Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn

Đánh giá những yếu tố dễ bị tổn thương trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở Tây Nam Hà Tiên

17/05/2022 16:23

Khi nước sông Mekong về hạ nguồn suy giảm, lúa và nuôi trồng thủy sản là hai ngành bị thiệt hại nặng nhất, và cũng là hai yếu tố dễ bị tổn thương ở Tây Nam Hà Tiên.


Tóm tắt:

Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với khu vực về an ninh lương thực và phát triển kinh tế xã hội; tuy nhiên, nó là một trong những khu vực trũng thấp và đông dân cư nhất trên thế giới. Nó dễ bị tác động bởi nước biển xâm thực, rủi ro lũ lụt và thay đổi đường bờ biển, trầm trọng hơn do hậu quả của nước biển dâng, suy giảm nguồn nước... liên quan đến biến đổi khí hậu. Chúng tôi chọn vùng Tây Nam Hà Tiên (bao gồm 4 đơn vị hành chính là thành phố Hà Tiên và các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương) với nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản vì đây là hai trong nhiều yếu tố dễ bị tổn thương nhất ở vùng Tây Nam Hà Tiên khi xảy ra vấn đề suy giảm lượng nước sông Mekong. Phương pháp khung khái niệm Bogardi, Birkman 2004 và Cardona 1999-2001 (BBC) được sử dụng để xem xét tính dễ bị tổn thương của kinh tế, xã hội và môi trường. Kết quả đánh giá dựa vào khung BBC cho thấy lúa và các loài thủy sản nuôi trồng là hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất và cũng là hai yếu tố dễ bị tổn thương khi nguồn nước sông Mekong bị suy giảm lưu lượng.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam, với nhiều vùng trũng thấp, bờ biển dài và hẹp, dân số đông và tốc độ phát triển kinh tế nhanh, được coi là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bởi vì nó có khoảng 730 km bờ biển, bao gồm bảy tỉnh ven biển có đông dân cư. ĐBSCL rất dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH - chủ yếu, nhiệt độ tăng và lượng mưa thường xuyên hơn - cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chế độ thủy văn. Ngoài ra, sản xuất thủy điện đang nhanh chóng mở rộng ở khu vực sông Mekong, với số lượng ngày càng tăng các hồ chứa thủy điện đang được quy hoạch và xây dựng ở các vùng thượng nguồn của đồng bằng [1,2]. Hoạt động của các hồ chứa đã làm dấy lên những lo ngại về việc thay đổi chế độ dòng chảy [1,3,4] và một loạt các tác động thứ cấp nhưng quan trọng khác đối với môi trường như ô nhiễm đất và nước, sụt lún đất và xói mòn bờ sông [4]. Những điều này đã làm trầm trọng thêm sinh kế của nhiều người dân nông thôn. Nhiều nghiên cứu đã đánh giá tính dễ bị tổn thương của sinh kế dưới tác động của biến đổi khí hậu và áp lực môi trường. Viện Nghiên cứu Phát triển (2017) phân tích tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cấp cộng đồng, cấp khu vực và quốc gia nhằm nỗ lực tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Trong dự án Nghiên cứu về các tác động và thích ứng của BĐKH tại khu vực ĐBSCL, ADB đã phân tích năm lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là dân số, nghèo đói, nông nghiệp-sinh kế, công nghiệp-năng lượng và định cư đô thị-giao thông vận tải và xây dựng bản đồ tính dễ bị tổn thương.

Kiên Giang, một trong những tỉnh ven biển của ĐBSCL, trong đó, vùng Tây Nam Hà Tiên dự đoán là một trong những nơi có nguy cơ dễ bị tổn thương cao. Toàn vùng Tây Nam Hà Tiên chỉ có một con sông Giang Thành (27,5 km) chảy qua và hệ thống kênh rạch chủ yếu để tiêu nước về mùa lũ và giao thông đi lại, đồng thời có tác dụng tưới nước vào mùa khô. Đất đai ở vùng Tây Nam Hà Tiên thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong sản xuất nông nghiệp, phần lớn vẫn còn độc canh cây lúa và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên và thời tiết khí hậu, trong đó có nguồn nước. Bên cạnh đó, phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Kiên Giang có bước phát triển, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản. Một số ít các nhà doanh nghiệp có vốn lớn đầu tư vào nuôi tôm sú và các loài thủy sản khác biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên thu được lãi, còn phần lớn người nông dân sản xuất tôm sú theo phương pháp quảng canh thì rất may rủi, tính dễ bị tổn thương rất cao. Đặc biệt, trong giai đoạn BĐKH hiện nay, theo “Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam” năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy vào cuối thế kỷ 21 [5], theo kịch bản RCP8,5 nhiệt độ ở phía Nam có thể tăng 3,0÷3,5 oC; lượng mưa tăng nhiều nhất có thể trên 20%; số lượng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế tăng; gió mùa mùa hè có xu thế bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Mưa trong thời kỳ hoạt động của gió mùa có xu hướng tăng. Số ngày nắng nóng (nhiệt độ ≥ 35oC) có xu thế tăng ở Nam Bộ. Mực nước biển dâng ở khu vực ven biển từ Mũi Cà Mau - Kiên Giang có mực nước biển dâng cao nhất là 75 cm (52cm ÷ 106 cm). Về chuyển dịch nâng hạ giữa các khối địa động lực cho thấy khối cấu trúc địa động lực Hà Tiên - Kiên Hải có dấu hiệu hạ tuyệt đối với vận tốc 8,9 mm/năm. Từ những kết quả dự báo BĐKH, vùng Tây Nam Hà Tiên hiện nay cũng đã có một số biểu hiện rõ ràng, cụ thể là vào mùa mưa làm gia tăng lũ lụt còn trong mùa khô làm sụt giảm lượng nước mặt đi kèm với xâm nhập mặn [6] làm ảnh hưởng đến nguồn sinh kế của người dân, cụ thể là sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy việc nghiên cứu đánh giá những yếu tố dễ bị tổn thương trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở vùng Tây Nam Hà Tiên do suy giảm lượng nước sông Mekong là rất cần thiết nhằm cung cấp thông tin cho các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phục vụ kế hoạch và quy hoạch ngành sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trước bối cảnh nguồn nước sông Mekong bị sụt giảm mạnh.

2. Khu vực nghiên cứu

Vùng Tây Nam Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang gồm 4 đơn vị hành chính là thành phố Hà Tiên và các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương với tổng diện tích là 2.454,3 km2 và dân số đến năm 2018 là 353.969 người [7].

Vùng này có địa hình đa dạng gồm bờ biển, nhiều sông kênh rạch và đồi núi thấp. Phần đất liền tương đối bằng phẳng, có hướng thấp dần theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Vùng Tây Nam Hà Tiên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm. Mưa, bão tập trung vào từ tháng 8 đến tháng 10 với lượng mưa trung bình hàng năm là 2.146,8 mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26,4°C đến 28°C, tháng lạnh nhất là tháng 12 [7]; Vùng này không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng mưa do bão chiếm một tỷ lệ đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa. Ðiều kiện khí hậu thời tiết có nhiều thuận lợi cơ bản như: ít thiên tai, không rét, không có bão đổ bộ trực tiếp, ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào, nên rất thích hợp cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi sinh trưởng.

Theo điều tra của Viện Hải dương học Nha Trang vùng biển Tây Nam Hà Tiên có nguồn thức  ăn tự nhiên phong phú cung cấp cho các loài hải sản cư trú và sinh sản, là ngư trường khai thác lớn của tỉnh Kiên Giang. Vùng biển này hàng năm đánh bắt được khoảng 40% sản lượng hải sản của toàn tỉnh Kiên Giang.

Đất đai ở vùng Tây Nam Hà Tiên thuận lợi cho việc phát triển nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích đất tự nhiên toàn vùng là 202.119,4ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 156.190,3 ha, chiếm 77,3% diện tích đất tự nhiên, và diện tích đất nuôi trồng thủy sản là 17.625,5 ha, chiếm 8,7% diện tích đất tự nhiên. Nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước (vụ Mùa, vụ Đông xuân, vụ Hè thu và vụ Thu đông), ngoài ra còn trồng các loại cây ăn trái, rau màu như dưa hấu, khoai lang, khoai mì, bắp, gừng; rau đậu các loại... Thủy sản chủ yếu là tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến, tôm công nghiệp và bán công nghiệp, các loại cá nước ngọt và nước lợ...

Xâm nhập mặn ở mức tối đa xảy ra trong mùa khô khi có giảm dòng chảy của nước ngọt trong các kênh rạch và sông từ lượng mưa và sông Mekong. Độ mặn 4,0 g/l xâm nhập vào các sông, kênh chưa có công trình ngăn mặn khi triều cường và giảm khi triều thấp. Khu vực bị ảnh hưởng là ven sông Cái Lớn từ biển trở vào đến các xã Thủy Liễu, Thới Quản, Vĩnh Phước A, Vĩnh Phước B, thị trấn Gò Quao huyện Gò Quao; xã Thạnh Yên, Hòa Chánh huyện U Minh Thượng; sông Cái Bé đến các xã Bình An, Minh Hòa huyện Châu Thành; độ mặn từ sông Cái Bé qua Vàm Bà Lịch có thể ảnh hưởng đến các xã Mong Thọ B, Giục Tượng, Thạnh Lộc huyện Châu Thành. Độ mặn 1,1g/l tại các kênh K2, K3, K4, K6 đoạn thuộc xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương [8]. Tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp nên diễn diễn biến xâm nhập mặn cũng khá phức tạp và có xu hướng gia tăng trong tương lai.

ĐÁNH GIÁ  NHỮNG YẾU TỐ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở VÙNG TÂY NAM HÀ TIÊN - Ảnh 1.

Hình 1. Bản đồ khu vực Tây Nam Hà Tiên – tỉnh Kiên Giang [9]

3. Phương pháp nghiên cứu

Việc sử dụng các chỉ số trong đánh giá tính dễ bị tổn thương có thể giúp ưu tiên các khu vực, lĩnh vực hoặc nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức và là một phần của chiến lược giám sát. Cho đến nay, vẫn chưa có khuôn khổ hoặc phương pháp luận nhất quán để phát triển các chỉ số về tính dễ bị tổn thương để định lượng và so sánh mức độ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ở các quy mô thay đổi về mặt không gian. Khái niệm dễ bị tổn thương đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý và giảm nhẹ thiên tai lũ lụt, hạn hán, thiếu nguồn nước. Đánh giá tính dễ bị tổn thương được coi như là một hệ thống nhằm phân tích các tai biến rủi ro nội, ngoại sinh của hệ thống. Điều này không ngoài mục đích tìm cách tăng khả năng phục hồi của xã hội thông qua việc tìm biện pháp tăng khả năng chống chịu của những thành phần dễ bị tổn thương. Có hai hướng tiếp cận chính để đánh giá tính dễ bị tổn thương: các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên thường chú trọng vào khái niệm rủi ro (risk), trong khi các nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội thường nhắc đến thuật ngữ tính dễ bị tổn thương (vulnerability). Khái niệm tính dễ bị tổn thương được các nhà khoa học xã hội gắn với nhóm các yếu tố kinh tế - xã hội và xác định khả năng của cộng đồng trong việc chống chọi với hiện tượng thiên tai. Đối với khoa học tự nhiên, như các nhà khoa học về khí hậu lại thường xem khái niệm tính dễ bị tổn thương là khả năng xuất hiện và các tác động tiềm tàng của các hiện tượng thời tiết và khí hậu có liên quan. Cần có một phương pháp luận nhất quán để đánh giá tính dễ bị tổn thương của địa điểm nghiên cứu, đặc biệt là đối với các khu vực ven biển [10]. Sơ đồ khái niệm về đánh giá tính dễ bị tổn thương đã được phát triển cho dự án này (Hình 2).

Khung khái niệm của BBC cho thấy có hai lựa chọn để giảm mức độ dễ bị tổn thương (t = 0) và (t = 1) (Hình 2). Lựa chọn thứ nhất là đề phòng trước khi rủi ro xảy ra do thiên tai hoặc thảm họa cụ thể (t = 0), trong khi đó lựa chọn thứ hai liên quan đến phản ứng cần thiết khi có rủi ro do thiên tai gây ra hay trong các thảm họa cụ thể (t = 1). Mặc dù trong quá trình quản lý thảm họa khẩn cấp thì các đơn vị ứng phó thảm họa đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu những tổn thương và cần chú trọng đặc biệt đến các phản ứng trong (t = 0), do đó sẽ tập trung vào sự chuẩn bị thay vì xử lý thảm họa và quản lý khẩn cấp.

ĐÁNH GIÁ  NHỮNG YẾU TỐ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở VÙNG TÂY NAM HÀ TIÊN - Ảnh 2.

Hình 2. Minh họa khung khái niệm tính dễ bị tổn thương BBC (BOGARDI – BIRKMANN – CARDONNA) 2001-2004 [10,11,12,13,14]

Thuật ngữ “BBC” được liên kết bởi các khái niệm của 3 nhà khoa học kinh tế và môi trường Bogardi, Birkmann (2004) và Cardona (1999 và 2001). Khung BBC phân tích tính dễ bị tổn thương trong thực tế để đánh giá được những thiếu sót từ các thảm họa do thiên tai trong quá khứ gây ra nhưng chưa được đề cập đến. Khung này nhấn mạnh sự cần thiết phải xem tính dễ bị tổn thương trong một quy trình (động), có nghĩa là tập trung đồng thời vào tính phơi nhiễm, tính nhạy cảm và khả năng đối phó chống chịu cũng như các công cụ can thiệp tiềm năng để làm giảm khả năng thiệt hại (hệ thống vòng phản hồi).

Khung khái niệm BBC có nhiều vấn đề phù hợp với nghiên cứu tính dễ bị tổn thương trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở vùng Tây Nam Hà Tiên nên đã chọn khung khái niệm BBC làm cơ sở để nghiên cứu, trong đó thực thể kinh tế là phân tích, đánh giá những thiệt hại về  nông nghiệp như lúa và các loại nông sản khác, thực thể về xã hội là phân tích, đánh giá sinh kế của người dân như công ăn việc làm, thu thập, đời sống của họ và thực thể về môi trường là phân tích, đánh giá hạn hán, thiếu nguồn nước do tác động của BĐKH hay do tác động của con người trên các đập thủy điện ở thượng nguồn. Cả ba thực thể này có sự tương quan mật thiết với nhau không thể được tách rời bất kỳ một thực thể nào.

Từ phương pháp tính trọng số sẽ nghiên cứu thiết lập bộ chỉ số riêng của tính dễ bị tổn thương trong nông nghiệp và NTTS theo những điều kiện ở vùng Tây Nam Hà Tiên, trong đó chỉ số dễ bị tổn thương được xác định như là hàm số của các biến: Sự suy giảm nguồn nước thượng nguồn sông Mekong, xâm nhập mặn, mức độ phơi nhiễm, mức độ nhạy cảm của từng vùng và khả năng thích ứng hoặc chống chịu của từng cộng đồng, địa phương…

Ktt = f(h,S,m,R,E,A, Đ)

Trong đó:

Ktt: Chỉ số của tính dễ bị tổn thương;

h: Tổng lưu lượng nước sông Hậu qua Châu Đốc vào mùa khô;

S: Độ mặn;

R: Mức độ phơi lộ (*)

E: Mức độ nhạy cảm (**) 

A: Khả năng thích ứng hoặc chống chịu (***)

m: Những thiệt hại về lúa, các loài thủy sản như tôm, cá;

Đ: Chỉ số về đời sống của người dân 

Trong đó: 

(*) Mức độ phơi nhiễm được định nghĩa khả năng của một vùng hay một cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tổn thương do thiếu nguồn nước ngọt, hạn hán và xâm nhập mặn. Điều này được xác định bởi phạm vi dự báo của hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng Tây Nam Hà Tiên.

(**) Mức độ nhạy cảm: chỉ mức độ mà một hệ thống bị ảnh hưởng, cả tiêu cực và tích cực do BĐKH gồm có nhiều biến là trung bình, cực trị và tính khả biến. Đây là biểu hiện của hệ thống xã hội vùng Tây Nam Hà Tiên thông qua các hoạt động sống của  người dân do thiếu nguồn nước ngọt, hạn hán, gồm 4 thành phần: nhân khẩu, sinh kế, lúa, thủy sản và môi trường.

(***) Khả năng thích ứng hoặc chống chịu là đo lường khả năng hiện tại của hệ thống xã hội vùng Tây Nam Hà Tiên trong việc chịu đựng, hấp thu và phục hồi từ các tác động của việc thiếu nguồn nước ngọt, hạn hán vào mùa khô bằng cách nhanh chóng bảo toàn hoặc khôi phục lại cấu trúc, chức năng, tính chất căn bản của toàn vùng. Đây được xem là phản ứng của cộng đồng hay khu vực trước tai biến do thiếu nguồn nước ngọt, hạn hán nhằm hạn chế tính dễ bị tổn thương từ sự suy giảm nguồn nước sông Mekong.

Sau khi thiết lập bộ tiêu chí sẽ tính toán và kiểm định bộ chỉ số của tính dễ bị tổn thương: Thực hiện tính toán và kiểm định bộ chỉ số của tính dễ bị tổn thương cho vùng Tây Nam Hà Tiên trong đó sẽ điều tra, thực địa rà soát lại tại hiện trường để hiệu chỉnh nhằm hoàn thành bộ chỉ số phù hợp nhất với những điều kiện tại từng địa phương của khu vực nghiên cứu.

Phân tích, đánh giá tính dễ bị tổn thương theo bộ chỉ số: Từ kết quả xây dựng bộ chỉ số của tính dễ bị tổn thương cho vùng Tây Nam Hà Tiên vì thiếu nguồn nước ngọt,  vào mùa khô do suy giảm nguồn nước sông Mekong, sẽ phân vùng các khu vực dễ bị tổn thương, phân tích đánh giá theo từng địa phương, trong đó sẽ đánh giá các chỉ số tính dễ bị tổn thương theo dân số, theo sản xuất nông nghiệp, NTTS, đói nghèo và sinh kế của từng vùng dựa theo bộ tiêu chí đã được xác lập ở trên.    

4. Kết quả và thảo luận

Kinh tế các huyện, thành phố thuộc vùng Tây Nam Hà Tiên chủ yếu là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang [15], diện tích trồng lúa của toàn vùng từ 2010 đến 2018 tăng 65.039 ha, từ 215.491 ha lên 280.530 ha, sản lượng lúa tăng 171.626 tấn, diện tích NTTS tăng 1.912 ha từ 1.032 ha lên 2.944 ha và sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 3.840 tấn. Nông nghiệp gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên do khu vực ĐBSCL trong đó có Kiên Giang không có hồ chứa trữ nước. Vì vậy khi mùa khô, lượng mưa rất ít và tổng lượng nước sông Hậu qua Châu Đốc bị giảm mạnh thì sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh.

Theo tài liệu của Ủy ban quốc tế sông Mekong của Việt Nam [16], năm 2015 là năm hạn hán nhất với tổng lưu lượng tại Châu Đốc chỉ có khoảng 51,9 tỷ m3, năm 2016 là 61,2 tỷ m3 còn các năm khác tổng lượng nước dao động trong khoảng từ 70,3 đến 98,2 tỷ m3. Tổng lưu lượng nước qua Châu Đốc năm 2010 là 84,11 tỷ m3, năm 2011 là 98,2 tỷ m3 và năm 2018 là 80,5 tỷ m3

Tổng lưu lượng nước qua Châu Đốc năm 2018 giảm đi khoảng 3,61 tỷ m3 nếu so với năm 2010 và giảm 17,7 tỷ m3 nếu so với năm 2011. Việc sụt giảm lưu lượng nước đã tác động đáng kể đến các hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản vùng Tây Nam Hà Tiên, cụ thể là trồng lúa nước, nuôi tôm và cá.

ĐÁNH GIÁ  NHỮNG YẾU TỐ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở VÙNG TÂY NAM HÀ TIÊN - Ảnh 3.

a)

ĐÁNH GIÁ  NHỮNG YẾU TỐ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở VÙNG TÂY NAM HÀ TIÊN - Ảnh 4.

b)

ĐÁNH GIÁ  NHỮNG YẾU TỐ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở VÙNG TÂY NAM HÀ TIÊN - Ảnh 5.

c)

Hình 3. Phân tích hồi quy giữa (a) năng suất lúa (tạ/ha), (b) năng suất tôm lúa và tôm quảng canh cải tiến (tạ/ha), (c) năng suất cá nuôi (tạ/ha) với lưu lượng nước qua Châu Đốc (tỷ m3)

Chúng tôi tiến hành điều tra, thu thập và thống kê số liệu vùng Tây Nam Hà Tiên giai đoạn 2010-2018 (Hình 4). Kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích trồng lúa năm 2010 của toàn vùng là 215.491 ha và sản lượng là 1.213.677 tấn thì năng suất bình quân là 5,6 tấn/1ha; Với tổng lưu lượng nước năm 2018 là 80,5 tỷ m3 (giảm 3,61 tỷ m3), khi diện tích trồng lúa năm 2018 là 280.530 ha với sản lượng là 1.291.515 tấn thì năng suất bình quân là 4,6 tấn/ha. Vì vậy có thể thấy rằng khi tổng lưu lượng nước sông Mekong qua Châu Đốc giảm xuống 3,61 tỷ m3 thì năng suất lúa tại vùng Tây Nam Hà Tiên giảm mất 1 tấn/1ha. Hình 3a cho thấy mối quan hệ tương quan thuận giữa năng suất lúa và lưu lượng nước qua Châu Đốc, khi lưu lượng nước giảm thì năng suất lúa cũng giảm và ngược lại.

Đối với nuôi tôm lúa và tôm lúa quảng canh cải tiến, diện tích nuôi năm 2010 là 7.102 ha và năng suất là từ 0,97 tạ/ha đến 8,32 tạ/ha (tùy địa phương). Trong khi năm 2018, diện tích nuôi toàn vùng là 12.694 ha thì năng suất từ 0,23 đến 0,32 tạ/ha. So với năm 2010 năng suất năm 2018 giảm mạnh, nhưng diện tích nuôi tăng thêm 5.592 ha. Năng suất là quá thấp so với vùng diện tích nhiều ha đất nuôi tôm đã được đầu tư. Hình 3b cho thấy mối tương quan giữa năng suất nuôi tôm lúa và tôm lúa quảng canh cải tiến với lưu lượng nước qua Châu Đốc, khi lưu lượng nước tăng thì năng suất cũng tăng và ngược lại.

Với diện tích nuôi cá năm 2010 của toàn vùng là 995 ha và năng suất là từ 12,8 tạ/ha đến 122,3 tạ/ha (tùy địa phương). Trong khi, diện tích nuôi năm 2018 của toàn vùng là 1.230 ha và năng suất chỉ đạt từ 8,67 tạ/ha đến 33 tạ/ha (tùy địa phương). So với năm 2010 diện tích nuôi cá năm 2018 tăng 235 ha, nhưng năng suất lại giảm. Phân tích tương quan giữa diện tích nuôi cá và lưu lượng nước qua Châu Đốc ở Hình 3c cho thấy có sự tương quan thuận, nghĩa là khi lưu lượng nước tăng thì năng suất tăng và ngược lại.

Hình 3a, 3b và 3c cho thấy có sự tác động của lưu lượng nước đến năng suất lúa, năng suất tôm lúa và tôm quảng canh cải tiến; và năng suất cá nuôi. Dựa vào hệ số tương quan R2 có thể thấy cây lúa là yếu tố dễ bị tác động nhiều nhất bởi sự thay đổi lượng nước, tiếp đến là nuôi cá và cuối cùng là nuôi tôm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay đã tác động rất lớn đến dòng chảy mặt, đặc biệt là việc giảm lượng nước lưu vực hạ nguồn sông Mekong, cụ thể vùng Tây Nam Hà Tiên. Trong khoảng thời gian 10 năm (giai đoạn 2010-2018), năng suất lúa giảm mất 1 tấn/ha, điều này đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân bởi thể độc canh cây lúa và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên và thời tiết khí hậu, trong đó có nguồn nước. Ngoài ra, phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang nuôi trồng thủy sản đã làm gia tăng diện tích nuôi trồng, tuy nhiên qua số liệu so sánh có thể thấy sản lượng tôm và cá đang giảm mạnh. Việc giảm năng suất lúa và sản lượng nuôi trồng thủy sản có tác động tiêu cực đến đời sống người dân, đặc biệt người nghèo. 

Dựa vào khung BBC cho thấy các yếu tố như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân số, nghèo đói là các yếu tố dễ bị tổn thương khi xảy ra biến đổi khí hậu, giảm lưu lượng nước sông Mekong (Lưu lượng sông Hậu tại trạm Châu Đốc từ 1996 là 92,3 tỷ m3 đến 2018 là 80,5 tỷ m3), mực nước biển dâng làm xâm nhập mặn (độ mặn 1,1 g/lít) làm giảm năng suất lúa, giảm năng suất nuôi tôm và cá. Do đó, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản là hai yếu tố dễ bị tổn thương nhất khi lưu lượng nước sông Mekong chảy về hạ nguồn suy giảm. 

5. Kết luận

Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng về tính dễ bị tổn thương trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản vùng Tây Nam Hà Tiên do suy giảm lượng nước sông Mekong bằng phương pháp khung BBC. Các phát hiện của nghiên cứu hiện tại, chúng tôi đề xuất các khuyến nghị:

Nông dân trồng lúa và NTTS nên đa dạng hóa sinh kế trong sản xuất bởi vì cây lúa và các loài thủy sản dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và áp lực môi trường. Chúng tôi khuyên nông dân nên tìm kiếm các chiến lược sinh kế đa dạng hơn trong ngắn hạn đến dài hạn.

Nông dân cần sự hỗ trợ khẩn cấp và tận tình của chính phủ và cơ sở khoa học để không chỉ tăng thu nhập dựa vào sản xuất lúa và NTTS mà còn nhanh chóng thích ứng với những thay đổi đang diễn ra, ví dụ, bằng cách đưa ra những thay đổi trong mô hình canh tác, công nghệ tiết kiệm nước, giống lúa cải tiến và giống thủy sản thích ứng với điều kiện thời tiết hiện nay.

Tài liệu tham khảo

[1] Hoang L.P., van Vliet M.T.H., Kummu M., Lauri H., Koponen, J., Supit, I., Leemans, R., Kabat P., Ludwig F., “The Mekong’s future flows under multiple drivers: How climate change, hydropower developments and irrigation expansions drive hydrological changes”. Sci. Total Environ., 2019, 649, 601–609.

[2] Kondolf G. M., Schmitt R. J. P., Carling P., Darby S., Arias M., Bizzi S., Castelletti A., Cochrane T.A., Gibson S., Kummu M., “Changing sediment budget of the Mekong: Cumulative threats and management strategies for a large river basin”. Sci. Total Environ., 2018, 625, 114–134.

[3] Arias M.; Piman T.; Lauri H.; Cochrane T.; Kummu M., “Dams on Mekong tributaries as significant contributors of hydrological alterations to the Tonle Sap Floodplain in Cambodia”. Hydrol. Earth Syst. Sci., 2014, 18, 5303–5315.

[4] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội, 2016.

[5] Tran D.D.; van Halsema G.; Hellegers P.J.G.J.; Hoang L.P.; Ludwig F., “Long-term sustainability of the Vietnamese Mekong Delta in question: An economic assessment of water management alternatives”. Agric. Water Manag., 2019, 223, 105703.

[6] Trần D. H., Nghiên cứu, xây dựng mô hình đánh giá tác động của BĐKH đến một số lĩnh vực kinh tế xã hội cho thành phố Đà Nẵng, Luận Án Tiến Sĩ Khoa Học Trái Đất, Chuyên Ngành: Khí Tượng Và Khí Hậu Học, Viện Khoa Học Khí Tượng Thủy Văn Và Biến Đổi Khí Hậu, Hà Nội, 2017.

[7] Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, Điều kiện Tự nhiên của tỉnh Kiên Giang, 2019.

[8] Chi cục Thủy lợi – Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, Thông báo tình hình mực nước và mặn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, 2018.

[9] Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kiên Giang, Bản đồ đơn vị hành chính tỉnh Kiên Giang, 2019.

[10] Bogardi J.J. and Birkmann J., “Vulnerability Assessment: The First Step towards Sustainable Risk Reduction” in: Disasters and Society - From Hazard Assessment to Risk Reduction, Universität Karlsruhe, Logos, Berlin, 2004.

[11] Bogardi J. J., “Hazards, risks and vulnerabilities in a changing environment: the unexpected onslaught on human security?”, Global Environmental hazards. 14 (4), 2004, 361-365.

[12] Cardona O. D., “Environmental management and disaster prevention: Holistic risk assessment and management”, in J Ingleton (ed) Natural Disaster Management, Tudor Rose, London, 1999.

[13] Cardona O. D., Estimación Holística del Riesgo Sísmico utilizando Sistemas Dinámicos Complejos, http://www.desenredando.org/public/varios/2001/ehrisusd/index.html, Universidad Politécnica de Cataluña, Barcelona, 2001.

[14] Nguyen T. T. X., Bonetti J., Rogers K., Woodroffe C. D., Indicatorbased assessment of climate-change impacts on coasts: a review of concepts, approaches and vulnerability indices. Ocean and Coastal Management (in press), 2015.

[15] Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, Tổng Điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, 2019.

[16] Ủy ban Quốc tế sông Mekong của Việt Nam, Lưu lượng sông Hậu tại trạm Châu Đốc, 2019.

Tác giả:
THS.Trần Thanh Thảo, THS.Lê Thị Bạch Tuyết
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Giải pháp cung ứng nước sạch cho TP. Hồ Chí Minh và các đô thị Việt Nam

Giải pháp cung ứng nước sạch cho TP. Hồ Chí Minh và các đô thị Việt Nam

Ngày 26/12/2024 tại TP.HCM, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã tổ chức Hội thảo "Thách thức và giải pháp cung ứng nước sạch cho TP.HCM và các đô thị Việt Nam". Nhiều tham luận, giải pháp khoa học cung ứng nước sạch cho các đô thị được các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước được giới thiệu tại hội thảo.

Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp thông qua chất lượng hệ thống thông tin kế toán

Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp thông qua chất lượng hệ thống thông tin kế toán

Chuyển đổi số đang đang trở thành xu thế không thể bỏ lỡ. Do đó, Công ty CP Cấp nước Thủ Đức đã và đang nỗ lực đổi mới các quy trình nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó có hoạt động trong lĩnh vực tài chính kế toán.

Doanh nghiệp 17/12/2024
SAWACO: Nhân rộng uống nước tại vòi

SAWACO: Nhân rộng uống nước tại vòi

Từ 14/12/2024, các trụ nước uống tại vòi do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) lắp đặt ở các điểm công cộng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân.

Doanh nghiệp 16/12/2024
SAWACO: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng dịch vụ

SAWACO: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng dịch vụ

Xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, ứng dụng SCADA và giám sát từ xa để quản lý tập trung là một trong những hướng đi nổi bật của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) trong thời gian qua.

Doanh nghiệp 12/12/2024
SAWACO phấn đấu tăng công suất cấp nước lên 3,6 triệu m3/ngày vào năm 2030

SAWACO phấn đấu tăng công suất cấp nước lên 3,6 triệu m3/ngày vào năm 2030

Nhằm nâng cao chất lượng cấp nước đến người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm hướng tới tăng công suất cấp nước lên 3,6 triệu m3/ngày vào năm 2030.

Doanh nghiệp 09/12/2024
Tìm giải pháp kỹ thuật, vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây

Tìm giải pháp kỹ thuật, vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây

Các sở, ngành của TP. Hà Nội sẽ làm việc với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai để tìm giải pháp kỹ thuật cũng như vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây để cải thiện môi trường sông Tô Lịch.

Cấp nước Tân Hòa ứng dụng công nghệ, hướng đến nguồn năng lượng xanh

Cấp nước Tân Hòa ứng dụng công nghệ, hướng đến nguồn năng lượng xanh

Hưởng ứng xu hướng sử dụng nguồn năng lượng xanh có thể tái tạo của toàn thế giới, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa (Cấp nước Tân Hòa) thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV đã ứng dụng tấm pin năng lượng mặt trời vào công tác vận hành tủ điều khiển đồng hồ tổng DMA tại các phường trên quận Tân Bình và Tân Phú.

Doanh nghiệp 03/12/2024
Thành phố Hà Nội vận hành thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá

Thành phố Hà Nội vận hành thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá

Hà Nội vừa bắt đầu vận hành thử nghiệm dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, với công suất 100.000 m3/ngày đêm, nâng tỉ lệ xử lý nước thải của Thủ đô lên 40%.

Nhựa Tiền phong: Sản phẩm tiên phong - Khát vọng nâng tầm

Nhựa Tiền phong: Sản phẩm tiên phong - Khát vọng nâng tầm

Trong bối cảnh mới, việc tìm kiếm những giải pháp đột phá trở nên cần thiết và "chất lượng" chính là yếu tố quyết định sự thành công và khả năng chiếm lĩnh lòng tin của khách hàng đối với mỗi thương hiệu.

Doanh nghiệp 21/11/2024
Top