ĐINH NGỌC VÂN
Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình
1. Hợp tác quốc tế của Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hiệp hội Công trình cấp thoát nước Hàn Quốc (KWWA)
Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hiệp hội Công trình cấp thoát nước Hàn Quốc (KWWA) được các bên ghi nhớ ngày 3/3/2018 tại Hà Nội về việc nâng cao hợp tác chung trong ứng dụng công nghệ quản lý nước thông minh, Tập đoàn Tài nguyên nước Hàn Quốc (K-Water) và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình đã ký hiệp định tài trợ và triển khai thí điểm Dự án Quản lý nước thông minh (SWA). Sau 01 năm triển khai dự án được đánh giá thành công, có khả năng nhân rộng. Thành công của dự án đã khẳng định vai trò quan trọng của Hội Cấp thoát nước Việt Nam trong hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ hội viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến của các quốc gia phát triển.
Ứng dụng Công nghệ Usol để quản lý thất thoát nước sạch và cấp nước an toàn một cách bền vững là một hợp phần quan trọng của Dự án Công nghệ quản lý nước thông minh tại Ninh Bình. Công ty TNHH Công nghệ Usol (http: www.usol.kr) đã triển khai ứng dụng công nghệ thông minh quản lý thất thu nước sạch tại Hàn Quốc từ năm 2015 và tại một số quốc gia như Ấn Độ, Sri Lanka, Banglades... bằng nguồn vốn của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).
Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình là đơn vị có tỷ lệ thoát nước sạch khá cao (trên 30%), Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã quan tâm và đề nghị Tập đoàn Tài nguyên nước Hàn Quốc (K-Water) hỗ trợ Ninh Bình để giảm thất thoát nước sạch một cách bền vững. Thành công của dự án sẽ giúp cho các doanh nghiệp nghành nước của Việt Nam chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ quản lý nước thông minh của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ký Biên bản ghi nhớ giữa Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hiệp hội Công trình cấp thoát nước Hàn Quốc (KWWA)
Ký biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội công trình cấp thoát nước Hàn Quốc (KWWA và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình)
2. Quản lý thất thoát nước sạch bằng công nghệ USOL tại Hệ thống cấp nước Ninh Bình
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của nhóm chuyên gia đến từ Công ty TNHH Công nghệ Usol (Hàn Quốc), dự án được triển khai từ tháng 8/2018 và kết thúc tháng 11/2019, sớm hơn kế hoạch 08 tháng.
Mục tiêu của dự án: Quản lý thất thoát thường xuyên, liên tục đảm bảo cấp nước an toàn cho khu vực thí điểm.
Kết quả mong muốn của dự án: (1) điều tra, tìm, phát hiện điểm rò rỉ, thất thoát, (2) phân tích nguyên nhân, (3) và các đề xuất giảm thất thoát được thực hiện.
Phương pháp triển khai: Dự án lựa chọn cụm DMZ với khoảng 1.000 hộ dùng nước để triển khai thí điểm. Các bước triển khai dự án được thực hiện như sau:
- Bước 1: Nghiên cứu khu vực thí điểm (Cụm DMZ D1), đo và xác định các thông số: tổng lưu lượng nước cấp, chỉ số tại các đồng hồ nhánh, lưu lượng nước chảy tối thiểu hàng đêm.
- Bước 2: Lắp đặt cảm biến tại các cụm đồng hồ; có thể trước hoặc sau đồng hồ, điểm tiếp xúc nên lựa chọn phụ kiện bằng hợp kim (kẽm, gang) để tăng khả năng tiếp nhận âm thanh; mỗi cảm biến có khả năng ghi nhận âm thanh với bán kính 25m, khả năng hiệu quả nhất là trong phạm vi 05m. Usol cũng cung cấp phần mềm và hệ thống máy chủ để đảm bảo việc truyền, tiếp nhận dữ liệu của thiết bị cảm biến. Nguyên tắc làm việc của các cảm biến là ghi nhận âm thanh, xử lý, đánh giá điểm rò rỉ và truyền tín hiệu qua mạng di động về máy chủ để bộ phận quản lý phân tích, đánh giá, đề xuất giải pháp xử lý.
- Bước 3: Phân tích kết quả các cảm biến báo hàng ngày; tín hiệu được các cảm biến ghi nhận và truyền về máy chủ với tần suất 15 phút/lần (mỗi cảm biến được gắn một thẻ sim của mạng di động). Các điểm nghi vấn rò rỉ sẽ được cảnh báo màu đỏ trên màn hình, các điểm nghi vấn mức độ thấp được cảnh báo bằng màu vàng, các điểm không có rò rỉ được thể hiện bằng màu xanh (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Hình ảnh hiển thị trên màn hình về cảnh báo thất thoát của cảm biến.
Để phân tích dữ liệu thất thoát, yêu cầu khu vực sử dụng cảm biến phải được cấp nước 24h/24h; việc tìm kiếm phát hiện rỏ rỉ vào ban ngày thường gặp các khó khăn do sự biến động thường xuyên của áp lực, lưu lượng mạng; các tạp âm cũng là thách thức khi dò tìm xác định điểm rò rỉ… Việc phân tích lượng nước tối thiểu đi trong đêm giúp xác định chính xác lượng nước thất thoát vì thời điểm này gần như không có sử dụng nước. Thời điểm thích hợp để phân tích lượng nước thất thoát là khoảng từ 01h - 04h; lượng nước qua đồng hồ ở thời điểm này bao gồm nước hộ dân sử dụng (rất ít, nếu có hoặc hộ dân sử dụng nước, đấu nối trái phép, nước thất thoát qua các điểm rò rỉ trên tuyến ống và có thể rò rỉ sau đồng hồ).
- Bước 4: Điều tra xác định điểm rò rỉ và sửa chữa. Đội dò tìm sẽ quan sát bằng mắt kết hợp sử dụng các thiết bị dò tìm như thanh nghe, máy siêu âm... đối với những điểm khó có thể kết hợp sử dụng khí nén tạo áp lực tức thời tại điểm nghi vấn để xác định.
- Bước 5: Theo dõi và duy trì ổn định mạng, quản lý thất thoát bền vững.
3. Kết quả đạt được và khả năng nhân rộng
a. Kết quả đạt được:
Khu vực lựa chọn thí điểm (DMZ D1) có gần 700 hộ dùng nước; mạng cấp nước được đầu tư không đồng bộ và qua nhiều giai đoạn, chủ yếu là ống kẽm được lắp đặt từ thập niên 90; hiện khu vực đang được cấp nước 12h/ngày, tỷ lệ thất thoát là 33%. Để đáp ứng yêu cầu quản lý, khu vực này đã được chuyển sang cấp nước 24h/24h; qua phân tích của hệ thống, lượng nước đi về hàng đêm là 21,6 m3/h; sau 10 ngày phân tích, dò tìm, khắc phục đến ngày 31/8 lượng nước đi về đêm còn là 10,8 m3/h (Biểu đồ 2). Như vậy lượng nước thất thoát đã giảm được 50% so với trước dự án, tỷ lệ thất thoát thời điểm này là 16,5 %.
Tiếp tục theo dõi, duy trì quản lý mạng, đến tháng 11/2018 với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia Usol, đội tìm kiếm đã phát hiện 02 ống nhánh đấu nối ngoài mạng; lắp đồng hồ tách mạng và xử lý các điểm thất thoát lượng nước đi về đêm còn 8,4 m3/h, tương ứng với tỷ lệ thất thoát nước sạch chỉ còn 12,5% (Biểu đồ 3)
Biều đồ 2: Khu vực thí điểm được mở rộng do phát hiện 02 tuyến đấu nối
Biều đồ 3: Lưu lượng nước đi về đêm tại khu vực thí điểm dự án
- Về hiệu quả kinh tế: tại khu vực thí điểm, Công ty đã giảm được lượng nước thất thoát 01 năm là (21,6 – 8,4) m3/h x 24h x 365 ngày = 115.632 m3/năm, chi phí Công ty phải mua nước sạch của nhà máy BOOVSG là 6.000 đ/m3, như vậy nhờ quản lý thất thoát đã giảm được chi phí là 693.792 triệu đồng/năm; nếu dự án được triển khai trên diện rộng thì hiệu quả sẽ cao hơn.
- Về hiệu quả kỹ thuật: công nghệ Usol cho phép giám sát liên tục, thường xuyên hoạt động của mạng cấp nước; phát hiện nhanh, kịp thời các điểm rò rỉ; tiết kiệm nhân công và giảm thiểu khối lượng thi công khi dò tìm xác định điểm rò rỉ…; Không chỉ phát hiện các điểm rò rỉ trước đồng hồ, thiết bị cảm biến giúp công nhân quản lý mạng đưa ra cảnh báo cho người dùng nước về những thất thoát sau đồng hồ (mạng cấp nước trong nhà bị rò rỉ, bể chứa nước bị thấm nước; trong thời gian thí điểm dự án đã cảnh báo và giúp cho15 hộ dân ngăn ngừa thất thoát sau đồng hồ).
Dự án thí điểm còn phát hiện các đường ống đấu nối ẩn, phân vùng tách mạng cũng như dữ liệu áp lực, lưu lượng để hỗ trợ tốt nhất cho vận hành điều tiết mạng. Ứng dụng công nghệ quản lý Usol không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mạng cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trong khâu chăm sóc khách hàng của Công ty.
b. Một số bài học ban đầu
Đối với yêu cầu về mạng cấp nước: (i) mạng cấp nước phải được phân vùng tách mạng (hệ thống SCADA) và quản lý bằng các DMZ; có bản vẽ mặt bằng, theo dõi và cung cấp đầy đủ các thông tin về từng khách hàng, tỷ lệ thất thoát trong thời gian 01 năm trước khi khai dự án; (ii) khu vực triển khai dự án phải độc lập để không ảnh hưởng đến cấp nước cho các khu vực khác và phải được cấp nước 24h/24h; (iii) dữ liệu truyền về hệ thống phải đảm bảo liên tục và được cập nhật 15 phút /01 lần (hệ thống đã cài đặt tự động); (iv) và vấn đề quan trọng hàng đầu là quyết tâm và lòng kiên trì của những người làm công tác chống thất thoát nước sạch.
Công ty TNHH Công nghệ Usol không chỉ lắp đặt thiết bị mà còn cung cấp các chuyên gia chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn trong quản lý mạng và giảm thất thoát; đồng thời kết hợp hệ thống cảm biến với hệ thống SCADA để đánh giá và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả nhất. Nhờ đó, trong thời gian thực hiện dự án, các chuyên gia của Usol đã dò tìm phát hiện các điểm rò rỉ giúp Công ty Cấp thoát nước Ninh Bình thực hiện sửa chữa kịp thời, giảm tỷ lệ thất thoát và cấp nước an toàn.
Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình cũng nhận ra rằng vấn đề lớn nhất mà chúng tôi đang gặp phải trong công tác giảm thất thoát là việc thiếu hụt các cán bộ nhân viên có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực chống thất thoát và quản lý mạng. Để đạt được kết quả tối đa trong công tác quản lý thất thoát, chúng tôi cần nền tảng công nghệ, các thiết bị hỗ trợ và một đội ngũ cán bộ nhân viên có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu.
Chúng tôi cũng nhận ra rằng công tác giảm thất thoát cần các biện pháp tổng hợp chứ không chỉ đơn thuần là công tác thay thế đường ống và mong đợi đạt kết quả tức thời. Công tác thay thế đường ống đơn thuần không cân nhắc tới các giải pháp vận hành, quản lý bền vững sẽ dẫn đến tình trạng tái bùng phát thất thoát sau vài năm. Để giảm thất thoát, ngoài việc tập trung vào việc giảm tỷ lệ thất thoát vật lý còn cần chú trọng quản lý và cấp nước bền vững trong thời gian dài. Đó cũng là yêu cầu cần sớm chuyển từ cấp nước gián đoạn sang cấp nước 24/24h.
c. Khả năng nhân rộng
Quản lý thất thoát bằng công nghệ Usol đã nhanh chóng được các thành viên Hội Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá cao về tính hiệu quả và bền vững. Một số đơn vị đã thông qua Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình và Hội Cấp thoát nước Việt Nam để tiếp nhận công nghệ quản lý thất thoát nước sạch của Usol như Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng, Công ty cổ phần Cấp nước Thanh Hóa...
Việc ứng dụng công nghệ quản lý nước thông minh đang được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: Quyết định 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025 và Quyết định 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025.
Ký biên bản ghi nhớ giữa Công ty cổ phần Cấp nước Thanh Hóa và Công ty công nghệ USOL-Hàn Quốc
Ký biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng và Công ty công nghệ USOL-Hàn Quốc
Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ Usol có chia sẻ: “Hàn Quốc có lịch sử 30 năm kinh nghiệm trong công cuộc chống thất thoát, Chính phủ và các công ty đã chứng kiến những sai lầm bước đầu khi triển khai, nhưng đến nay họ đã có thể đào tạo được những chuyên gia hàng đầu trong ngành về mặt lý thuyết và thực hành cầm tay chỉ việc cũng như sở hữu các hệ thống thiết bị và công nghệ cao”. Ngành nước Việt Nam đang trong quá trình phát triển và chú trọng hơn vào công tác giảm thất thoát. Tuy nhiên, Việt Nam không cần đến 30 năm, quãng thời gian Hàn Quốc đã trải qua nếu có được sự hỗ trợ về môi trường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia trong ngành của Hàn Quốc đến với Việt Nam, hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho các cán bộ kỹ thuật, chuyên viên có kiến thức chiều sâu và kinh nghiệm trong quản lý thất thoát. Hi vọng sau 10 năm, Việt Nam sẽ có các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu hoạt động trong ngành nước, đóng góp vào công tác giảm thất thoát nói riêng và nâng tầm phát triển của ngành nước tại Việt Nam nói chung, tạo nên kỷ nguyên một ngành nước tự lực và phát triển bền vững với công nghệ - thiết bị- con người.”
Một số hình ảnh chuyên gia của Usol hỗ trợ phát hiện thất thoát: