc đa chạy ra, chó ngao đuổi theo chồn nên vua được thoát, về sau, vua phong thần áo trắng làm Hoằng Hựu đại vương, tức đại vương có công bảo hộ nước nhà, mỗi khi nhà nước có đại sự, triều đình đều làm lễ ở miếu. 

Như vậy nếu thời Lý, các vị vua thường cầu xin Phật ban mưa thì đến thời Lê, vua Lê lại cầu thần. Và dù bằng cách nào, các vị vua cũng nỗ lực tìm cách khắc phục thiên tai nhằm đem lại ấm no cho nhân dân.

Tác giả:
Lê Tiên Long
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Chương trình đào tạo kỹ năng quản lý hiệu quả trong thế giới VUCA

Chương trình đào tạo kỹ năng quản lý hiệu quả trong thế giới VUCA

Trong hai ngày 05-06/09 vừa qua, tại Sơn La đã diễn ra khóa đào tạo kỹ năng quản lý hiệu quả trong thế giới VUCA. Khóa học do Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngành nước Việt Nam (VWTC) phối hợp với Công ty CP Cấp nước Sơn La tổ chức.

VITRICHEM: Giao lưu thể thao hướng tới 55 năm Ngày Truyền thống ngành Hoá chất Việt Nam

VITRICHEM: Giao lưu thể thao hướng tới 55 năm Ngày Truyền thống ngành Hoá chất Việt Nam

Tiếp nối chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống ngành Hoá chất Việt Nam, Cán bộ công nhân viên (CBCNV) VITRICHEM đã tích cực tham gia chương trình giao lưu thể thao giữa các đơn vị thành viên khu vực phía Bắc do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tổ chức.

Nghe nhìn 26/08/2024
Nhựa Tiền Phong: Khánh thành 4 cây cầu nối yêu thương trong tháng Tám lịch sử

Nhựa Tiền Phong: Khánh thành 4 cây cầu nối yêu thương trong tháng Tám lịch sử

Cùng với nhiều hoạt động có ý nghĩa của các địa phương trong tháng Tám lịch sử, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) và nhóm Thiện nguyện Từ Tâm đã cùng chính quyền địa phương hai tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau khánh thành và đưa vào sử dụng 4 cây cầu trong chương trình Cầu nối yêu thương.

Doanh nghiệp 21/08/2024
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hoà tổ chức Lễ Vu Lan tại Hoa viên Bình Dương

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hoà tổ chức Lễ Vu Lan tại Hoa viên Bình Dương

Lễ Vu Lan tại Hoa viên Binh Dương là lễ hội thường niên do Công ty CP Đầu tư tư Xây dựng Chánh Phú Hoà (thuộc hệ sinh thái BIWASE) và Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương tổ chức, thu hút hàng ngàn du khách thập phương về dự thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Doanh nghiệp 19/08/2024
Giải thưởng Cán bộ trẻ ngành Nước 
Việt Nam 2024 bước vào phiên hội thảo đầu tiên

Giải thưởng Cán bộ trẻ ngành Nước Việt Nam 2024 bước vào phiên hội thảo đầu tiên

Ngày 16/8/2024 vòng thi thứ I thuộc Giải thưởng Cán bộ trẻ ngành Nước Việt Nam năm 2024 đã được diễn ra với hình thức trực tuyến.

Vietnam Water Week 2024: Phát triển ngành Nước Việt Nam - An ninh, An toàn, Hiệu quả và Hội nhập

Vietnam Water Week 2024: Phát triển ngành Nước Việt Nam - An ninh, An toàn, Hiệu quả và Hội nhập

Hội Cấp Thoát nước Việt Nam vừa công bố chủ đề chính thức của Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2024. Theo đó, "Phát triển ngành Nước Việt Nam - An ninh, An toàn, Hiệu quả và Hội nhập" sẽ là chủ đề của sự kiện năm nay.

Ông Nguyễn Văn Đàm được bầu làm Chủ tịch Chi hội Cấp Thoát nước Miền Trung - Tây Nguyên nhiệm kỳ 2024 - 2026

Ông Nguyễn Văn Đàm được bầu làm Chủ tịch Chi hội Cấp Thoát nước Miền Trung - Tây Nguyên nhiệm kỳ 2024 - 2026

Chiều 02/8/2024 tại thành phố Đà Nẵng, Đại hội lần thứ XII Chi hội Cấp Thoát nước miền Trung - Tây Nguyên nhiệm kỳ 2024 -2026 đã tiến hành đại hội, bầu Ban Chấp hành mới với 39 thành viên. Ông Nguyễn Văn Đàm, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp Thoát nước Khánh Hoà được bầu giữ chức Chủ tịch Chi hội.

Ra mắt CLB lãnh đạo nữ ngành Cấp Thoát nước Miền Trung - Tây Nguyên

Ra mắt CLB lãnh đạo nữ ngành Cấp Thoát nước Miền Trung - Tây Nguyên

Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và phát huy vai trò phụ nữ trong tổ chức, doanh nghiệp, với tôn chỉ “Vì sự tiến bộ của lãnh đạo nữ ngành Cấp Thoát nước Việt Nam”, ngày 02/8/2024, tại Đà Nẵng đã diễn ra lễ ra mắt Ban Chấp hành lâm thời CLB lãnh đạo nữ ngành Cấp Thoát nước Miền Trung - Tây Nguyên.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố Danh mục tạp chí ngành Xây dựng - Kiến trúc được tính điểm năm 2024

Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố Danh mục tạp chí ngành Xây dựng - Kiến trúc được tính điểm năm 2024

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công bố Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2024; trong đó có danh mục tạp chí ngành Xây dựng - Kiến trúc.

Top