
Nhiệt độ
Nhiệt độ
Xin chào, User name
Tài khoản của tôi Hoạt động bình luận Tin đã lưu Tin đã xem Tin đã bình luận Đăng xuấtLà một chi lưu của sông Hồng, từng là con đường vận tải, giao thương từ Sơn Nam Hạ lên kinh đô cũng như từng xuất hiện với một hình ảnh thơ mộng trong thơ ca, sông Tô Lịch mang tên vị “tiên chỉ” của làng Long Đỗ, tiền thân của kinh thành Thăng Long, và cũng là vị thần được quan đô hộ phương Bắc phong làm thành hoàng của Thăng Long.
Theo bản đồ “Hồng Đức địa dư” thời vua Lê Thánh Tông (1490), thành Thăng Long được các sông bao quanh, sông Cái bên mặt Đông và sông Tô Lịch bên mặt Bắc và Tây.
Cái tên Tô Lịch có từ khi nào? Tập truyện thần thoại “Việt điện u linh tập” được tác giả Lý Tế Xuyên tập hợp đời Trần (thế kỷ XIV) có chuyện thành hoàng làng Long Đỗ là Tô Lịch. Lý Tế Xuyên đã dẫn lại các sách Trung Quốc như “Giao Châu ký” và “Báo cực truyện”, có ghi chuyện thời quân Tấn đang đô hộ nước ta (thế kỷ thứ VI), già làng của làng Long Đỗ là Tô Lịch là người đức độ, thương dân, gặp khi đói kém, thường hay đem hết thóc gạo trong nhà ra giúp dân.
Vì thế, sau khi qua đời, Tô Lịch được tôn làm thần của làng. Vì làng vốn có tên Long Đỗ, mà nhiều khi thần làng cũng được gọi bằng tên làng, nên Tô Lịch trở thành Thần Long Đỗ (Long Đỗ Thần Quân). Cũng từ đó con sông chảy qua làng mượn luôn tên gọi theo tên thần là Tô Lịch giang. Bộ sử nhà Lương, “Lương thư” cũng chép về chuyện thời Lý Nam Đế của nước ta cho xây tòa thành đầu tiên trên đất này, gọi tòa thành đó là “Tô Lịch giang thành” (thành sông Tô Lịch).
Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” của nước ta chép về câu chuyện thời nhà Đường đô hộ, năm 824, vào tháng 11, viên Đô hộ Lý Nguyên Gia thấy trước cửa thành có dòng nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, nên đã dời sở lỵ đến đóng ở vị trí thành Thăng Long sau này.
Các nhà chép sử cũng chú giải thêm: “Bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị đến sông Tô Lịch, mới đắp thành nhỏ thôi, có người thầy tướng bảo rằng: Sức ông không đắp nổi thành lớn, sau 50 năm nữa ắt có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ. Đến đời Hàm Thông (860-874), Cao Biền đắp thêm La Thành, đúng như lời người ấy”.
Vì sao Lý Nguyên Gia lại thấy nước chảy ngược? Lần tìm về các dấu vết địa chất để lại, các nhà khoa học đã xác định, sông Tô Lịch xưa có hai nhánh, nối từ phía Bắc Hồ Tây, một nhánh chảy theo hướng đường Phan Đình Phùng ngày nay ra sông Hồng ở phía gần chợ Gạo, gọi là cửa Giang Khẩu, sau này đến đời Lê trung hưng, vì kiêng tên chúa Trịnh Giang nên đổi là cửa Hà Khẩu.
Nhánh sông nối từ Đông sang Tây, qua Hồ Khẩu (thông với Hồ Tây) có thêm nhánh sông Thiên Phù nhập vào. Từ ngã ba sông Thiên Phù ở gần Bưởi, sông Tô Lịch xưa chảy theo dòng sông Tô Lịch ngày nay ven đường Láng về phía Hà Tây xưa, đổ ra sông Đáy.
Bình thường, nhánh sông phía trên đưa nước từ Hồ Tây ra sông Hồng. Khi nước sông Hồng lên to, nước lại dâng từ sông ngược vào Hồ Tây, do đó, Lý Nguyên Gia mới sợ hiện tượng “nước chảy ngược” và quan niệm như thế dân chúng khó bề cai trị.
Tiếp đến thời đô hộ Cao Biền (được biết đến như một nhà phù thủy – phong thủy có tiếng của Trung Quốc) vào nhà Đường (khoảng năm 866), có một câu chuyện huyền sử ly kỳ khác liên quan đến vị thần sông Tô Lịch.
Đó là sự tích về cuộc cạnh tranh giữa vị thần bản địa với kẻ cai trị ngoại bang, để rồi chiến thắng thuộc về vị thần đất Long Đỗ, khiến phía cai trị phải công nhận vị thế của thần bằng cách xây dựng ngôi đền Bạch Mã ngày nay, là “Đông trấn linh từ” của thành Đại La, mà vị thần được tôn sùng vẫn còn được khắc ghi bằng văn bản là “Long Đỗ Thần Quân Quảng Lợi Bạch Mã đại vương”.
Sông Tô Lịch nhiều lần được ghi trong chính sử Việt Nam. Như thời Lý Thái Tông, năm Thông Thụy năm thứ 2 (1035), “Toàn thư” có ghi việc nhà vua “Xuống chiếu bắc cầu Thái Hòa ở sông Tô Lịch. Tháng 9, cầu bắc xong, vua ngự đến xem, sai các quan hầu làm thơ”. Tuy nhiên, ngày nay ta không biết vị trí cầu Thái Hòa thời Lý nằm ở đoạn nào của sông Tô Lịch.
Đến đời vị vua nổi tiếng ăn chơi là Trần Dụ Tông, sử cũng viết nhà vua sai tư nô cày một miếng đất ở bên bờ bắc sông Tô Lịch để trồng hành, tỏi rau dưa đem bán, gọi tên phường ấy là Vườn Tỏi. Các nhà chép sử đời Lê chú thích “phường Toán Viên đến nay vẫn còn”. Hai bài thơ trong “Lã Đường di tập” của Thái Thuận (danh sĩ thời Lê sơ, từng giữ cương vị “Tao Đàn phó nguyên súy” trong Hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập) nói về phường Toán Viên đều nhắc đến Cửa Bắc kinh thành và Hồ Tây.
Sang thời Nguyễn, các bản đồ Thăng Long thời vua Gia Long, hay trong “Đồng Khánh địa dư chí” đều thể hiện sông Tô Lịch vây quanh kinh thành, với nhánh phía Bắc vẫn được vẽ rõ cửa thông ra sông Hồng.
Như vậy, có thể nhận thấy, từ thời Nguyễn về trước, sông Tô Lịch đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với thành Thăng Long, không chỉ về mặt địa lý, mà còn cả trong các vấn đề truyền thống, văn hóa và đã đi vào thần thoại dân gian.
Bộ “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn (soạn giữa thế kỷ XIX) đã viết: “Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ”.
Con đường thông thương và “tứ giác nước” bao giờ trở lại?
Theo những tài liệu để lại đến nay, bên cạnh sông Hồng, sông Tô Lịch cũng là một con đường giao thông, vận tải quan trọng đối với thành Thăng Long. Thời cửa sông thông với sông Hồng còn chưa bị lấp, sông Tô vẫn nước đầy ắp, trên bến dưới thuyền tấp nập. Do đó mới có câu ca dao:
Nước Sông Tô vừa trong vừa mát,
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh...
Đường giao thông quan trọng này có lượng phù sa khá lớn, khiến việc bồi lắng ở các cửa phân lưu ngày càng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến đời sống các phân lưu. Do đó, chính sử các đời Lý – Trần – Lê đều chép một số lần dân kinh thành phải khơi vét lòng sông Tô Lịch.
Nhánh sông Tô phía Nam nối từ sông Nhuệ lên gắn với rất nhiều làng nghề thủ công, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu của xứ Sơn Nam, hay xa hơn là vùng Thanh, Nghệ, cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của cư dân Thăng Long. Thời xưa, đường bộ rất nhỏ hẹp, lại bị chặn lại bởi các sông lớn, giao thông, vận tải bằng thuyền nhỏ là thuận tiện nhất.
Tuy nhiên, đến thời Nguyễn, vào cuối thế kỷ XIX, do biến đổi tự nhiên, cửa sông Tô Lịch bị bồi tụ, nước sông Hồng không vào được, nên dần dần sông Tô mất đi vị thế đường thủy. Đến năm 1889, người Pháp đã lấp một phần sông Tô đoạn song song với tường thành Thăng Long phía Bắc để quy hoạch ra khu vực 36 phố phường hiện nay.
Dấu tích của con sông cũ vẫn còn lưu rõ, như phố Hàng Lược có tên cũ là phố Sông Tô Lịch vì gần như trọn cả con phố nằm trên dòng sông. Phố Nguyễn Siêu và Ngõ Gạch vẽ lên một đường cong mềm mại cũng nằm trên chính dòng sông cổ. Ở cửa sông Tô, phố Chợ Gạo chính là dấu tích của bến tập kết gạo, chợ bán gạo nổi tiếng một thời.
Theo Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, khi chưa bị lấp, sông Tô Lịch giúp hình thành mạng lưới giao thông thủy rất thuận lợi, khiến thuyền bè có thể từ sông Đáy vào sông Nhuệ rồi “lên Kinh” bằng sông Tô, hoặc ngược lại, từ “quân cảng” (Đông Bộ Đầu) và “thương cảng” (cửa sông Tô) trên sông Hồng, qua sông Tô, sang sông Nhuệ rồi xuôi sông Đáy mà ra biển.
Theo ông, nhờ được nước sông Hồng nuôi dưỡng nên sông Tô thời đó rất sống động, thuận tiện. Cửa sông là thương cảng, từ đó thành lập phường Giang Khẩu với chợ Đông Bạch Mã và các vạn làng lần lượt mọc dựng. Cuối thế kỷ XIV, quân Chiêm Thành xâm lược Thăng Long đã đưa thuyền chiến vào bến Thái Tổ trên sông Tô Lịch. Dĩ nhiên thời đó sông Tô phải khá sâu và rộng.
Chính Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đưa ra khái niệm "tứ giác nước" của kinh thành Thăng Long, với sông Tô Lịch là một yếu tố quan trọng. Theo đó cạnh phải của “tứ giác nước” này là sông Hồng, cạnh đáy dưới là sông Kim Ngưu, còn cạnh trái cùng cạnh trên đều là sông Tô Lịch (trước khi sông bị người Pháp lấp).
Do đó, ca dao xưa đã có ghi nhận đầy đủ các “thành tố nước” xung quanh kinh thành xưa này:
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này
Khen ai khéo họa dư đồ
Trước sông Nhị Thủy, sau hồ Hoàn Gươm
Trong bài viết “Quy hoạch Thăng Long”, Giáo sư Trần Quốc Vượng viết rằng, Hà Nội có đặc trưng của thành phố sông (ville – fleuve), nó là thành phố ngã ba sông, nếu lấy cả hai dòng Nhị Hà - Tô Lịch làm hệ quy chiếu, làm trục chủ đạo, hoặc là thành phố một bờ sông (bờ phải) nếu chỉ lấy một sông Nhị làm hệ quy chiếu, làm trục chủ đạo chính yếu. Do đó, ông cho rằng, phải xem xét về Nhị Hà – Tô Lịch, yếu tố trước tiên để tạo nên cá tính của Hà Nội.
Ngày nay, sông Tô Lịch chỉ còn lại đoạn từ điểm nối đường Bưởi với đường Hoàng Quốc Việt, xuôi theo đường Bưởi, đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam, Tây Nam rồi ngoặt sang phía Đông Nam và đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì.
Với chiều dài khoảng 14 km, ngày nay Tô Lịch chỉ còn là hệ thống thoát nước thải của thành phố, mỗi ngày hứng khoảng 150.000 m3 nước thải từ các khu dân cư. Những năm cuối thế kỷ XX, sông luôn chịu cảnh ô nhiễm, dòng nước đen kịt, bốc mùi khó chịu. Gần đây, Hà Nội đã và đang thực hiện cải tạo môi trường sông Tô Lịch, nên tình trạng ô nhiễm có giảm bớt nhưng chưa triệt để.
Lúc sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng luôn bày tỏ niềm mong muốn được nhìn thấy dòng sông Tô Lịch hồi sinh, trong trẻo.
Ngày nay, nhìn lại những di sản của sông Tô Lịch trong quá khứ, những người yêu Hà Nội đều có chung mơ ước sông Tô Lịch trở lại trong mát như thuở xưa, để đi dọc bờ sông, ngắm nhìn những tòa cao ốc hiện đại đan xen các di tích, thắng cảnh trải dài suốt hai ven bờ từ các làng Láng, Mọc, Thượng Đình, Hạ Đình, Kim Giang, Thanh Liệt… soi bóng xuống dòng sông lịch sử.
Theo CNN, đảo quốc Nauru ở Thái Bình Dương đã quyết định khởi xướng sáng kiến "hộ chiếu vàng" với mục đích gây quỹ tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngày 11/3/2025, Công ty CP Cấp Thoát nước Khánh Hòa phát thông báo cảnh báo về tình trạng mạo danh nhân viên để lừa đảo khách hàng.
Liên Hợp Quốc công bố 2025 là Năm quốc tế bảo tồn sông băng, kèm theo tuyên bố Ngày nước thế giới năm nay có chủ đề Bảo tồn các dòng sông băng. Đây là dịp nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò của sông băng, tuyết và băng đối với khí hậu và chu trình thủy văn, cũng như tác động kinh tế, xã hội, môi trường.
Ngày 10/3/2025, đoàn công tác của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) do Chủ tịch Nguyễn Ngọc Điệp dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị.
Chuyên gia cho rằng, phá dỡ tòa nhà “Hàm cá mập” làm cho tầm nhìn từ khu vực phố cổ ra hồ Gươm rộng hơn rất nhiều, đồng thời cần nghiên cứu xây dựng các công trình ngầm để tạo thành một không gian tổng thể.
Sau một thập kỷ xây dựng, dự án "siêu cống" Thames Tideway của London cuối cùng đã hoàn thành. Hệ thống cống ngầm quy mô lớn này, với chi phí đầu tư đạt 5 tỷ bảng Anh (tương đương 6,3 tỷ USD), hứa hẹn sẽ cách mạng hóa hệ thống xử lý chất thải của thành phố.
Ngày 22/2/2025, tại Phú Thọ, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng ngành nước Việt Nam (thuộc Hội Cấp Thoát nước Việt Nam) đã chủ trì tổ chức lớp tập huấn về một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng.
Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội nước Hungary vừa có buổi gặp gỡ, bàn bạc kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.
Ngày 21/2/2025, Lãnh đạo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) chủ trì cuộc họp nhằm phân công và chuẩn bị cho Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 tới đây.