Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn

Bộ ảnh đoạt giải từ một Đà giang cạn kiệt

19/05/2022 14:18

Từ nhạy cảm nghề nghiệp đến bám sát thực địa, từng có lúc tuột ngã xuống lòng sông khô cạn, nhà báo, phóng viên ảnh Lưu Trọng Đạt đã ghi lại được những hệ lụy khi sông Đà thiếu nước.

Khi nhận thấy mực nước thượng nguồn sông Đà địa phận tỉnh Hòa Bình sụt giảm ngay từ năm 2020, Lưu Trọng Đạt, phóng viên cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh miền núi Tây Bắc đã lên kế hoạch cho một phóng sự ảnh. 

Bộ ảnh đoạt giải từ một Đà giang cạn kiệt - Ảnh 1.

Nhận được ủng hộ của lãnh đạo, Lưu Trọng Đạt đã dành thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2021, phần lớn trùng với mùa mưa của khu vực, để bám sát một số xã thuộc huyện Đà Bắc. 

Trên chiếc xe máy cũ, Lưu Trọng Đạt vượt qua nhiều con đường sỏi đá, đến với những người dân thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu do nước sông cạn kiệt, chứng kiến nhiều thiệt hại cho thủy sản và cảnh quan môi trường.

Phóng sự ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà giang” của Lưu Trọng Đạt gồm 16 ảnh đã đoạt giải A, giải thưởng báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2021.

Bộ ảnh đoạt giải từ một Đà giang cạn kiệt - Ảnh 2.

Sự thay đổi

Sông Đà trước kia được ví là “dòng sông ánh sáng”, là dòng “sông mẹ” vì tất cả các sông, suối miền Tây Bắc đều đổ vào đây tạo thành nguồn nước rất lớn. Những năm gần đây mực nước của sông Đà đang có xu hướng thay đổi tiêu cực. Nước sông xuống thấp hơn mọi năm và hình ảnh lòng hồ mênh mông với nước xanh ngắt thường thấy đã biến mất.

Mặt nước đổi sang màu bùn đỏ, nhiều nhánh sông cạn trơ đáy, mặt đất nứt nẻ trở thành  tâm điểm một số ảnh trong phóng sự ảnh kể trên.

Trong mùa mưa năm 2021, tổng lượng nước về trên nhánh sông Đà thiếu hụt khoảng 15 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia nêu trong một bản tin đăng trên trang web của Bộ Công Thương hồi tháng 10/2021.

Đến đầu tháng 10/2021, tại hồ Hòa Bình mực nước là 106.62 m, thấp hơn 6,28 m so với quy định (112,9 m) và 10,38 m dưới mực nước dâng bình thường.

Thiếu hụt nước về làm nước hồ Hòa Bình sụt giảm, dòng sông cũng trở nên khô cạn. Cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày, nên nước sông thiếu oxy làm gần 30 tấn cá của các hộ nuôi cá lồng chết trắng sau một đêm tại các xã Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum… của huyện Đà Bắc, vùng trọng điểm nuôi cá lồng bè của tỉnh Hòa Bình. 

“Chứng kiến tận mắt, tôi không khỏi ngậm ngùi khi chụp người dân vớt lên những con cá chết nặng hàng chục kg, hay những hình ảnh người dân mắt đỏ hoe ôm những con cá chết trên tay mà đau xót khi tài sản mất trắng sau một đêm và những nỗi lo trước mắt với những khoản vay nợ đầu tư phát triển kinh tế không thành”, Lưu Trọng Đạt chia sẻ với Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam. 

Bộ ảnh đoạt giải từ một Đà giang cạn kiệt - Ảnh 3.

Vào tháng 7, dù là cao điểm mùa mưa năm 2021, hầu như không hề xuất hiện lũ lớn nên nước về hồ Hòa Bình thấp, còn hàng loạt nhánh sông Đà chảy về các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong cạn khô, Lưu Trọng Đạt nói thêm. 

Cũng vẫn là lòng sông Đà, chỉ vài năm trước mênh mông nước, giờ đã thành một bãi trống đầy cát, đá sỏi và nứt nẻ. Lưu Trọng Đạt kể khi đang lần theo ven bờ sông tìm cách xuống lòng hồ khô cạn, đất bị lở, khiến cả người và cả máy ảnh theo đất đá tụt xuống.

Trong một tấm ảnh khác, một khúc cổ thụ trơ trọi trên mặt đất khô, những tấm lưới bắt cá vướng lại trên cành, nơi mà chỉ 4-5 năm về trước, khi nước đầy, không ai có thể nhìn thấy cây ấy. 

“Tôi như đang chụp chính một thực thể hiện hữu của thiên nhiên đang thoi thóp, với làn da khô khốc cạn kiệt sức sống mà trong lòng dậy lên những xót xa và đầy bất an”, Lưu Trọng Đạt chia sẻ. “Tôi cảm nhận được một cách rõ nét những bất ổn nghiêm trọng về môi trường sống, cảnh quan đang bị tác động của biến đổi khí hậu cùng những tác động tiêu cực đang tàn phá thiên nhiên tới từ con người”.

Thông điệp cứu lấy thiên nhiên

Phóng sự ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà giang” mang một thông điệp về môi trường quanh ta đang cạn kiệt sức sống do biến đổi khí hậu và sự tác động quá mức của con người. 

Bộ ảnh đoạt giải từ một Đà giang cạn kiệt - Ảnh 4.

Con người chinh phục được sự hùng vĩ, hung hãn của sông Đà bằng việc chặn dòng, thực hiện dự án thủy điện để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên sự tác động quá mức vào tự nhiên đang mang đến những hệ lụy khó lường, gây tổn hại môi trường sống, sức khỏe và sinh kế của chính con người.

Không chỉ riêng sông Đà, các dòng sông đều đóng vai trò cần thiết, cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và hoạt động sản xuất của con người. 

Nước lại là nguồn tài nguyên quý giá không thể thiếu đối với mọi sinh vật trên Trái đất. Nước vừa là môi trường, và cũng chính là nguồn sống.

Để giảm bớt tốc độ cạn kiệt của tài nguyên nước, mỗi người phải dừng lại hoặc hạn chế nhiều nhất những hoạt động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Với Lưu Trọng Đạt, giải thưởng báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2021 cho phóng sự ảnh về sông Đà không phải là phần thưởng đầu tiên trong nghề. Trước đó, Lưu Trọng Đạt từng nhận giải C trong Lễ trao giải báo chí quốc gia năm 2018 cho bức ảnh “Xâm thực biển, sạt lở đe dọa nghiêm trọng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Lưu Trọng Đạt đã đoạt giải Vàng tại cuộc thi ảnh “Kiên cường Việt Nam” cho bức “Ngủ ngon nhé con yêu, có ta ở đây rồi” chụp tháng 6 năm 2020.

Bộ ảnh đoạt giải từ một Đà giang cạn kiệt - Ảnh 5.

Giải thưởng báo chí là một phần thưởng xứng đáng cho nhà báo đã dành nhiều công sức cho công việc nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người.

Nhưng chắc chắn nhà báo Lưu Trọng Đạt sẽ không mong muốn có thêm một phóng sự ảnh khác về thiên nhiên đang bị tàn phá, kể cả khi nó có thể giúp mang lại một giải thưởng danh giá nữa trong nghề.

Bài: Hồng Giang - Ảnh: Lưu Trọng Đạt

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Gợi ý cách xử lý môi trường nước nuôi thủy sản sau thiên tai

Gợi ý cách xử lý môi trường nước nuôi thủy sản sau thiên tai

Ngành nuôi trồng thủy sản miền Bắc đang đối mặt với nhiều thách thức sau bão YAGI. Khi bão rút đi, môi trường nuôi thủy sản bị xáo trộn, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và phát triển của tôm cá. Với các biện pháp kỹ thuật xử lý môi trường nước được gợi ý sau đây, người dân có thể sớm phục hồi sản xuất.

Nghe nhìn 09/10/2024
Tiếp cận phương pháp đổi mới trong đánh giá và quản lý nguồn nước ngầm tại Việt Nam

Tiếp cận phương pháp đổi mới trong đánh giá và quản lý nguồn nước ngầm tại Việt Nam

Nhằm nâng cao độ chính xác và hợp lý trong tính toán, đánh giá; tối ưu cơ chế vận hành, khai thác nước ngầm; đồng thời thiết lập hiệu quả các chính sách quản lý có liên quan để đảm bảo sử dụng nước ngầm bền vững tác giả đưa ra một đề xuất cụ thể.

Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh nỗ lực phục hồi sau siêu bão

Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh nỗ lực phục hồi sau siêu bão

Bão YAGI đi qua để lại hậu quả nặng nề cho hệ thống cơ sở hạ tầng tỉnh Quảng Ninh. Điện, nước và hệ thống viễn thông gần như bị tê liệt. Sau cơn bão, các CBCNV Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh (QUAWACO) đã không quản ngày đêm, ra sức phục hồi hệ thống cấp nước, phòng ngừa dịch bệnh sau khi lũ rút.

Doanh nghiệp 13/09/2024
Quy trình chung xử lý nước ăn uống trong mùa mưa lũ

Quy trình chung xử lý nước ăn uống trong mùa mưa lũ

Trong trường hợp không có nước sạch để sử dụng, người dân có lấy nước từ sông, hồ... nhưng phải xử lý theo đúng quy trình trước khi sử dụng để phòng tránh dịch bệnh.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Trung Quốc xả lũ thủy điện không tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam

Trung Quốc xả lũ thủy điện không tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, Trung Quốc xả lũ với lưu lượng nhỏ không gây tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam.

Quốc tế 11/09/2024
SAWACO hỗ trợ 25.000 túi nước cho các địa phương miền Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3

SAWACO hỗ trợ 25.000 túi nước cho các địa phương miền Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3

Cơn bão số 3 đi qua đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nhiều tỉnh thành phía Bắc. Chia sẻ với các địa phương bị ảnh hưởng, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã quyết định hỗ trợ 25.000 túi nước và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.

Hà Nội báo động lũ khẩn cấp, cảnh báo ngập lụt mở rộng

Hà Nội báo động lũ khẩn cấp, cảnh báo ngập lụt mở rộng

Hiện nay lũ trên sông Cầu qua Sóc Sơn, sông Bùi qua Chương Mỹ, sông Tích qua Quốc Oai ở Hà Nội đã vượt báo động 3, mức báo động khẩn cấp.

Nhiều tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ

Nhiều tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ

Tối 9/9/2024, UBND tỉnh Tuyên Quang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ. Từ ngày 6/9 đến ngày 9/9, trên địa tỉnh Tuyên Quang chịu ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, các huyện, thành phố đã xảy ra nhiều đợt mưa vừa, mưa to diện rộng

Top