Nhiệt độ
Giờ đây, hầu hết chúng ta đều coi việc có nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt là một điều rất đỗi thường tình. Bất cứ khi nào bạn muốn, bạn cũng có thể mở vòi để chất xúc tác của sự sống giúp bạn… rửa chén.
Nhưng sự linh thiêng của giọt nước vẫn chưa biến mất hoàn toàn, vì chúng ta có thể cảm nhận được điều này trong các lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc vào mỗi dịp năm mới. Hãy cùng Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam tìm hiểu về một vài lễ hội đón năm mới với nước.
Nhẹ nhàng rửa trôi năm cũ – Thái Lan
Tháng 4 về, khi mặt trời chiếu sáng rực rỡ nhất, các con sông, dòng suối thường khô cạn khiến người nông dân cảm thấy cần được nghỉ ngơi để lấy lại sức. Đối với người Thái xưa mà nói, không còn thời điểm nào thích hợp hơn để tổ chức lễ hội nước Songkran chào năm mới.
Tết Songkran bắt nguồn từ một cụm từ tiếng Phạn mang ý nghĩa “sự chuyển giao của mặt trời.” Ngày lễ này đã từng được tổ chức theo lịch Phật Giáo, khi mặt trời di chuyển từ chòm sao Song Ngư sang Bạch Dương. Ngày nay, Tết Songkran được ấn định tổ chức trong ba ngày 13, 14, 15 tháng 4 hàng năm.
Đây chính là dịp để người Thái thể hiện tình cảm và sự trân trọng của mình đối với gia đình và tổ tiên, vun đắp tình làng nghĩa xóm và làm theo lời dạy của Phật.
Trong phong tục truyền thống của Tết Songkran, người Thái sẽ nhẹ nhàng vẩy nước lên người nhau để giúp họ gột rửa những điều không may mắn của năm trước. Người Thái tin rằng việc vẩy nước này sẽ mang tới cho họ sức khỏe dồi dào và sự thịnh vượng trong năm mới.
Giờ đây, Songkran còn là dịp để mọi người thỏa sức vui chơi và nghịch nước để xóa đi cái oi nóng của mùa hè.
Nhảy bảy ngọn sóng, đón bảy điều may – Brazil
Với đường bờ biển dài hơn 7.400 km, người Brazil có hai phong tục truyền thống đặc biệt gắn liền với nước vào mỗi dịp năm mới.
Nước và biển tại Brazil được tượng trưng bởi nữ thần Iemanja. Trước ngày giao thừa, người dân sống ven biển sẽ chuẩn bị những con thuyền nhỏ đựng xà phòng, lược và hoa trắng. Họ sắp xếp cẩn thận những món quà này rồi đẩy chúng ra khơi. Khi chúng biến mất sau đường chân trời, họ sẽ biết rằng món quà của họ đã được thần biển chấp nhận. Người dân Brazil tin rằng những món quà giản dị đó sẽ xoa dịu sự tức giận của Iemanja và giúp họ có một năm mới bình an và thịnh vượng.
Vào đêm 31.12, mọi người sẽ lại tụ tập trên bãi biển để đón khoảnh khắc chuyển giao năm mới. Bảy ngọn sóng đầu tiên sau tiếng chuông giao thừa tượng trưng cho những sóng gió của năm mới. Để xua tan vận rủi và nắm chắc trong tay sức mạnh, sự kiên cường để đương đầu với các thử thách mới, người Brazil sẽ vừa nhảy sóng, vừa gửi gắm điều ước của mình với nữ thần biển.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng có hai điều kiện mà người tham gia bắt buộc phải tuân thủ nếu họ muốn trở về với một vận may mới: họ không được quay lưng lại với biển trước khi ra khỏi nước và không được nhảy ngang ngọn sóng.
Lời khuyên ở đây cũng thật thẳng thắn phải không ạ? Những thử thách của năm mới có thể ập tới liên tiếp, nhưng chúng ta không được chùn bước – hãy đương đầu với chúng một cách dũng cảm!
Ngâm mình trong nước đá – Nga
Người Nga nổi tiếng thế giới với thái độ thản nhiên trước các điều nguy hiểm mà ít ai dám thử. Đánh nhau với gấu xám, uống rượu thay nước, cởi trần trong trời đông giá lạnh – liệu những điều này về người Nga có thể là sự thật không, khi phong tục năm mới của họ cũng “liều lĩnh” không kém.
Vào ngày 19 tháng 1, người Nga ở khắp mọi nơi tham gia phong tục nhúng mình trong nước đá ở các hồ nước và các con sông giá lạnh. Những người theo đạo Chính thống giáo Đông phương sẽ nhúng mình đúng ba lần, tượng trưng cho Ba Ngôi của Thiên Chúa. Họ tin rằng điều này sẽ giúp họ gột bỏ các tội lỗi của năm cũ và trải nghiệm một cảm giác hồi sinh để đón chào năm mới.
Khởi nguồn tôn giáo của phong tục này không hề làm cho nó mất đi sức hút đối với những người Nga không theo đạo. Chỉ riêng năm 2020 thôi, đã có gần 2 triệu người tham gia nhúng đá tại Nga. Riêng thành phố Moscow đã phải điều động hơn 41.000 cảnh sát túc trực để bảo đảm sự an toàn cho những người tham gia lễ hội.
Một số nước khác tại Châu Âu cũng có tục lệ nhúng mình trong nước đá mỗi dịp năm mới.
Người Ba Lan đặt một đồng tiền vào chậu nước đá và dùng nước này để tắm rửa trước khi ăn tối để có thêm may mắn về tiền bạc trong năm mới.
Còn người Scotland lại có phong tục tắm nước lạnh để tỉnh rượu dưới eo biển Forth tại thị trấn Queensferry.
Năm mới trong một màu sắc – Togo
Togo là một nước nhỏ nằm ở vùng cận sa mạc Sahara ở châu Phi. Vì sự khan hiếm nước trong cuộc sống thường ngày mà nước đã trở nên linh thiêng đối với họ. Trong lễ hội năm mới truyền thống của Togo có tên là Epe Ekpe, người dân ở đây dùng nước để thanh tẩy bản thân và chuẩn bị cho phần lễ chính của lễ hội.
Cứ đến tháng 9 hằng năm, những người theo đạo Vodun (nghĩa là thành phần số đông của Togo) hành hương tới ngôi làng Glidji Kpodji để thể tham gia lễ hội này. Họ múa hát, tế lễ và thể hiện sự tôn thờ với các vị thần.
Lễ hội có ba phần chính: Tchesi Dodo (chuẩn bị nước thánh), Le Motata (dọn đường) và Kpessosso (tìm kiếm hòn đá linh thiêng).
Trong Tchesi Dodo, mục sư Vodun chuẩn bị nước thánh và mở đường cho người dân để họ có thể diện kiến trước thần linh và dâng lên lễ tế của chính mình. Nhưng trước khi thực hiện nghi lễ quan trọng này, ai ai cũng nhận một vài giọt nước lên đỉnh đầu để thanh tẩy bản thân. Họ được phép rửa mặt và rửa miệng rồi mới cất bước tới ba đền thờ chính.
Chỉ tham gia nghi lễ đầu tiên này thôi người ta đã có thể cảm nhận được sự cầu kỳ và linh thiêng của lễ hội đón năm mới này rồi. Nhưng nghi lễ chính của Epe Epke thực ra là nằm trong lễ Kpessosso.
Sau khi dọn đường (lễ Le Motata), mục sư tiến vào khu rừng linh thiêng để tìm kiếm hòn đá tượng trưng cho năm mới trong sự chờ đợi hồi hộp của tất cả những người khác. Màu đỏ tượng trưng cho chiến tranh, màu đen tượng trưng cho sự nghèo đói và hạn hán, còn màu xanh dương và màu trắng thì tượng trưng hòa bình và thịnh vượng.
Hãy để các vì sao chỉ đường - Maori (New Zealand)
Nhảy múa trên bầu trời mùa đông trước khi mặt trời mọc, chòm sao Mataraki (trong tiếng Việt là chòm Tua Rua) báo hiệu cho một năm mới sắp đến với người Maori. Xuất hiện vào tháng 6 hoặc tháng 7, đây chính là khoảng thời gian mà người Maori tụ họp để cùng nhau ăn mừng, tưởng niệm và chia sẻ niềm vui và sự yên bình. Điều đặc biệt là từ năm 2022 trở đi, Tết Mataraki sẽ chính thức trở thành một ngày lễ của cả New Zealand.
Trong quá khứ, người Maori nhìn lên bầu trời để xác định thời gian chuyển mùa và tìm đường trên biển. Họ tin rằng sự xuất hiện của Mataraki vào rạng sáng mùa đông báo hiệu cho Mātahi o te Tau, thời khắc bắt đầu của năm mới. Các nhà chiêm tinh học sẽ dậy trước bình minh để cẩn thận quan sát từng ngôi sao nhằm dự báo về thời tiết hay khả năng thu hoạch tốt cho năm mới.
Chòm Mataraki có tất thảy 9 ngôi sao, tượng trưng cho 9 khía cạnh quan trọng của cuộc sống. Trong đó, người Maori đã dành riêng 3 ngôi sao để tượng trưng cho các nguồn nước quý giá. Nước mưa có ngôi sao Waipunārangi, nước ngọt có ngôi Waitī và nước mặn lại chính là Waitā. Cả ba đều được liên kết với nhau trong vòng tuần hoàn nước: nước mưa rơi xuống các dòng suối, dòng suối dẫn ra biển, hơi nước bốc lên trời thành mây, và vòng tròn lại lặp lại.
Ngày nay, sự bùng nổ dân số và các hoạt động công nghiệp của con người đã trở thành một gánh nặng đối với các nguồn nước tại New Zealand. Nhưng mối liên kết giữa người Maori và các giá trị truyền thống của họ qua những lễ hội như Mataraki là một nguồn cảm hứng lớn đối với những người yêu môi trường tại New Zealand cũng như trên thế giới.