Nhiệt độ
Cội nguồn của khái niệm Cấp Thoát nước
Từ công xã nguyên thủy xa xưa đến nay, việc sớm nhận biết một quy luật tự nhiên có liên quan chặt chẽ đến sự tồn tại của con người. Người ta phát hiện rằng mọi hành vi của con người đều liên quan đến trật tự của sáng - tối, Mặt Trăng - Mặt Trời, của hệ thống tuần hoàn các vì sao. Khi quan sát vị trí của sao Bắc Cực, nếu Chùm Thanh Long bên trái đầu mùa xuân mà hạ xuống, năm đó sẽ gặp nắng hạn. Nếu Chùm Bạch Hổ bên phải mà ngẩng lên thì năm đó sẽ mưa nhiều. Để rút ra được kết luận như vậy, phải chắt lọc từ quan sát tự nhiên và trải qua một thời gian dài. Mỗi lần trồng lúa, canh tác chăn nuôi, qua các năm thành công và lặp lại nhiều lần, họ phát hiện ra ngoài mong muốn chủ quan, có những yếu tố đã tác động mạnh vào thành quả đó.
Cùng với sự tồn tại và phát triển của thế giới, nhìn chung mọi người đều biết lẽ tự nhiên là phải có đàn ông (dương) và đàn bà (âm). Vận động giữa âm dương, giữa nam và nữ liên quan đến một trật tự theo sự vận động của Mặt Trời và Mặt Trăng.
Họ phát hiện rằng, tất cả năng lực của người đàn ông đều vận hành theo chiều của Mặt Trời, còn mọi năng lực của người phụ nữ vận hành theo chiều của Mặt Trăng. Hai chiều này vận động đồng thời tạo ra chiều hướng thứ ba mà khoa học hiện đại gọi là vùng xoắn của vũ trụ. Các kết luận này đã đan xen vào các nền văn hóa, tri thức, rồi được viết ra để hướng dẫn con cháu cách tự vệ, bảo vệ và phát triển cái đã quan sát được.
Với ngành cấp và thoát nước, "cấp" và "thoát" tương ứng với "Vào" và "Ra", một nguyên tắc thường được tuân thủ khi xây dựng bất kỳ một thủ đô, một đất nước, hay một ngôi nhà. Để vắn tắt, trong dân gian đúc kết thành câu "vào cha ra mẹ".
Dựa trên nguyên tắc này người ta đã có thể xây dựng trường tồn một thể chế. Với "vào cha ra mẹ", các công trình cấp nước thường được khởi công và kết thúc vào buổi sáng, bởi vì buổi sáng là đường vào của Mặt Trời. Còn buổi chiều - đường ra của Mặt Trời - là khi thi công và hoàn tất các công trình thoát nước.
Căn cứ theo các định nghĩa mang tính quan sát, buổi sáng là mở - là vào, là cấp, là tiến, buổi chiều là lui, là thoát. Như vậy, cấp thoát nước theo quan niệm của người xưa là một hệ thống xương sống chi phối toàn bộ các hoạt động. Về phong thủy, bên trái Thanh Long là nơi đưa nước vào trong nhà, bên phải Bạch Hổ là đường thoát nước ra. Từ ngôi nhà đến một công trình trong hệ thống cấp thoát nước đều phải vào và ra theo đúng trật tự. Bên cạnh những thành tựu của khoa học hiện đại, chúng ta cũng cần chú ý thêm những kinh nghiệm được đúc kết hàng nghìn năm trước.
Những điều quan sát được từ thành cổ Thăng Long
"Cấp thoát nước" nghe có vẻ đơn giản và không có ảnh hưởng gì đến con người. Trong cuộc sống, ta thường chỉ hỏi nhau: "Anh có bao nhiêu tiền? Anh có bao nhiêu con cái? Thành tựu của anh có những gì?". Ít khi ta hỏi: "Cơ thể của anh có cái gì khỏe, chủ thể của anh cái gì yếu?". Song vạn vật là như vậy, có nhiều điều ẩn chứa bên cạnh những gì ta thấy bên ngoài.
Trước khi bàn về ảnh hưởng của hệ thống nước trong một quốc gia thì phải bàn về con người. Ta đều biết máu vận hành để nuôi cơ thể theo các dòng chảy. Người phương Đông đã ví chúng ta là tiểu vũ trụ, trong cơ thể có sông có biển, có mặt trăng mặt trời, đủ cả ngũ hành. Tức là thế giới bên ngoài có những gì, cơ thể của chúng ta cũng chứa đựng từng ấy thứ. Nếu máu không vận động trong cơ thể thì cơ thể đó không tồn tại.
Với việc lập kinh đô của một quốc gia, trong thuật ngữ phương Đông, phải chọn được những vị trí tương ứng của tự nhiên có liên quan chặt chẽ để hỗ trợ cho giới lãnh đạo. Họ nắm được nước và núi, một tĩnh và một động, có liên quan chặt chẽ đến độ phát triển và tư duy. Từ xa xưa người ta đã nhìn thấy tầm ảnh hưởng lớn của các khái niệm và sự liên quan chặt chẽ, cụ thể là của khí hậu, của nước, của núi. "Sơn quản nhân, thủy quản tài" - trong đó sơn là núi, thủy là nước.
Lấy Thăng Long làm ví dụ. Trong ngũ hành, Kim phương vị là Tây, Thủy phương vị là Bắc, Hỏa phương vị là Nam, Thổ là Trung ương, gồm hai vùng Tây Nam và Đông Bắc. Nguồn đẻ ra toàn bộ tài sản chính là Kim trong phương vị Tây. Thăng Long có nơi chứa, nơi vào là Hồ Tây. Đây là hồ chủ lớn nhất từ xưa đến nay, nhận lấy tài sản tiền bạc của người mẹ bởi nguồn từ sông Hồng dẫn vào. Sông Hồng là sông cái, là mẹ nước, tức là nước nhiều nhất chảy từ phương Bắc, do vậy cha ông ta đã chọn vị trí Hồ Tây tại phương vị Tây so với Thăng Long để đưa nguồn nước từ phương Bắc vào phương Tây, tạo thành thế "Kim sinh Thủy". Từ chỗ chứa này sẽ có những đường nhánh, trong đó có sông Tô Lịch và một số sông nhỏ. "Hồ cái" chi phối các dòng nước, theo thuật ngữ bây giờ là những lưu thông để tránh ách tắc gây ra dòng nước đục bẩn. Người xưa cho rằng, khi ách tắc thì tài khí sẽ không lưu thông. Trong thực tiễn, người ta thấy túi tiền có liên quan mật thiết đến sự khai thông của các dòng nước.
Trong lịch sử, Thăng Long từng chứng kiến nạn đói nhiều lần và họ phát hiện có sự trùng lặp rằng, cứ mỗi lần như thế thì xác người và rác rưởi gây tắc các cống rãnh. Không phải việc tắc cống rãnh gây tắc nghẽn các đường nước rút, nhưng các hiện tượng đó theo quan sát và suy ngẫm đều ăn nhập với sự phát triển hoặc suy vong trong từng giai đoạn. Khi người Pháp sang Việt Nam, họ vận dụng kiến thức kiến trúc của phương Đông để phù hợp với thời tiết, khí hậu, nhưng họ cũng biết rằng nếu để cho một thành phố thanh lịch, phát triển, theo cách hiểu khoa học của phương Tây, hệ thống thoát nước phải rất khoáng đạt thì mới bảo vệ được những thành tựu của họ.
Do vậy, những nơi cấp thường cao với biểu trưng là núi, những nơi thoát thường thấp, phải chìm. Các nguyên tắc, trật tự từ trước cho tới nay, theo tôi đánh giá thì người Á Đông hay người phương Tây đều giống nhau, nhưng cách giải quyết phù hợp với từng quốc gia, từng nền văn hóa.
Quan niệm về nước mưa – nước không nguồn
Nếu đào nước trong lòng đất tốt thì như mẹ cho tiền. Mẹ là đất, nhưng thiếu đi công của cha, tức là trời, thì chỉ là cách cho giấu diếm bởi vì bản chất nước nằm trong lòng đất đã là sự giấu diếm. Nếu như nước đó, tài sản đó, tiền bạc đó thuận ý cha, thuận lòng mẹ thì tài sản đó mới bền vững. Trong quá trình phát triển người ta phát hiện rằng lý tưởng nhất là không cần lao động nhọc nhằn mà vẫn có bổng lộc rơi vào đầu, đấy chính là nước không nguồn. Do vậy, nước không nguồn được sử dụng trong rất nhiều hình thái. Trong các tôn giáo, tín ngưỡng thường sử dụng nước này chứ không sử dụng nước giếng, nước ở trên cao. Theo cách nhìn triết học của người Á Đông truyền thống thì một vùng nước trong sạch, nước phẳng nằm dưới chân núi là nước tốt nhất. Nước trên đỉnh núi cũng hạn chế như nước dưới lòng đất. Nước ta khai thác ngày hôm nay chính là nước đạt tiêu chuẩn theo quan điểm truyền thống, là nước âm dương.
Giếng vua – giếng dân
Tài sản của vua khác tài sản của thị dân. Cả hai yếu tố đặc biệt đều không lệ thuộc vào kích thước mà lệ thuộc vào vị trí. Với quân vương thì nước sẽ nằm ở vị trí nào, là thị dân thì được phép đào ở đâu. Tùy vào nội tộc nhà vua và nếu không cần phải đào rộng, họ chỉ đào giếng vừa phải để lấy ý đây là tài sản của quân vương. Quan phủ, quan chi huyện cũng chỉ được đào tại các vị trí nhất định. Một ông quan huyện mà đào vào vị trí Cung Càn, Càn là vua, hay theo phương vị đọc là phương Bắc 285 độ trên la bàn thì ngày xưa người ta sẽ bắt ngay do vi phạm luật pháp.
Trong một hệ thống tri thức vẫn phải dành chỗ cho việc "cấp thoát nước". Không hiểu một cách máy móc chỉ là đi tìm nơi cấp nước vào thành phố và nơi thải ra.
Ảnh hưởng của những dòng nước xưa
Trong kinh thành Thăng Long, Hồ Tây được ví như là ngân hàng nhà nước, nơi chi phối toàn bộ các nguồn tài lộc cho Thăng Long. Nhưng thực ra các mạch máu của kinh thành không phải chỉ Hồ Tây. Sông Tô Lịch là biểu trưng cho quyền uy, nhân tài nằm ở sông Tô Lịch. Đây là một sông dẫn, ngoài việc tạo nên tài khí cho dân sinh, nó còn là một biểu trưng vương quyền. Sông Tô Lịch ngày xưa là một sông linh thiêng nên có nhiều đền thờ.
Bởi sông quan trọng, không được để ô uế, và xưa kia đó là nghiêm lệ. Bên cạnh sông có nhiều kênh mương, khi ấy không phải chỉ dành cho tưới tiêu vì trong lòng Hà Nội lúc đó không đặt vấn đề canh tác là thiết yếu. Các kênh mương, cống rãnh trong lòng thành đều biểu trưng cho phát triển và thịnh vượng của dân chúng tại kinh thành Thăng Long.
Với việc cấp và thoát nước, vùng đất Thăng Long vài trăm năm trước không đông người như ngày nay nên không có nhu cầu cấp và thoát nước lớn. Sự tồn tại của các kênh mương cống rãnh, ngoài một số sông, hồ quan trọng trong thành, còn mang một ý nghĩa cao hơn thế rất nhiều. Cấu trúc trật tự của đô thị chúng ta xưa kia đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống nước vào và nước ra.
Đi tìm nguồn nước khi lập đô
Như khi xây một ngôi nhà, tiêu chí đầu tiên là phải xác định vị trí nước vào, quan trọng như vị trí nước ra, rồi mới tính đến hệ thống kiến trúc, bước đầu tiên của một quốc gia khi lập đô là phải tính được đường nước vào và bước cuối cùng khi hoàn thiện là phải tính được đường nước ra.
Tại Hà Nội, trục đông tây chạy từ Kim Mã lên Ba Vì và trục nam bắc tính từ chợ Cửa Nam thẳng một mạch vào TP. Hồ Chí Minh. Bốn vị trí này được gọi là tứ chính, được xác định là bốn ông vua để cai quản và gìn giữ cho đất nước hùng mạnh đến giờ.
Điểm đặc biệt ở Thăng Long – Hà Nội liên quan đến "thủy" và "tài"
Trong ngôn ngữ truyền thống, tài khí không thuần túy chỉ là nước vật chất ta dùng. Vượt ra ngoài bốn phía bờ đê bây giờ, trong đó có đê Đại Cồ Việt, đê La Thành… ra ngoại thành, họ không chỉ dùng nước mà đã mượn được các thảm thực vật, như các cánh đồng lúa, hành, riềng, tỏi… được trồng quanh Thăng Long.
Về tài khí, họ cũng biết trộn các vùng cao để chi phối nước dội về, vào ở Hồ Tây, và dùng vùng thấp như Yên Sở để làm nơi thoát nước. Tất cả các trục vào - ra này được xác định theo đúng nguyên tắc "vào cha ra me".
Gọi Thăng Long là đất lành bởi dòng nước ta được kế thừa ngọt nhất nước ta, không chát, không vị. Các thầy phong thủy, địa lý đã thừa nhận rằng khi thè lưỡi liếm đất tại Thăng Long thì thấy nước ngọt nhất. Người ta nhận biết dải đồng bằng sông Hồng đã thẩm thấu toàn bộ các hương liệu của nước phù sa sông.
Nước thuộc thủy, ngọt thuộc thổ, thổ thì còn nhân, còn con người, mà thủy thì còn tài khí. Chỉ có đất này nhân tài mới có. Ta giữ Hà Nội làm thủ đô cho đến bây giờ là có căn nguyên.
Từ mấy nghìn năm trước đến nay ta đã gìn giữ và từng bước phát triển, trong quá trình xử lý "Vào" và "Ra" (cấp và thoát) mà thiếu chắt lọc thì chỉ gây khó khăn thêm cho phát triển.
Các yếu tố khảo cổ
Trong bất kỳ thể chế nào, các tri thức từ đào tạo trường lớp được lĩnh hội như nhau. Nhưng sau khi học xong, chỉ có một số địa phương có nhiều tiến sĩ. Quan sát thêm, ta thấy có vùng chỉ giỏi toán, có những nơi chỉ giỏi văn. Những vùng có nhiều tài năng quân sự thường có vị trí nước nằm ở phương chính Nam hoặc phương Nam của nơi sinh sống của người đó. Những người giỏi văn chương thì thường thấy hệ thống nước ở vùng Tây.
Ứng dụng là khi muốn tìm quan võ phụng sự đất nước, người ta sẽ tìm các vùng nước động, di dần về phương Nam. Khi đào ở đấy, tương lai sẽ có những đứa bé được sinh ra, sau này sẽ thừa hưởng nguyên khí của giếng phương Nam, thường là những người rất tinh thông về võ lược.
Từ góc độ khảo cổ, có thể phát hiện ra cái giếng. Để tìm hiểu rộng hơn phải xác định nó bằng la bàn, qua lăng kính vị trí ứng với phương nào trong kinh thành Thăng Long, nơi được coi là tâm.
Lấy một ví dụ khác, chưa có một cái ao nào trong hệ thống làng của người miền Bắc Việt Nam mà thiếu viên đá đặt dưới cầu ao để giặt giũ. Viên đá đó ngoài việc để trấn áp các sát khí bốn phương tạo nên, còn là cách thể hiện mong ước trong làng sẽ có những tài năng. Vậy là diệt họa trừ tai, mang phúc vinh đến nhờ chín viên đá bất kỳ cái ao làng nào cũng có.
Tôi cho rằng muốn phát triển thì phải coi hệ thống cấp và thoát nước gần như là nền tảng đầu tiên trong bất kỳ công trình kiến trúc nào, kể cả đương đại. Từ cấp thoát nước cho giao thông, cho đường bộ hay dân sinh, tất cả các yếu tố này phải đặt trong một trình tự thuyết phục.
Tôi quan niệm rằng cần phải kế thừa kinh nghiệm của người xưa và kết hợp với thực tiễn thời nay thật hài hòa và phù hợp với sinh hoạt của người Việt. Với tiềm thức truyền thống, trang bị thêm các khí cụ hiện đại nhất, chúng ta chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu.