Liên hệ quảng cáo: +84 (0) 377 089 696 (Ms. Chung Anh)
Email: quangcao@tapchinuoc.vn
img

‏Miền Bắc và Tây Bắc Ấn Độ thường phải đối mặt với khô hạn, nên việc sử dụng và lưu trữ nước sạch là một vấn đề lớn của nhiều thế hệ. Nhằm giải quyết vấn đề này, người dân Ấn Độ nhiều thế kỷ trước đã đào và xây dựng giếng bậc thang để tiếp cận nước sinh hoạt và sản xuất một cách dễ dàng hơn.‏

‏Riêng cái tên "giếng bậc thang" chắc hẳn đã khơi gợi trí tò mò về kiến trúc đặc biệt của các kỳ quan được xây dựng nhiều nhất từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 16 này.‏

‏Giếng bậc thang thường bao gồm hai phần: một cột nước ở giữa, xung quanh là hệ thống lối đi, buồng chứa nước và các bậc thang. Từ dưới nhìn lên, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống kiến trúc ấy mở ra xung quanh mình như một bông hoa bằng đá cân đối và hoàn hảo. ‏

Giếng bậc thang cũng đồng thời là một đền thờ với cấu trúc bảy tầng với tổng độ sâu hơn 30 m được xây dựng từ thế kỷ XI tại Gujarat, Ấn Độ

Giếng bậc thang cũng đồng thời là một đền thờ với cấu trúc bảy tầng với tổng độ sâu hơn 30 m được xây dựng từ thế kỷ XI tại Gujarat, Ấn Độ

 Theo nhà sử học Victoria Lautman, giếng bậc thang có hai ưu điểm so với giếng thường. Thứ nhất là khả năng dự trữ nước lớn. Nhiều giếng được xây dọc các tuyến đường thương mại nhằm phục vụ cả người dân địa phương lẫn các đoàn lái buôn đi đường dài. Không chỉ vậy, giếng bậc thang còn là nơi tránh nóng cho những tháng mùa hè chói chang. Với kiến trúc kim tự tháp đảo ngược, nơi chứa nước ở đáy giếng thường mát hơn so với mặt đất từ 6 đến 7 độ C. Vì lý do này, giếng bậc thang thường là nơi tụ tập và tổ chức các hoạt động cộng đồng của người dân địa phương. ‏

‏Gần như giếng bậc thang nào cũng có một câu chuyện lịch sử hoặc một truyền thuyết gắn liền với nó. Giếng Rudabai Vav tại Gujarat, một bang nằm trên bờ biển phía Tây Ấn Độ, kể câu chuyện của một nữ hoàng thế kỷ thứ XVI, bị một ông vua ngoại bang ép cưới sau khi giết chồng bà. Giếng này được bà cho xây để tưởng nhớ người chồng quá cố và là nơi bà gieo mình tự vẫn để không phải cưới người đàn ông kia. ‏

Giếng bậc thang có tên Rudabai tại Adalaj gần thành phố Gujarat, Ấn Độ

Giếng bậc thang có tên Rudabai tại Adalaj gần thành phố Gujarat, Ấn Độ

Giếng Chand Baori ở làng Abhaneri thuộc bang miền Bắc Rajasthan là một trong những giếng bậc thang cổ nhất và hoành tráng nhất của Ấn Độ. Giếng được khởi công xây dựng vào thế kỷ thứ VIII và có khoảng 3.500 bậc thang sắp xếp gần như thẳng đứng. Những người thăm giếng đều truyền tai nhau một câu nói nửa đùa nửa thật: "Bạn sẽ không bao giờ đi lên bằng đúng những bậc thang bạn đã dùng để đi xuống."‏


‏Sau thời kỳ cai trị của thực dân Anh ở Ấn Độ năm 1947, giếng bậc thang đều bị coi là công nghệ lỗi thời. Thay vào đó, chính quyền địa phương tập trung phát triển các hệ thống cấp thoát nước bao gồm đường ống, vòi nước và bể chứa nước hiện đại. Nhiều giếng bậc thang từ đó suy thoái và mục nát. Trong hơn 3.000 giếng bậc thang ở nước này, có nhiều công trình kiến trúc đã hoàn toàn biến mất.‏

‏Trong những năm gần đây, giếng bậc thang đã dần quay lại thành đề tài được quan tâm ở Ấn Độ, một phần để giúp giải quyết vấn đề thiếu nước sạch.‏

Kiến trúc bên trong giếng bậc thang Rudabai, được xây dựng từ năm 1498

Kiến trúc bên trong giếng bậc thang Rudabai, được xây dựng từ năm 1498

‏Tình trạng khan hiếm nước uống và sinh hoạt ở Ấn Độ, quốc gia xếp thứ hai thế giới về dân số với 1,4 tỷ người, đã đạt mức báo động. Ấn Độ đứng thứ 120 trên 122 quốc gia trên thế giới về chất lượng nước, với gần 70% lượng nước bị ô nhiễm, tổ chức NITI Aayog nói trong một báo cáo hồi 2018. Trong tình trạng đó, gần một nửa dân số của Ấn Độ thiếu nước trầm trọng mỗi ngày. Tại những nơi khô hạn như bang Punjab, trẻ em sinh ra và lớn lên trong tình trạng khát nước quanh năm. ‏

Chand Baori, một trong những giếng bậc thang sâu nhất tại Ấn Độ

Chand Baori, một trong những giếng bậc thang sâu nhất tại Ấn Độ

‏Trong bối cảnh thiếu nước nguy kịch này, nhiều địa phương đã tìm đến giếng bậc thang để xây dựng giải pháp. Tại Rajasthan, chính quyền bang đã cùng World Bank lên chiến lược khôi phục giếng bậc thang trong một kế hoạch bảo tồn văn hóa toàn diện cho khu vực. Còn tại New Delhi, nhiều giếng bậc thang quan trọng đã được khôi phục qua việc lọc phù sa ở đáy giếng cho tới khi có nước ngọt. Tới nay, những giếng lớn như Purana Qila Baoli đã có đủ nước ngọt để cung cấp nước tưới tiêu cho các khu vườn của tòa pháo đài liền kề. ‏

‏Với khả năng trữ nước của loại giếng đặc biệt này, công cuộc khôi phục giếng bậc thang vừa giúp giảm nhẹ gánh nặng thiếu nước, vừa tạo động lực để người dân chăm sóc và bảo vệ các di sản cổ đại. ‏

Bài: Ngọc Anh‏ - Ảnh: Shutterstock

Top