Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn
img

Tham gia cuộc gặp ngày 25 tháng 1 năm 2022 có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Hội Nguyễn Ngọc Điệp cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thiền. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì của dự án, theo Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ ban hành cuối tháng 8 năm 2021.

Hiện nay, việc bảo vệ, quản lý và sử dụng nước một cách hợp lý và bền vững đang là vấn đề cấp bách đối với đời sống mỗi người dân nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Chính vì vậy, trong thời gian qua tại nhiều diễn đàn, hội thảo, không ít cá nhân và tổ chức đã đề cập tới tầm quan trọng và tính cấp thiết của một bộ luật thống nhất, hoàn chỉnh, bao trùm toàn diện các vấn đề của lĩnh vực cấp, thoát nước tại Việt Nam.

Mối quan tâm chung

Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết cơ chế cho lĩnh vực cấp, thoát nước hiện nay vẫn còn chưa đầy đủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.

Hoạt động cấp nước đến nay chỉ được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật cao nhất là Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Tuy nhiên, văn bản có tuổi đời gần 15 năm này giờ đã không theo kịp được sự phát triển và những vấn đề phức tạp của hoạt động kinh doanh nước sạch, vốn là mặt hàng thiết yếu có tính chất hết sức đặc biệt, tác động trực tiếp tới sức khỏe con người và mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Về phía lĩnh vực thoát nước, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải cũng đã tồn tại gần chục năm và cần phải được cập nhật để có thể xử lý hiệu quả hơn vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng diễn biến phức tạp tại Việt Nam.

Ngoài ra, tuy Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực cấp, thoát nước, các mặt hoạt động của lĩnh vực này cũng chịu sự quản lý từ nhiều bộ, ngành khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế... gây nhiều bất lợi cho cả nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng.

Về mặt quản lý nhà nước, ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Phòng Quản lý Cấp nước, Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết do chỉ được điều chỉnh bằng nghị định thay vì luật như các lĩnh vực khác, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp nước thông qua văn bản pháp luật không cao, không đảm bảo cấp nước an toàn và an sinh xã hội.

Việt Nam cần đạt tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70% là một trong các mục tiêu chiến lược về môi trường nằm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 do Đại hội Đảng khóa XIII đề ra.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này hiện nay là hết sức khó khăn bởi nguồn kinh phí chủ yếu cho việc xử lý nước thải đến từ khoản phí thu kèm phí sử dụng nước và chỉ bằng 10% giá nước sạch sinh hoạt, theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường, Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Luật Cấp, Thoát nước: phép thử sự đồng lòng của ngành nước Việt Nam  - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân

Ông Huân cho biết khoản phí này không đủ để xử lý triệt để và hiệu quả khối lượng nước thải khổng lồ mỗi ngày. Hơn nữa, những văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa tạo một cơ sở, cơ chế pháp lý nào cho phép tăng khoản phí này lên mức phù hợp.

“Có thể nói rằng, dù nhìn từ góc độ chuyên môn hay góc độ lập pháp, ta đều có thể nhận ra rằng một dự án luật về cấp, thoát nước là cần thiết,” ông Huân nhấn mạnh.

Chiều ngày 27 tháng 7 năm 2021, ông Huân đã cùng với 474 Đại biểu Quốc hội khác bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó một trong những nhiệm vụ chủ yếu cho giai đoạn này là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.

Đây chính là cơ sở chính để đến ngày 30 tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với một trong những điểm nổi bật là Dự án Luật Cấp, Thoát nước do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển ngành nước Việt Nam.

Đồng lòng xây một dự án luật hiệu quả

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân nhận định, sự quản lý chồng chéo của nhiều bộ, ngành trong lĩnh vực cấp thoát nước hiện nay sẽ khiến quá trình xây dựng luật và lấy ý kiến trở nên phức tạp.

Luật Cấp, Thoát nước: phép thử sự đồng lòng của ngành nước Việt Nam  - Ảnh 2.

Các đại biểu bấm nút thông qua Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 2021-2025 (Nguồn: Công thông tin điện tử Quốc hội)

“Tuy được Chính phủ giao chủ trì dự án nhưng Bộ Xây dựng không thể làm một mình được,” ông Huân nói. “Trước hết, Bộ nên xây dựng một nhóm công tác. Nhóm này có thể xin Chính phủ một cơ chế riêng để tập hợp đại diện, cán bộ từ các bộ, ngành liên quan.”

Theo ông, nhiều đơn vị, nhiều ngành nghề tham gia quá trình xây dựng luật là để đảm bảo luật mang tính bao trùm rộng, đề cập đầy đủ những vấn đề cần luật giải quyết.

Không chỉ cơ quan nhà nước, ý kiến của các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân, các chuyên gia trong ngành với đại diện là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng đều cần thiết và quý giá.

“Những tổ chức như Hội Cấp thoát nước hay Hội Nước sạch và Môi trường thường có lực lượng chuyên gia chất lượng. Đó sẽ là những nguồn ý kiến rất quan trọng đối với cả công tác soạn thảo và trong quá trình phản biện,” Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhận định. “Một dự án luật có nhiều người tham gia, kêu gọi được đông đảo các thành phần xã hội đóng góp ý kiến sẽ đảm bảo được tính bền vững và tính khả thi cao.”

Các bước đi khẩn trương

Dự án Luật Cấp, Thoát nước được Chính phủ yêu cầu hoàn thiện trình Quốc hội trong giai đoạn 2024-2025, một khoảng thời gian không nhiều với một bộ luật lớn cần nhiều bộ, ngành tham gia. Nhận thức được điều đó, Hội Cấp thoát nước Việt Nam ngay sau khi nhận được thông tin về việc chuẩn bị xây dựng luật đã liên hệ với các đối tác, bạn bè trong và ngoài nước để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trên thế giới.

 Tháng 12 năm 2021, Hội đã tiến hành một cuộc họp hẹp với đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và nhóm chuyên gia xây dựng luật của Hiệp hội Nước Quốc tế (IWA), khởi động quá trình phối hợp giữa các bên nhằm giúp Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm bên ngoài để xây dựng một dự án luật hoàn chỉnh, phù hợp.

Chính những hoạt động như vậy đã và đang góp phần tạo những động lực cần thiết để thúc đẩy tiến trình xây dựng luật Cấp, Thoát nước, không để lãng phí thời gian.

Thừa nhận dự án xây dựng Luật Cấp, Thoát nước phức tạp hơn các dự án luật khác, nhưng Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng các bộ, ngành đã sẵn sàng và chỉ cần tìm ra một tiếng nói chung.

"Nếu Bộ Xây dựng có thể đưa ra một cơ chế hoạt động thật nhanh nhạy, thật hiệu quả thì tôi tin là chúng ta sẽ thành công,” ông Huân nhấn mạnh.

Top