Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn
img
Thành Phố Hồ Chí Minh: Ngăn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Đường Lương Định Của ngập do triều cường

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ trên 300 năm nay, hệ thống tiêu thoát nước đã cũ kỹ, chắp vá, bên cạnh là hệ thống quản lý và cải thiện hệ thống cống chưa đồng bộ và không khoa học. Với tốc độ phát triển hiện tại của thành phố, tài nguyên đất và nước đang được khai thác gần như triệt để nhằm phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và xây dựng.

Sự xuống cấp của hệ thống tiêu thoát nước, thiếu đồng bộ giữa quản lý và phát triển, bên cạnh là sự tính toán thiếu khoa học và chưa cập nhật tình hình biến đổi khí hậu khôn lường chính là lý do chính khiến nhiều dự án, cũng như phương án chống ngập trong quá khứ đi vào ngõ cụt.

Thực trạng xảy ra của hệ thống thoát nước nội đô TP.HCM đang vướng phải chính là vấn đề “ọc ngược nước” từ kênh rạch vào nội đô thành phố khi triều cao xảy ra. Lý do xảy ra vấn đề này là do triều cường khu vực đang cao hơn và tiếp tục có hướng cao hơn với sự biến đổi không lường trước được. Trong khi đó, cốt nền quy hoạch đô thị không thể thay đổi và dẫn đến tình trạng nước sông theo con triều tràn vào nội đô gây ngập úng cục bộ, rải rác khắp TP.HCM.

Thực tế cho thấy, nhiều khu vực thấp trũng thuộc bờ hữu sông Sài Gòn như quận 4, quận 7, quận 8 và nặng nhất là huyện Bình Chánh đã phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc ngập nặng dù trời hoàn toàn không mưa. Trong toàn vùng nội đô và trung tâm TP.HCM, người dân thường xuyên phải chịu cảnh “người người cùng tát nước, nhà nhà cùng nước nước” khi nước mưa không thể thoát ra cống mà tràn thẳng vào nhà, hay những lúc phải dắt xe máy lội qua con nước đen ngòm do triều cường “trào ngược” lên đường phố. 

Ở góc độ kinh tế, triều cường kết hợp mưa lớn hàng năm đã gây rất nhiều khó khăn và hư hại cho hạ tầng giao thông công cộng và của cải người dân, trong khi tình trạng khí hậu vẫn tiếp tục biến đổi khó lường và triều cường vẫn tiếp tục dâng cao qua từng năm.  Để ngăn chặn và ứng phó được biến đổi khí hậu, các giải pháp cốt lõi cần được xem xét và áp dụng thực tiễn. 

Quy hoạch thủy lợi 1547 

Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1547/QĐ-TTg (Quy hoạch 1547) về việc phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM. Quy hoạch đặt mục tiêu giải quyết tình trạng ngập úng ở TP.HCM thông qua các giải pháp kiểm soát triều và chủ động hạ thấp mực nước trên các kênh rạch thuộc khu vực được quy hoạch. Trên cơ sở này, Quy hoạch 1547 chia thành phố thành ba vùng gồm Vùng 1 - khu vực bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè là khu vực cấp thiết và trọng tâm nhất của Quy hoạch này; Vùng 2 là toàn bộ khu vực ngã ba sông Đồng Nai – Sài Gòn, và Vùng 3 là toàn bộ khu vực bờ tả sông Nhà Bè – Soài Rạp.

Thành Phố Hồ Chí Minh: Ngăn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Cống Bến Nghé

Giai đoạn 1 của dự án được triển khai trên toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè với kinh phí dự kiến là hơn 10.000 tỉ đồng nhằm xây dựng hơn 12 cống ngăn triều lớn bao quanh toàn bộ TP.HCM, cùng với xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đê bao, kè và các cống nhỏ dưới để đảm bảo tính hiệu quả của dự án.

Dự án ngăn triều – các mục tiêu trọng yếu

Dự án ngăn triều, hay Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1, nhằm một phần hiện thực hóa Quy hoạch 1547 tại toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn. Dự án xác định 4 mục tiêu trọng tâm:

Mục tiêu 1: Ngăn triều xâm nhập vào nội đô. 

Các cửa van ở các hạng mục cống kiểm soát triều khi vận hành sẽ ngăn chặn triều cường xâm nhập khu vực nội đô TP.HCM. Tại 6 cửa sông lớn, 6 hạng mục cống ngăn triều đã được triển khai đồng bộ là: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định.   

Thành Phố Hồ Chí Minh: Ngăn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Cống Phú Định

Mục tiêu 2: Điều tiết mực nước kênh rạch – Hỗ trợ cải thiện QH752. 

Các máy bơm tại các cống Bến Nghé, Phú Định, Tân Thuận giữ vai trò kiểm soát triều cường bằng cách bơm nước từ khu vực kênh mương ra các sông lớn. Sau khi bơm nước, mức triều trong nội độ sẽ giảm, hỗ trợ việc thoát nước liên tục từ đường phố ra kênh mương.

Quy hoạch tổng thể và nghiên cứu khả thi hệ thống thoát nước đô thị và nước thải TPHCM đến năm 2020 - Chính phủ phê duyệt bằng quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/06/2001 (gọi tắt là QH752). Phạm vi dự án có diện tích khoảng 650 km2, các giải pháp chính được đề xuất là: Phục hồi và xây dựng mới các hệ thống công thoát nước; Cải tạo hệ thống các kênh trục (Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm, Kênh Đôi – Kênh Tẻ, Tham Lương – Bến Cát,...); Nâng cao cốt nền lên + 2.0 m hoặc sự dụng hệ thống đê bao nhỏ và bơm tiêu đối với các vùng đất thấp. Tóm lại, dự án QH752 chưa xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và điều kiện lún nền. Các tuyến cống thoát nước của QH752 được thiết kế với lượng mua 92mm và mực nước triều +1.32 m.

Thành Phố Hồ Chí Minh: Ngăn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Cống Tân Thuận

Mục tiêu 3: Đảm bảo giao thông thủy. 

Trong trường hợp triều cao, mưa lớn diễn ra, hệ thống 6 cống ngăn triều đóng hoàn toàn. Lúc này, hệ thống giao thông thủy sẽ vẫn tiếp tục diễn ra thông qua các âu thuyền. Được thiết kế với bề rộng 15 m, buồng âu thuyền dài 100 m, hai đầu có cửa âu, van phẳng quay theo trục đứng. 

Thành Phố Hồ Chí Minh: Ngăn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Cống Mương Chuối

Thành Phố Hồ Chí Minh: Ngăn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 6.

Cống Cây Khô

Mục tiêu 4: Cải tạo cảnh quan, cải thiện môi trường.

Giữ mỹ quan cho khu vực nội đô thành phố khi xảy ra các yếu tố tự nhiên cực đoan. Điển hình như việc giữ nước trong kênh rạch vào mùa khô.

Ngoài ra, đối với các diễn biến cực đoan khác của môi trường, Dự án ngăn triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, còn phòng tránh, cũng như hạn chế khả năng xâm thực, xâm nhập mặn, khi nước biển dâng trong tương lai. Nghĩa là khi xảy ra tình huống triều biển cao, nước biển xâm thực vào sông ngòi, làm thay đổi môi trường nước và ảnh hưởng môi trường sống của sinh vật. Khi ấy 6 cống kiểm soát triều lớn sẽ đóng lại, khép kín môi trường nước trong kênh rạch và ngăn chặn hoàn toàn sự xâm thực từ nước biển. 

Đến thời điểm tháng 12/2021, Dự án ngăn triều do Trung Nam Group triển khai đạt tiến độ 93%.

Thành Phố Hồ Chí Minh: Ngăn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 7.

Cống Phú Xuân

Top