Nhiệt độ
Được xây dựng từ năm 2007 đặt tại đỉnh Phia Oắc, gần 2.000 m so với mặt biển, trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam phục vụ người dân ở huyện Nguyên Bình và các vùng lân cận của tỉnh. Bốn cán bộ hiện làm việc tại trạm đều là những người bắt đầu công tác ở đây từ những năm 2008-2010.
Anh Sầm Ngọc Sơn, cán bộ trạm, nói những năm mới thành lập, cơ sở vật chất còn đơn sơ và nguồn nước khan hiếm. Để có nước uống, các cán bộ phải dùng bạt lớn, căng vào 4 góc của trạm để hứng sương đọng qua đêm.
Trạm nằm trên đỉnh núi nên không có nguồn nước nào chảy xuống, nhưng qua thời gian, các anh phát hiện ra một khe nước nhỏ dưới vực. Điểm nước tập trung cách đường đi khoảng 100 m, dốc đứng và trơn trượt. Để xuống được đó phải vượt qua những rặng sặt mọc chằng chịt, những thân cây lớn đổ chặn ngang. Vẫn dùng bạt, họ đào đất, căng bạt làm bể chứa rồi dẫn nước từ khe vào.
“Khi đó, chúng tôi cứ 2 người xuống bể là mang theo can 20 lít để khiêng nước lên trạm dùng”, anh Sơn kể. Hiện nay, điều kiện khá hơn nên trạm đã được trang bị một máy bơm thả xuống bể bạt để đưa nước lên dùng cho ăn uống, không phải khiêng tay nữa.
Để có nước sinh hoạt hàng ngày trạm có một hệ thống máng thu từ mái nhà, dẫn xuống bể bê tông xây cuối dãy. Nguồn nước này dồi dào vào mùa mưa nhưng sang mùa đông thì không những khan hiếm, nhiều năm nước bể còn đông cứng như cục đá khổng lồ, không thể sử dụng được.
Năm 2020 có thời điểm nhiệt độ tụt xuống âm 10 độ C, kéo dài cả tuần, mọi thứ đều đóng băng.
“Bể nước lúc ấy đông đặc, không tài nào lấy nước mà dùng được, nước dưới khe cũng thế. Chúng tôi phải gọi xuống núi, nhờ người thân chở vài can nước lên rồi cho vào phòng dùng dần”, anh Sơn kể lại. Nhờ trong phòng bật máy sưởi nên nước không đóng băng.
Không chỉ thời tiết, thiên tai cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước của trạm. Chỉ trong sáu tuần đầu năm 2020, có tới 6 trận động đất tại Cao Bằng. Tuy không gây thiệt hại về người, các trận động đất này đã làm hư hại cơ sở hạ tầng như trường học, nhà dân. Bể nước ở trạm trên đỉnh Phia Oắc cũng bị rạn nứt.
“Chúng tôi đã tu sửa lại nhưng vẫn bị rò ở đâu đó, nước bây giờ chỉ chứa được chừng nửa bể, không đầy được nữa”, anh Sơn nói.
Các cán bộ của trạm phát sóng đều nói họ mong muốn có thêm những bể nước inox bởi loại bể này gọn nhẹ, dễ lắp đặt, có thể tác động bằng nhiệt để lấy nước sử dụng trong trường hợp bị đóng băng và cũng ít bị hư hại nếu xảy ra động đất như trước đây.
Nước sạch, nước dùng sinh hoạt vẫn đang là thách thức lớn nhất với những cán bộ chịu trách nhiệm giữ cho cánh sóng thông tin tới được bà con vùng biên giới miền núi Cao Bằng không bị đứt gãy.