Nhiệt độ
Năm nay 32 tuổi, Chu Che Xá là một nông dân có 4 người con ở bản Lao Chải, xã Y Tý, một vùng mây trời đẹp như ở mơ thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Người nông dân kiêm hướng dẫn viên du lịch bán thời gian này không nhớ chính xác anh tham dự phục vụ Lễ cúng rừng Gạ Ma Do lần đầu khi nào, có lẽ khoảng năm 18 tuổi. Năm 2021, anh được dân làng bầu làm thày cúng và là lần đầu tiên anh chủ lễ cúng thần rừng, thần nước, theo bước cha anh trước đây.
Người cựu trưởng bản này nói, người Hà Nhì có nhiều ngày lễ nhưng Lễ cúng rừng Gạ Ma Do của người Hà Nhì Đen tổ chức vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng hàng năm, tiếp nối truyền thống bảo vệ nguồn nước và rừng đầu nguồn là buổi lễ thiêng liêng nhất, quan trọng nhất trong năm. Cha của Xá cũng từng là chủ lễ tại Lễ cúng rừng Gạ Ma Do trong nhiều năm.
Xá giải thích, “Gạ Ma” tiếng Hà Nhì là con lợn cái, “Do” chỉ cái cây cao và thẳng, Gạ Ma Do có thể hiểu là ‘rừng lợn cái’.
Trên thực tế ở mỗi thôn bản người Hà Nhì Đen ở Bát Xát đều có các khu rừng cấm, nguồn nước thiêng bao bọc, chở che. Rừng thiêng Gạ Ma Do luôn được coi là khu rừng quan trọng nhất, luôn nằm ở vị trí cao hơn thôn bản, là nơi không ai được phép nhặt củi hay cành gẫy dù đã khô mục, không được đại tiểu tiện hay khạc nhổ bừa bãi. Từ đây các vị thần có thể quan sát được mọi hoạt động của người dân để bảo vệ thôn bản tránh cái xấu, đuổi con ma ác làm hại dân.
“Khu rừng thiêng được bảo vệ bình yên thì con người mới khỏe mạnh, vật nuôi và cây trồng mới tốt tươi”, Xá nói với Tạp chí Cấp Thoát Nước Việt Nam.
Đối với người Hà Nhì, một dân tộc sống ở nhiều quốc gia Đông Nam Á và phía nam Trung Quốc, có bản sắc văn hóa riêng và ngôn ngữ riêng thuộc nhóm Lô Lô, mọi hành vi xâm phạm rừng đều bị lên án và có những hình phạt thích đáng.
Là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam, người Hà Nhì cư trú tại một số tỉnh biên giới phía bắc như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, với tổng số 25.539 người, theo điều tra dân số năm 2019.
Có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang và đào mương đắp đập lấy nước, người Hà Nhì dùng trâu bò cày kéo và làm vườn cạnh nhà. Chăn nuôi cũng là một nghề phát triển cùng các nghề thủ công phổ biến như đan lát, dệt vải. Phần đông người Hà Nhì tự túc được vải mặc.
Từ đặc thù nếp sống dựa vào nông nghiệp, tương đối khép kín tại các địa hình cao, người Hà Nhì đề cao việc bảo vệ rừng, và đặc biệt nguồn nước nuôi sống con người được bảo vệ tuyệt đối thông qua các hương ước lâu đời vẫn được lưu truyền như Lễ cúng rừng Gạ Ma Do.
Theo Xá, người dân tin rằng thần linh sẽ trừng phạt người vi phạm sự tôn nghiêm của khu rừng thiêng. Vì thế, nghi thức cúng rừng Gạ Ma Do phải chu đáo và đầy đủ cũng là để cầu cho một năm phát triển đủ đầy.
Lễ cúng rừng Gạ Ma Do bao gồm các nghi lễ cấm bản, tạ ơn Thần nước và rước nước thần về cúng “Gạ Ma Do”.
Nghi lễ của người Hà Nhì
Vào ngày Dần đầu tiên trong tháng Giêng, mỗi gia đình cử một đại diện tham gia lễ cấm bản, gọi là lễ Ga Tu Tu. Lễ vật để cúng có một con chó, một đôi gà sống mái, rượu, muối... Kết thúc lễ cúng, mọi con đường chính dẫn vào bản đều bị căng dây cấm. Người Hà Nhì cho rằng, con ma sẽ theo người dân bên ngoài vào bản. Người vi phạm sẽ bị phạt vạ theo hương ước.
Phần lễ chính Gạ Ma Do diễn ra sau lễ cấm bản 2 ngày. Vào buổi sáng ngày Thìn, trước khi tiến hành nghi lễ rước nước thần về làm lễ cúng “Gạ Ma Do”, các gia đình mang lễ vật gồm 1 đôi gà, kẹp xôi màu vàng, rượu nếp đặt trong một ống tre, đôi thớt gỗ… để cúng Thần nước ở đầu nguồn của bản.
Đây là nghi thức cảm tạ Thần đã cung cấp nước trong năm qua, và cầu cho nguồn nước đầy chảy mãi trong năm mới. Sau đó, người dân dùng ống bương xin nước thần về làm lễ cúng Gạ Ma Do ở khu rừng thiêng vào buổi chiều.
Nhà Xá cũng như nhiều nhà trong bản Lao Chải cùng cầu nguyện cho đủ nước để cấy lúa một vụ trên các ruộng bậc thang và cho sinh hoạt hàng ngày.
Khi hành lễ, mọi thứ của rừng đều được bảo vệ tuyệt đối. Người dân mang theo mọi thứ, kể cả củi đốt lửa.
Lấy ví dụ về việc làng phạt vạ vi phạm chặt cây ở khu rừng cộng đồng, Xá nói người vi phạm sẽ phải công khai xin lỗi cộng đồng, nộp 36 kg thịt lợn, 20 kg gạo và 20 lít rượu.
Vi phạm ở khu rừng cúng Gạ Ma Do, nếu nhẹ thì bù thừa theo hương ước của thôn, còn nặng thì sẽ bị đuổi ra khỏi làng, nhưng Xá nói từ xưa đến nay các cụ kể lại là chưa có ai vi phạm.
Người Hà Nhì coi lễ cúng rừng Gạ Ma Do là lời nhắc nhở về ý thức bảo vệ khu rừng thiêng. Bên cạnh đó, họ gửi lời cầu nguyện cho cuộc sống yên bình trong năm tới các vị thần.
Hương ước của người Hà Nhì qui định những đối tượng được phép lấy củi ở trong rừng cúng là những người ở một mình, không có người thân nào như không bố, mẹ, anh, chị, em hay con cái. Nghe các cụ kể, những đối tượng này dù được phép nhưng cũng chẳng có ai đi lấy củi ở khu rừng thiêng vì không ai muốn mình bị coi là người không có người thân.
Kết lễ, lễ vật được chia cho mọi người và họ cùng ăn tại chỗ. Lễ vật phải được ăn hết, không để lại đồ thừa. Những gì vương lại cần được dọn sạch và bỏ vào hố đã có từ trước tránh làm ô uế đến nơi linh thiêng.
Tôn thờ thần rừng, thần nước trong Lễ cúng Gạ Ma Do không chỉ là nghi thức thể hiện ước nguyện của người Hà Nhì về cuộc sống an bình mà còn mang giá trị văn hóa và giáo dục tính kết nối bền chặt của cộng đồng để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng và nguồn nước – nguồn mạch của sự sống.
Nhờ những nghi lễ và ý thức bảo vệ thiên nhiên của người Hà Nhì, nguồn nước ở Bát Xát vẫn trong mát qua bao đời, Xá nói.