Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nhưng qua đợt giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội mới đây cho thấy, để hoàn thành được mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền, doanh nghiệp và cả sự hợp tác của người dân.
Có 16 xã và 2 thị trấn với hơn 53 nghìn hộ dân, nhưng hiện nay, huyện Mê Linh mới chỉ có khoảng hơn 6 nghìn hộ được cấp nước sạch. Ngay cả ở 2 thị trấn Quang Minh và Chi Đông, vẫn còn khoảng 905 hộ chưa được sử dụng nước sạch. Với 16 xã còn lại, mới có 805 hộ trong tổng số hơn 47 nghìn hộ được cấp nước sạch.
Nói là nước sạch, nhưng nguồn nước được lấy từ Trạm cấp nước sạch xã Thanh Lâm, đã xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ XII. Trạm cấp nước này vẫn hoạt động được, nhưng tình hình hoạt động, bảng biểu chi tiết các thông số liên quan đến vận hành, chất lượng nước không được đảm bảo thường xuyên.
Tại huyện Gia Lâm, mặc dù tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt cao hơn nhiều so với Mê Linh, song vẫn còn những địa bàn “trắng” nước sạch. Cụ thể, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Văn Học, huyện có 2 thị trấn, 20 xã với tổng số dân khoảng hơn 270 nghìn người. Đến nay, 18/22 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch, chiếm hơn 70,1%. Chủ yếu nước được cấp là từ các trạm cấp nước cục bộ.
Cụ thể, có 5 công trình tập trung từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, 135... trong đó 2 công trình hoạt động ổn định, 3 công trình đang triển khai. 4 xã gồm Lệ Chi, Kim Sơn, Văn Đức, Trung Mầu vẫn “trắng” nước sạch.
Trong khi, một số xã mặc dù được tiếng là dùng nước sạch, nhưng tiến độ dự án chậm, hiện mới chỉ có một phần nhỏ hộ dân trong xã được dùng nước sạch như: Xã Ninh Hiệp 1.300/4.100 hộ (đạt khoảng 32%); xã Kim Lan cũng mới chỉ đạt 483 hộ/1.543 hộ (chiếm 31,3%); xã Đông Dư vẫn còn toàn bộ khu vực thôn 7 với hơn 200 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch…
Dường như, việc khát nước sạch là tình hình chung ở ngoại thành Hà Nội. Đơn cử, thời gian gần đây, người dân của 3 toà chung cư thuộc khu đô thị Tân Tây Đô, nằm trên địa bàn xã Tân Lập (Đan Phượng) phải căng băng rôn kêu cứu vì không có nước sạch. Theo lãnh đạo huyện Đan Phượng, do đầu tư trạm cấp nước trên địa bàn chậm tiến độ nên chủ đầu tư cấp I tự triển khai một trạm cấp nước cho khu đô thị.
Xây dựng xong, chủ đầu tư lại giao cho một đơn vị khác vận hành, dẫn đến tình trạng nước bị ô nhiễm, hàm lượng asen, amoni cao... không sử dụng được. Ngay cả người dân xã Tân Lập, hiện đang sử dụng nước từ Nhà máy cung cấp nước sạch xã Tân Lập của Công ty TNHH Long Long cũng muốn chuyển đổi sang nước sạch sông Đà vì lo chất lượng nước được xử lý từ nước ngầm. Theo báo cáo, trên địa bàn huyện, mới chỉ có gần 12 nghìn hộ dân được cấp nước sạch.
Tại nhiều huyện ngoại thành khác tình trạng thiếu nước sạch kéo dài và chưa có phương án khắc phục khả thi. Một số trạm xử lý và cấp nước sạch được xây dựng nhưng công suất rất nhỏ và chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn.
Tại huyện Đông Anh, nhiều xã có tỷ lệ hộ chăn nuôi cao nhưng cũng chưa có hệ thống nước sạch, người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan rất ô nhiễm. Hay như ở vùng ngập lụt thường xuyên như Chương Mỹ, người dân cũng không có nước sạch để sử dụng. Bà con vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, nước giếng khơi…
Cần doanh nghiệp nỗ lực và người dân hợp tác
Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, UBND TP đã tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn nước sạch, mạng lưới đường ống cấp nước, thống nhất về một đầu mối quản lý là Sở Xây dựng; đồng thời điều chỉnh chất lượng nước, đưa về một chỉ tiêu là nước sạch đô thị… Tính đến tháng 5/2018, TP đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án, bảo đảm khả năng đấu nối, cấp nước cho gần 52% người dân nông thôn sử dụng và tiếp cận nguồn nước sạch.
Nếu các dự án hoàn thành, sẽ nâng tổng số xã được cấp nước sạch lên 382/416 xã. Đến nay, có 12 dự án đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước đã hoàn thành thi công các tuyến ống truyền tải, phân phối cấp nước cho nhân dân khi có yêu cầu. Còn lại, một số dự án đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, thi công và cấp nước cho nhân dân khi đủ điều kiện.
Giám sát của Ban Đô thị HĐND TP cho thấy, nhiều dự án triển khai chậm, nguyên nhân là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; nhà đầu tư không đủ năng lực; việc bàn giao công trình Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp tiếp quản còn chậm. Như tại huyện Chương Mỹ mới có hơn 17.000 hộ được sử dụng nước sạch.
Hiện tại, đường ống cấp nước đấu nối mới phủ kín 19/32 xã, thị trấn; 13 xã còn lại đang chờ dự án nước sạch tại thị trấn Xuân Mai. Tuy nhiên, theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hạng mục nào.
Bên cạnh đó, còn có yếu tố nữa là khi đầu tư xong các hạng mục, nhưng người dân dùng ít, nên chủ đầu tư triển khai cầm chừng, chờ chính sách. Cụ thể, xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) được Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam triển khai xong 100% đường ống, nhưng đến nay chỉ có 120 hộ dân dùng nước; các xã, thị trấn: Đông Quang, Tản Lĩnh, Tây Đằng (huyện Ba Vì) được Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây đầu tư bao phủ mạng lưới, các hộ dân đã lắp đặt đồng hồ nhưng sử dụng nước sạch rất ít, có hộ chỉ dùng 1 đến 2 khối nước/tháng.
Là địa bàn mới có hơn 10% hộ dân được sử dụng nước sạch, ông Bùi Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, qua khảo sát của UBND huyện, người dân trên địa bàn đang hàng ngày mong sớm triển khai các dự án cung cấp nước sạch, rất ủng hộ khi các doanh nghiệp về triển khai lắp đặt các đường ống cấp nước. Vì thế, UBND huyện sẽ phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các dự án cấp nước trên địa bàn, tuyên truyền vận động người dân trong huyện sử dụng nước sạch.
Sau khi lựa chọn nhà thầu thi công, UBND huyện sẽ họp với các xã có dự án đi qua để vận động nhân dân ủng hộ không chỉ trong quá trình thi công mà trong cả khi sử dụng, bảo vệ đường ống suốt quá trình dự án cấp nước trên địa bàn. “Chúng tôi sẽ đồng hành với doanh nghiệp cấp nước sạch, thậm chí sẽ tổ chức kiểm tra sức khỏe cho người dân vào thời điểm trước và sau quá trình khi sử dụng nước sạch”, ông Quang nhấn mạnh.
Đối với những địa phương chưa mặn mà với nước sạch, nguyên nhân là do chất lượng nước chưa tạo được niềm tin đối với người dân. Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, do ở vùng nông thôn, người dân vẫn có thể sử dụng nước giếng khoan, nước mưa cho việc tắm, giặt; nước máy chỉ dùng để nấu ăn và uống nên số lượng dùng ít.
Một vấn đề khác cũng được ông Nguyễn Hữu Chi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên chỉ ra là việc người dân còn băn khoăn về khoản thu hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước của doanh nghiệp chưa đồng nhất. Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đề xuất, phải có chính sách khuyến khích, động viên các hộ dân trên địa bàn dùng nước sạch.
Thông qua các buổi giám sát, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, sẽ kiến nghị UBND TP các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng nước sạch, Ban Đô thị cũng sẽ kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành sớm rà soát các dự án; tạo điều kiện để các chủ đầu tư thực hiện dự án theo kế hoạch.
Đặc biệt, với một số chủ đầu tư thiếu năng lực, ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết, sau đợt giám sát này sẽ kiến nghị UBND TP kiên quyết thay các nhà đầu tư…, nhằm bảo đảm đến năm 2020, người dân toàn TP được sử dụng nước sạch.
Theo Cục quản lý tài nguyên nước